Nhiều chương trình ca hát với đủ thể loại để đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. Từ trái qua: chương trình Ca sĩ bí ẩn, Đấu trường võ nhạc và Duyên dáng bolero - Ảnh: HTV, THVL
Ca hát và âm nhạc vẫn là “con chủ bài” của năm, nhưng không phải là những sô ca hát đơn thuần. Xu hướng vẫn là những sô có màu sắc âm nhạc, lấy âm nhạc để tạo nên những liên kết với nhiều loại hình khác như hài, trò chuyện, thi đấu, nhảy múa, kết đôi…
Ông Phạm Lê Hiếu (giám đốc điều hành Đông Tây Promotion)
Việc phải tự thay đổi, xoay xở để cứu lấy mình trong môi trường cạnh tranh cao như thế đã bắt đầu từ năm ngoái, khi hàng loạt chương trình định dạng thuần Việt được ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí, nghe nhìn đa dạng của khán giả và cắt giảm chi phí mua bản quyền từ các nhà cung cấp nội dung quốc tế
Sáng tạo bất ngờ
Điển hình cho những sự thay đổi này phải kể đến các chương trình khá thành công của năm 2017 và tiếp tục được thực hiện trong năm 2018 như: Hát mãi ước mơ, Mặt nạ ngôi sao, Ca sĩ giấu mặt, Hãy nghe tôi hát, Ai sẽ thành sao, Người hát tình ca, Chân dung cuộc tình, Giọng ải giọng ai...
Hẳn nhiên các nhà sản xuất, nhà sáng tạo nội dung không dễ dàng để chương trình của mình "chết đuối" giữa cơn sóng ồ ạt của âm nhạc.
Đã có nhiều sáng tạo bất ngờ cùng âm nhạc trong các game show, chương trình truyền hình thực tế được ra mắt từ đầu năm đến nay.
Ví dụ, Đấu trường võ nhạc (20h thứ bảy hằng tuần trên HTV7) là cuộc thi võ thuật kết hợp với vũ đạo, nhưng các chủ đề được đưa ra luôn liên quan đến âm nhạc khiến người chơi lẫn người xem bất ngờ.
Duyên dáng bolero (21h thứ hai hằng tuần trên THVL1) cũng là format mới của năm 2018, khi lấy ca hát làm "bước đệm" để tôn vinh nhan sắc của các nữ thí sinh tham gia chương trình.
Chung kết xếp hạng Solo cùng Bolero 2017: Mạnh Nguyên - Mùa mưa đi qua
Điện ảnh, phim truyền hình, ca nhạc, hài kịch... là những sản phẩm giải trí luôn có khán giả dù lúc này lúc khác. Có thời talkshow lên ngôi nhưng với văn hóa Á Đông chưa thật cởi mở của Việt Nam, xem ra làm talkshow vẫn còn nhiều hạn chế. Vì thế, ca nhạc và hài nếu làm chỉn chu vẫn sẽ có lượt xem tốt. Còn về sự cạnh tranh để tồn tại thì... "ai đuối thì phải chịu thôi!
Nhận định về thế "vững như bàn thạch" của các sô ca hát trên truyền hình, bà Bích Liên - giám đốc Mega GS - cho biết
Luôn cần sự khác biệt
Nói khái quát như ông Phạm Lê Hiếu - giám đốc điều hành Đông Tây Promotion: "Khán giả sẽ không quá hứng thú với những sô thuần ca hát hay các cuộc thi theo những định dạng rõ ràng vì họ đã quá "lão luyện" rồi, gần như đoán được tất cả diễn biến, tình huống sắp tới.
Nếu là một sô theo "công thức" thì phải đầy sáng tạo để trở nên khó đoán hơn mới thu hút được người xem". Nói là nói vậy, nhưng Đông Tây Promotion từ một đơn vị đi đầu trong các sô truyền hình ca nhạc nay chỉ đang "chạy" một chương trình là Ca sĩ bí ẩn đủ để thấy rằng làm sô ca nhạc thật chẳng dễ ăn!
Bà Bảo Trâm - giám đốc Vietcom, đơn vị sản xuất chương trình Trời sinh một cặp - nhận định: "Mỗi chương trình luôn phải tìm sự khác biệt để khán giả thích thú. Cụ thể một bài hát cũ được phối khác đi với giọng hát đặc biệt sẽ gây chú ý.
Hoặc thí sinh không phải là ca sĩ nhưng khá nổi tiếng ở lĩnh vực khác như vũ công, nhà thiết kế thời trang, đạo diễn, MC, diễn viên... đã được khán giả yêu mến, nay khán giả sẽ ngạc nhiên hơn bởi sự kết hợp mới lạ giữa họ và ca sĩ chuyên nghiệp. Và dĩ nhiên những hiệu ứng, những màn trình diễn phải được đầu tư công phu, hoành tráng".
Võ Hạ Trâm thể hiện ca khúc 'Dĩ vãng' của Trịnh Nam Sơn
Tôi tham gia cuộc thi không để nổi tiếng hơn hay khẳng định tên tuổi, mà chỉ vì thích những gì mình chưa thử sức, thích chinh phục nhiều hơn. Từ trước tới giờ, mọi người chưa nghe tôi hát những ca khúc trữ tình bolero - những ca khúc mà ba mẹ tôi và thế hệ những người đi trước rất thích, khiến tôi cũng thấy hứng thú. Việc có nhiều sân chơi và tham gia nhiều sân chơi ca hát khác nhau thế này cũng giúp nghệ sĩ chúng tôi thêm năng động, kích thích khả năng sáng tạo sau thời gian dài hơi "ì" với nghề.
Ca sĩ Võ Hạ Trâm - người từng đứng nhất rất nhiều cuộc thi và mới đây nhất là Hãy nghe tôi hát - đã bộc bạch về quyết định tham gia chương trình này
Kết hợp võ với nhạc
Trước khi lên sóng, Đấu trường võ nhạc là cuộc thi được nhà sản xuất Điền Quân kỳ vọng sẽ tạo nên hiệu ứng tốt từ khán giả trong năm 2018. Ý tưởng của cuộc thi này khá độc đáo và táo bạo khi kết hợp võ thuật với âm nhạc và vũ đạo.
Ông Bửu Điền, "cha đẻ" của format này, chia sẻ: "Ý tưởng thực hiện chương trình này là khi tôi xem một format thi tài năng của Hàn Quốc, thấy có một tiết mục kết hợp đấu võ với âm nhạc thật hấp dẫn. Việt Nam có nhiều môn phái võ thuật cũng như nhóm võ đặc sắc.
Người Việt lại yêu thích ca hát, nên tôi tin sự kết hợp này sẽ được hưởng ứng và tạo nên những hiệu ứng tốt". Dẫu vậy, khi lên sóng, chương trình đã không "rần rần" như mong đợi dù lượng khán giả quan tâm đến chương trình ngày càng tăng.
Tuy nhiên, "vấn nạn" dễ thấy nhất trong các chương trình âm nhạc hiện nay là dù có đầu tư công phu, hoành tráng, nội dung chỉn chu thì cũng không gây chú ý bằng bỗng dưng có một xìcăngđan trên trời rơi xuống.
Mà Trời sinh một cặp với "tai nạn gạ tình" của Phạm Anh Khoa là một ví dụ. Thành ra đôi khi để tạo được sự chú ý, nhà sản xuất phải chuyển "tâm điểm" là các thí sinh, những giọng ca sang những nhận xét, những câu bông đùa, tung hứng của các khách mời, ban huấn luyện, MC...
Hoặc như "mốt" hiện tại là pha trộn đủ các thể loại chương trình vào một format để thỏa mọi nhu cầu giải trí của khán giả, để rồi trong cả chục "công thức" thử nghiệm mới đó may ra mới có một cái thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận