![]() |
Brian Hjort và Nguyễn Thị Thủy trao đổi thông tin về việc tìm cha thông qua người phiên dịch - Ảnh: Trần Tiến Dũng |
Có một gia đình nhỏ gồm người vợ đang học nghề nấu ăn cùng cô con gái chỉ mới lên 5 tuổi, bản thân Brian tự nhận thức được hoàn cảnh sống của mình khá khó khăn khi thu nhập chính và duy nhất của cả nhà là nhờ vào nghề thợ sơn của anh. Gia đình Brian sống ở Thụy Điển, quốc gia thuộc diện đắt đỏ, nên rõ ràng mức thu nhập 20 USD/giờ chỉ đủ giúp anh duy trì được những bữa cơm đạm bạc. Vậy mà tích cóp đủ tiền là anh lại hăm hở mua vé máy bay đi VN.
Tìm thấy cha
Brian đến VN và lập trang web www.fatherfounded.org (Tìm thấy cha) để giúp những người con lai gốc Mỹ có cơ hội được tìm lại cha mình. Khi tìm được người cha tại Mỹ thì anh lại lo làm thủ tục để họ được xuất cảnh, đoàn tụ cùng cha.
Không một mối liên hệ với Việt Nam, với những người con lai gốc Mỹ thì lại càng không..., hà cớ gì anh lại đổ biết bao công sức để giúp những người này?
Brian nói mình bắt đầu làm công việc “vác tù và hàng tổng” sau chuyến du lịch lần đầu đến VN vào năm 1992. Tình cờ gặp một người, hai người, rồi sau đó cả một nhóm những người con lai Mỹ tại VN, chứng kiến cảnh họ sống nheo nhóc và lạc lõng. Chỉ vậy thôi mà khiến anh cảm thấy cay khóe mắt. “Sau khi tìm hiểu và biết được hầu hết họ đều là con rơi thời chiến và có cha là người Mỹ, tôi đã nảy ra quyết định trên” - Brian cho biết.
Mặc sự phản đối của những người quen biết, Brian vô cùng quyết tâm trong công việc này, thậm chí nhiều lần mua vé máy bay qua lại tốn cả ngàn đô chỉ để kiểm tra những trường hợp mà anh tin là “có sự liên quan với nhau”. Anh bắt tay vào việc với tài sản duy nhất là lòng tin. “Bạn biết không, tôi nghĩ mình có năng khiếu tìm kiếm đồ vật bị thất lạc. Nếu mất một cây bút, linh tính sẽ mách bảo cho tôi biết nó ở đâu ngay”.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm một con người không dễ dàng như kiếm một cây bút! Brian phải bền bỉ vượt qua từng khó khăn. Những ngày đầu lập trang web, anh như bơi giữa không trung vì không biết nên bắt đầu từ đâu và làm gì. Không dễ gì kiếm được thông tin của các người cha ở một quốc gia rộng lớn như Mỹ, và việc liên lạc với VN - lúc bấy giờ còn rất lạc hậu - lại càng vô cùng khó khăn. Ngày qua ngày, không có người giúp đỡ, anh phải dùng đến công cụ dịch của Google để chuyển ngữ nội dung trang web sang tiếng Việt.
Một vấn đề nan giải khác là tài chính eo hẹp. Brian phải sử dụng cả nguồn tiền tiết kiệm ít ỏi để chi cho những hoạt động của trang web, điều này khiến vợ anh nhiều lần rất xót xa. Mỗi khi phải mua vé đến VN hay Mỹ để làm “cầu nối” là một lần anh trằn trọc cả tháng vì tiền vé lên đến cả ngàn đô. Anh không có nhà tài trợ do ai cũng nghĩ trang web này là “vớ vẩn, đầy rủi ro”, trong khi đó con gái anh lại đang tuổi lớn và cần rất nhiều tiền cho việc ăn học. Brian cũng không có nhiều người quen tại VN, chính vì vậy mà mỗi khi đến đây để tìm kiếm một ai đó, anh gặp rất nhiều khó khăn.
Như đang tìm cha cho chính mình
Tuy nhiên, một số người bạn VN động lòng trước sự nhiệt tình của Brian đã tình nguyện giúp đỡ anh cho các cuộc tìm kiếm. Brian cho biết nhờ báo tin theo kiểu “truyền miệng” mà từ năm 1992 đến nay, anh đã nhận được khoảng 100 yêu cầu giúp đỡ từ những người con lai VN. Đích thân anh đi đi về về giữa VN và Thụy Điển để tiếp nhận và giải quyết từng trường hợp.
Mỗi lần đến VN, anh lại ngược xuôi từ Sài Gòn đến các tỉnh như Đồng Nai, Vĩnh Long… để gặp mặt từng người, kiểm tra từng chi tiết, góp nhặt giấy tờ, chứng cứ, sau đó dùng “nghiệp vụ” tìm kiếm của mình, Brian tra cứu thông tin trên mạng để tìm người cha, nếu đúng thì anh lại tất tả hướng dẫn những người con nuôi làm hồ sơ gửi đến các cơ quan hữu quan để thúc đẩy quá trình.
Không phải những cuộc tìm kiếm nào cũng kết thúc có hậu. Đa số trường hợp khi xác định được thì người cha đã qua đời vì tuổi cao. Có trường hợp tìm được đúng tên tuổi người cha, ngày tháng đi nghĩa vụ, địa điểm đóng quân ở VN, nhưng không có cuộc đoàn tụ nào diễn ra bởi người cha không thể bước qua rào cản gia đình...
Có khi sự bỏ cuộc lại bắt nguồn từ phía người con. Brian kể năm 2009, người con lai tên N.M. (Tân Phú, Đồng Nai) đã đến nhờ anh tìm kiếm cha mình bên Mỹ. Sau vài tháng ròng rã tìm kiếm, liên lạc cả tại Mỹ lẫn Việt Nam, Brian đã tìm ra người cha tên Mc Calip tại Oklahoma và tìm kiếm đủ hồ sơ để chứng minh cho bên Mỹ và được họ chấp thuận. Người cha sau đó đã đồng ý bảo lãnh N.M. qua Mỹ.
Do kinh tế của N.M. rất khó khăn (chị làm nghề cắt lá chuối) nên người cha đã đồng ý đưa tiền cho chị làm hồ sơ để làm hộ chiếu và xin thị thực. Tiền đã đưa nhưng chờ hoài Brian vẫn không thấy chị N.M. có động tĩnh gì. Sau đó, anh mới phát hiện chị N.M. đã quyết định không xuất cảnh nữa. Hơn thế, chị N.M. có lẽ vì hoàn cảnh gia đình đưa đẩy nên đã gửi thư để xin người cha một số tiền. Thư không có hồi âm, cuộc đoàn tụ gián đoạn từ đó.
Những cuộc tìm kiếm cứ tiếp diễn với Brian, như thể anh đang tìm cha cho chính mình.
Tìm cha Một chiều cuối đông 2009 ở một khách sạn trên đường Bùi Viện (Q.1, TP.HCM), Thủy ngồi một mình, lặng lẽ và hồi hộp chờ kết quả tìm kiếm trên Internet về tên của cha mình. Brian Hjort dán chặt đôi mắt vào màn hình, kiên nhẫn chờ đợi và tìm kiếm cái tên Andrew Blount, một cựu chiến binh Mỹ sinh ngày 17-1-1937. Thủy thu mình vào một góc của băng ghế. Tuổi thơ đầy lam lũ và vất vả đã hằn in những khắc khổ trên mặt người phụ nữ sinh năm 1972. Thủy không chỉ có gương mặt đặc biệt của một người Việt lai Mỹ da đen, mà còn có một hoàn cảnh đặc biệt bởi cô từng lạc mất cả cha lẫn mẹ. Hình ảnh về cha chỉ là những thông tin chắp nhặt trong trí nhớ của mẹ. Ngày ấy, bà Thay là nhân viên phục vụ, dọn phòng cho người Mỹ rồi gặp ông Andrew Blount. Lúc đó Andrew là chỉ huy đội bảo dưỡng xe, đã 35 tuổi. Ông đã có gia đình với hai người con (một trai, một gái) ở Mỹ. Sau một thời gian họ yêu nhau. Nguyễn Thị Thủy là kết quả của mối tình ấy. Cuối năm 1971, Andrew về nước. Ông muốn đưa hai mẹ con bà Thay sang Mỹ. Vì còn mẹ già một mình nên bà Thay không nỡ, đành ở lại. Năm Thủy lên ba tuổi được mẹ gửi lại cho một người bạn nuôi rồi chuyển qua Sông Bé (Bình Dương ngày nay) cùng bà ngoại của Thủy. Từ đó, hai mẹ con họ biệt ly suốt 15 năm. Thủy không giấu được xúc động khi nhớ lại những ngày buồn tủi của một đứa con lai không có mẹ, không biết cha là ai: “Lúc còn bé tôi khóc rất nhiều vì tủi thân. Bạn bè rồi ngay cả người lớn cũng chọc ghẹo, cười cợt, có người còn khinh miệt bảo tôi là đồ con lai. Tôi không hiểu con lai là như thế nào, nhưng nhìn những người xung quanh, tôi dần dần biết mình không giống họ, về màu da, về tóc. Những năm tôi đi học đều bị chúng bạn ùa theo chọc ghẹo. Vào lớp tôi chỉ im lặng, ngồi học hết giờ rồi về. Tôi cô độc và lặng lẽ trong cuộc sống của mình”. Năm 18 tuổi, cô quyết tâm đi tìm mẹ chỉ với manh mối duy nhất là cái tên Châu Thị Thay và địa điểm Bến Cát (Bình Dương). Vậy mà ông trời cũng run rủi dẫn lối cho Thủy tìm lại được người mẹ ruột, nay đã có gia đình riêng với con cái đề huề… Giờ đây, Thủy cũng mong ông trời thương cô lần nữa, cho cô tìm lại được cha để biết mình có đủ mẹ cha như ai khác. Thủy được một số người bạn cũng là con lai, đang nhờ Brian tìm cha giúp họ, giới thiệu địa chỉ email của Brian. Cầm trong tay địa chỉ email của Brian, Thủy háo hức hi vọng. Chị nhờ người bạn biết tiếng Anh viết giúp một lá thư với nguyện vọng mong muốn được tìm cha của mình rồi gửi cho Brian. Đầu mối chỉ là cái tên Andrew Blount và ngày tháng năm sinh của ông cùng đơn vị sư đoàn 25 Hoa Kỳ, đóng ở Đồng Dù (Củ Chi) mà mẹ ruột còn nhớ trong ký ức đã lùi xa rất xa của bà. Vì nhiều lý do, mất ba năm thông tin của Thủy mới đến được với Brian. Và vào tháng 12 vừa qua, vừa hay tin Brian về VN, cô vội vã chạy xe từ Củ Chi tới quận 1 gặp người đàn ông tốt bụng ấy. Khi Brian bảo đã tìm thấy có một người tên Andrew Blount, sinh ngày 17-1-1937 ở bang Maryland, cô mừng không thể tả. Cuộc tìm kiếm đã bước đầu lấp lánh bao hi vọng! Thủy nghẹn ngào bảo: “Tôi muốn tìm lại cha của mình để bù đắp những thiếu thốn tình thương và để tin mình có một người cha còn sống”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận