05/03/2019 11:34 GMT+7

Ga Đồng Đăng: chứng nhân một thời máu lửa

THÁI LỘC - QUỐC MINH
THÁI LỘC - QUỐC MINH

TTO - Sau chuyến tàu đặc biệt chở lãnh đạo Triều Tiên đến Đồng Đăng, ga này đã được nhiều người biết đến. Nhưng hiếm ai biết rằng ga Đồng Đăng đã được Pháp sớm khởi xây để viện binh phòng thủ biên giới và trở thành chứng nhân bao thời cuộc máu lửa.

Ga Đồng Đăng những ngày lịch sử - Video: THÁI LỘC

Trở lại ga Đồng Đăng ngày nay, chúng tôi không ngờ nó hồi sinh như thế. Tháng 2-1979, chúng tôi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở đây trong đống đổ nát, cháy đen và chết chóc.

NGUYỄN DANH PHƯƠNG (cựu binh sư đoàn 3)

Tranh thủ tiếp chúng tôi trong những ngày bận rộn đặc biệt, ông Phạm Đức Khái - giám đốc ga Đồng Đăng - cho biết hiện nhà ga mỗi ngày đón tiễn khoảng 20 đoàn tàu, hầu hết là tàu hàng xuất nhập khẩu "chính ngạch".

Bốn chuyến tàu khách dừng ở ga Đồng Đăng gồm đôi chuyến quốc nội xuôi ngược Hà Nội - Đồng Đăng, cùng đôi chuyến liên vận Hà Nội - Bằng Tường, Trung Quốc...

"Cảng nổi" Đồng Đăng

Ngược dòng thời gian, ông Nguyễn Lâm - cựu phó ga những năm đầu 1990 - lần giở lại bộ ảnh tư liệu từ 100 năm trước.

Tài liệu ghi rằng tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng được khởi xây năm 1890 và hoàn thành năm 1902. Đây cũng là năm khánh thành ga Đồng Đăng với hai dãy nhà ba gian, cao hai tầng, lợp ngói, có hành lang bao quanh cùng pháo đài và một đồn canh gần bên.

Trong tài liệu Đường sắt nước Pháp hải ngoại của Frédéric Hulot, chính quyền thuộc địa đã tính khi tình hình biên giới ổn định, tuyến đường sắt Đồng Đăng sẽ kết nối đến Nam Ninh, Trung Quốc.

Tuy nhiên, nước láng giềng lúc ấy không quan tâm dự án lớn này nên tuyến đường chỉ được làm tiếp đến Na Sầm vẫn thuộc địa phận Lạng Sơn.

Trước Chiến tranh thế giới thứ 2, mỗi ngày có 6-8 chuyến tàu từ Hà Nội đi Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) và 2 chuyến tới Lạng Sơn với các đầu máy mang tên Amiral Courbet, L’Anenir... Đặc biệt, từ khổ đường sắt 0,6m, người Pháp mở rộng thành 1m.

Ga Đồng Đăng: chứng nhân một thời máu lửa - Ảnh 3.

Ga Đồng Đăng năm 1984 - Ảnh tư liệu

Ga Đồng Đăng: chứng nhân một thời máu lửa - Ảnh 4.

Bác Hồ thăm công trường khôi phục đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan ngày 25-1-1955 - Ảnh tư liệu

Dự định buôn bán, đặc biệt là sợi bông với Trung Quốc, bất khả thi trong giai đoạn này. Tuy nhiên, tuyến đường sắt hình thành đã dần giúp đổi thay Lạng Sơn hoang vắng. Biên viễn "có sự thay đổi kỳ lạ", "các thương gia miền xuôi và Trung Quốc có đến mấy ngàn người trong một phiên chợ" như sách xưa chép lại.

Chín năm kháng Pháp, đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn nhiều đợt bị gián đoạn và được tái thiết từ tháng 7-1954.

Trong ký ức của ông Lê Minh Đức, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt, Chính phủ và các tỉnh qua cung đường họp quyết tâm phải khôi phục nhanh chóng.

Trên toàn tuyến có 4 công trường làm nền đất, 1 công trường cầu, 2 đội đặt đường và 3 mỏ đá ở Chi Lăng, Mai Pha, Đồng Đăng cùng 60.000 công nhân làm việc.

Đến ngày 28-2-1955, ga Đồng Đăng chứng kiến chuyến tàu liên vận đầu tiên từ Hà Nội qua Bằng Tường, Trung Quốc. Và chỉ 6 tháng sau, đường sắt quốc tế Hà Nội - Bắc Kinh - Matxcơva - Berlin đã chính thức khai thông...

Rồi suốt cuộc chiến 20 năm, ga Đồng Đăng tiếp nhận hàng hóa chính từ Liên Xô, Đông Âu và Trung Quốc theo đường sắt vào VN. Đó là các loại xe cộ, vũ khí, quân trang, nhiên liệu, lương thực...

Nghe chúng tôi hỏi chuyện xưa, ông Lành Đức Thịnh, cựu cán bộ công an Đồng Đăng, bất ngờ hỏi lại: "Cậu hỏi thời ga Đồng Đăng là cảng nổi hay thời nào?".

Rồi ông kể khi Mỹ đánh bom miền Bắc, cảng Hải Phòng bị phong tỏa. Phần lớn hàng hóa quốc tế đều theo đường sắt vào Lạng Sơn.

Ga Đồng Đăng thành "cảng nổi" của miền Bắc, toàn bộ nhân công cảng Hải Phòng tập trung đến mới xếp dỡ kịp lượng hàng khổng lồ lên tới 1.375.000 tấn chỉ trong năm 1972...

Ga Đồng Đăng: chứng nhân một thời máu lửa - Ảnh 5.

Ga Đồng Đăng khoảng năm 1907 - Ảnh tư liệu

Ga Đồng Đăng: chứng nhân một thời máu lửa - Ảnh 6.

Một đoạn đường ray tại ga Đồng Đăng năm 1984 - Ảnh tư liệu

Chiến tranh đổ nát

Tuy nhiên, hòa bình vừa lập lại, biên viễn Lạng Sơn lại rền tiếng súng. Bà Phạm Thị Hà xúc động kể chuyện ga Đồng Đăng ngày 17-2-1979.

Là nhân viên ga, hôm ấy khoảng 4h30 sáng, bà ở ngôi nhà gần bên. Bất ngờ, tiếng pháo rền trời từ bên kia biên giới lao xuống Lạng Sơn. Cố định thần, bà chạy sang pháo đài ngay cạnh đường sắt.

Nhưng hầm pháo đài lúc ấy rất đông người trú ẩn, bà lại băng sang ga và đau đớn nhìn thấy thi thể ông Chung, nhân viên dồn ghi, nằm cạnh chiếc đầu máy...

Gần ngày biên giới rền tiếng súng, tình hình đã rất căng thẳng nên tàu khách chỉ chạy từ Hà Nội đến Lạng Sơn. Tuy nhiên, việc giao ban và tiếp than, nước cho đầu máy vẫn ở ga Đồng Đăng.

Hôm ấy, ngay sau loạt pháo đầu tiên, mọi người trong ga chỉ kịp giấu thi thể bạn dồn ghi. Ga Đồng Đăng ban đầu vẫn trụ vững, chỉ có cửa và ngói rơi loảng xoảng. Đó cũng là hình ảnh ga xưa cuối cùng được người dân nhìn thấy.

Hầu hết các phần nhà ga bị nổ mìn sập đổ nát. Nhiều đầu máy, toa xe và đường ray bị tháo đem về bên kia biên giới.

Suốt mươi năm sau, Đồng Đăng trở thành vành đai biên giới được quân đội canh phòng. Mãi đến tháng 12-1991, nhà ga biên viễn này mới được tái lập, đường sắt được lắp đặt lại để thông tàu Hà Nội - Đồng Đăng chuyến đầu tiên vào ngày 4-8-1992.

Ông Nguyễn Lâm tâm sự công cuộc tái thiết ga Đồng Đăng như những gì nhìn thấy ngày nay hoàn thành khoảng đầu năm 1996 và nối thông đường sang Trung Quốc. Đến năm 2004, nhà ga biên giới này được công nhận là ga cấp I liên vận quốc tế...

Ga Đồng Đăng: chứng nhân một thời máu lửa - Ảnh 7.

Những chuyến tàu chi viện miền Nam - Ảnh tư liệu

Ga Đồng Đăng: chứng nhân một thời máu lửa - Ảnh 8.

Bốc dỡ hàng hóa lên tàu trong thời chống Mỹ - Ảnh tư liệu

Cuộc đổi thay lịch sử

Bà Hà, chủ quán nước nhỏ bên nhà ga Đồng Đăng, tâm sự mình lên đây đầu những năm 1990 và là chứng nhân thời cuộc đổi thay, giai đoạn người dân được trở lại sinh sống kể từ sau chiến tranh biên giới.

Bà vẫn nhớ cảm giác vui mừng khi đón chuyến tàu đầu tiên từ Hà Nội đến Đồng Đăng khởi đầu cho giai đoạn tái vận chuyển, buôn bán hàng hóa sôi động qua biên viễn này. Mảnh đất tan nát vì chiến tranh bắt đầu hồi sinh theo bánh tàu quay.

Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Lâm kể từ đôi tàu liên vận Hà Nội - Bằng Tường hoạt động sau nghị định thư về liên vận quốc tế ngành đường sắt hai nước Việt - Trung ký kết vào ngày 14-2-1996, ga Đồng Đăng nhộn nhịp trở lại.

Hàng loạt tàu hàng chở đầy máy móc và phụ tùng xe cộ nhập về. Sân ga chất đầy hàng hóa như bia Vạn Lực, xe đạp, vải vóc, hàng tạp hóa, thực phẩm và hoa quả... Số hàng hóa sau khi được lực lượng chức năng kiểm tra, dần chuyển lên các chuyến tàu ngược xuôi...

Hiện nay, đường bộ và hàng không phát triển, nhưng tuyến đường sắt quan trọng qua ga Đồng Đăng vẫn được duy trì. Nhiều người góp ý nên đầu tư cho ngành du lịch khai thác tối đa tuyến đường này.

Nó không chỉ đi qua những vùng đất tuyệt đẹp miền biên viễn, mà còn khơi gợi, nhắc nhớ bao ký ức lịch sử bi tráng không thể nào quên của nước Việt...

Ga Đồng Đăng: chứng nhân một thời máu lửa - Ảnh 9.

Ga Đồng Đăng với cờ hoa trang trí nhân sự kiện đặc biệt nhất từ trước đến nay - đón, tiễn Chủ tịch Kim Jong Un - Ảnh: THÁI LỘC

Ga Đồng Đăng: chứng nhân một thời máu lửa - Ảnh 10.

Sảnh chờ ga Đồng Đăng - Ảnh: THÁI LỘC

Ga Đồng Đăng: chứng nhân một thời máu lửa - Ảnh 11.

Hệ thống đường sắt của ga Đồng Đăng hiện nay - Ảnh: THÁI LỘC

Ga Đồng Đăng: chứng nhân một thời máu lửa - Ảnh 12.

Hành khách chụp ảnh kỷ niệm tại ga Đồng Đăng sau sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lịch sử - Ảnh: THÁI LỘC

Cung đường chiến lược

dd1

Chuyến tàu lên Lạng Sơn năm 1894 - Ảnh tư liệu ĐSVN

Sau những trận đánh đầy tổn thất năm 1885 giữa lữ đoàn viễn chinh Pháp do thiếu tướng De Négrier chỉ huy và quân nhà Thanh ở Lạng Sơn, người Pháp thấy rằng cần phải có tuyến xe lửa từ Hà Nội nối liền với vùng biên viễn hiểm yếu này. Tàu hỏa sẽ giúp họ nhanh chóng viện binh khi xảy ra chiến sự...

Từ ngày 18-3-1887, ủy ban kỹ thuật do thống sứ Paul Bert chỉ định đã quyết tâm phải xây dựng bằng được tuyến đường sắt chiến lược lên pháo đài Đồng Đăng gần Cửa Nam Quan.

Cuối cùng, nhà thầu Georges Soupe được chọn thực hiện cung đường từ Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) đến Lạng Sơn.

Tuy nhiên, công việc được tiến hành chậm chạp, vì thiếu an ninh và điều kiện sống quá khắc nghiệt khiến nhiều phu làm đường bỏ trốn.

Đến cuối tháng 12-1894, đường ray kéo đến Lạng Sơn, sau đó được nối tiếp tới Đồng Đăng và xây dựng nhà ga.

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - kỳ 4: Quyết tử ở pháo đài Đồng Đăng 40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - kỳ 4: Quyết tử ở pháo đài Đồng Đăng

TTO - 'Quân bành trướng Trung Quốc đông như kiến. Chúng tràn đến đâu dày kịt đến đó! Nói thật, kể cả người bạo gan như tôi nhìn cũng thấy rùng mình', đại tá Nông Văn Phiao kể.

THÁI LỘC - QUỐC MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên