![]() |
Các nhà lãnh đạo G8 tại Deauville, Pháp - Ảnh: AFP |
Hôm nay 27-5, lãnh đạo các nước G8 tiếp tục thảo luận về các vấn đề nóng hiện nay trên thế giới trong bối cảnh các nền kinh tế mới trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ ngày càng lớn mạnh và có ảnh hưởng lớn.
Một trong những vấn đề quan tâm lớn của G8 lần này là diễn biến “Mùa xuân Ả Rập” đang làm lung lay các “đế chế vững chãi” ở khu vực này trong vài tháng qua và đến nay đã lật đổ hai lãnh đạo Tunisia và Ai Cập. Theo Reuters, các nước tham gia thảo luận giải pháp đối với cuộc nội chiến ở Libya và bạo động tại Yemen, Bahrain và Syria, bất chấp một số bất đồng với Nga, thành viên phản đối mạnh mẽ nhất việc can thiệp quân sự nhắm vào Libya.
“Chúng ta đều muốn nhìn thấy sự chuyển tiếp ở Ai Cập và Tunisia thành công và trở thành hình mẫu cho khu vực. Bằng ngược lại, chúng ta có thể bỏ lỡ thời cơ này” - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thúc giục các thành viên G8. Các quan chức cho biết một gói hỗ trợ và xóa nợ trị giá nhiều tỉ USD giúp Ai Cập và Tunisia dự kiến được thông qua tại hội nghị lần này, bao gồm 2 tỉ USD của Washington.
Cuộc đua nhiều tranh cãi vào chiếc ghế lãnh đạo IMF, dự kiến kết thúc vào ngày 30-6, cũng nằm trong nghị trình của các lãnh đạo G8. Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde hôm 25-5 đã chính thức ra ứng cử vào vị trí này. Dù bà Lagarde được châu Âu ủng hộ, song các nền kinh tế mới nổi, như khối BRICS, lại phản ứng mạnh mẽ với việc độc quyền IMF của châu Âu và đưa ra những ứng cử viên của nước mình. “Cuộc cạnh tranh vị trí lãnh đạo thế giới ngày càng lớn hơn so với cuộc khủng hoảng kinh tế” - Jan Techau, giám đốc văn phòng Quỹ Carnegie tại châu Âu, so sánh.
Một nội dung khác là cuộc khủng hoảng nợ đang treo lơ lửng trên đầu khối sử dụng đồng euro. Bất chấp nỗ lực giải cứu của Liên minh châu Âu và IMF, vẫn chưa có lối thoát cho kinh tế khu vực này. Hàng loạt cuộc biểu tình chống thắt lưng buộc bụng liên tục diễn ra ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hi Lạp. Các nước còn bất đồng trong bối cảnh núi nợ của Hi Lạp đang có nguy cơ xấu trở lại, song Ngân hàng Trung ương châu Âu mới đây bác bỏ việc cải tổ nợ cho Athens khiến giới đầu tư thêm lo ngại.
Hội nghị G8 dường như ngày càng bị lấn lướt bởi nhóm G20 lớn hơn và có định hướng kinh tế mạnh mẽ hơn, đặc biệt có sự tham gia của những gã khổng lồ mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay Nam Phi, cho thấy sự chuyển dịch sức mạnh đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới. “G8 đang mang gánh nặng phải thể hiện sự ảnh hưởng của mình trước xu thế dịch chuyển sức mạnh kinh tế và chính trị hiện nay” - chuyên gia David Shorr của Quỹ Stanley Foundation nhận định. Trong bài phát biểu hâm nóng lại mối quan hệ với châu Âu, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bác bỏ quan điểm cho rằng châu Âu và Bắc Mỹ đang suy tàn trước sự trỗi dậy của châu Á, Mỹ Latin và châu Phi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận