Lãnh đạo các nước G7 cùng tham gia một phiên họp trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh, diễn ra tại vịnh Carbis, Cornwall, Anh, hôm 12-6 - Ảnh: REUTERS
G7 bao gồm các nền kinh tế lớn của thế giới như Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ.
Vị quan chức giấu tên này nói với Hãng tin Reuters rằng G7 cũng đồng ý rằng họ cần phối hợp trong vấn đề ổn định chuỗi cung ứng, đảm bảo các nền dân chủ sẽ giúp đỡ nhau.
“Tôi có thể nói rằng các bên đã thống nhất về việc sẵn sàng lên tiếng trước các vi phạm nhân quyền và quyền tự do cơ bản trong các giá trị chung giữa chúng tôi”, nguồn tin này cho biết.
Ngoài ra, quan chức trên cũng tiết lộ G7 đã “cam kết cùng hành động” trước những gì đang diễn ra, tiến xa hơn tuyên bố chung từ 3 năm trước. Trung Quốc không được nhắc đến trong tuyên bố này.
Theo khung pháp lý của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), việc Trung Quốc được gắn nhãn là “nền kinh tế phi thị trường” cho phép các đối tác thương mại sử dụng cơ chế đặc biệt để xác định hàng xuất khẩu của họ có bị bán phá giá hay không.
Nếu điều này được chứng minh là đúng, các đối tác đó có quyền áp thêm các loại thuế chống phá giá lên hàng hóa của Trung Quốc.
Một nguồn tin khác của Reuters cũng cho biết chủ trì phiên thảo luận về Trung Quốc ngày 12-6, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã kêu gọi các lãnh đạo G7 đề ra hướng tiếp cận chung trước các thách thức từ Bắc Kinh.
“Thông điệp của ông Trudeau hôm nay là chúng tôi thật sự cần làm việc để xây dựng sự đồng thuận về một cách tiếp cận thống nhất đối với những thách thức mà Trung Quốc gây ra cho tất cả chúng ta. Chúng tôi phải thể hiện sự đoàn kết như một nhóm và thể hiện hành động như một nhóm”, nguồn tin này nói.
Trước đó, Reuters đưa tin sáng kiến "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (B3W) sẽ được G7 công bố chi tiết trong ngày 13-6, với trọng tâm là đối đầu với Sáng kiến Vành đai - con đường (BRI) của Trung Quốc. Phương Tây vốn chỉ trích BRI là "ngoại giao bẫy nợ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận