13/12/2022 09:52 GMT+7

Food 4 You: Ứng dụng liên kết thực phẩm, vì một thế giới xanh - sạch - đẹp - chất

HẢI ĐĂNG
HẢI ĐĂNG

TTO - Ứng dụng "Food 4 You" góp phần quan trọng vào quá trình bớt lưu trữ những thực phẩm không cần thiết, để rồi biến nhu cầu thành thói quen, khi người tiêu dùng tự động bớt phung phí khi không để nhiều thức ăn tồn đọng trong tủ lạnh...

Food 4 You: Ứng dụng liên kết thực phẩm, vì một thế giới xanh - sạch - đẹp - chất - Ảnh 1.

Có lẽ trong chúng ta ai cũng từng ít nhất một lần lãng phí thức ăn, và cũng ít nhất một lần thấy được những hình ảnh đau buồn về những người thiếu đói vì không có được cái ăn.

Đặc biệt là trước và sau dịch COVID-19 thì vấn đề tiêu dùng thực phẩm một cách văn minh, tiết kiệm trở thành xu hướng mà mọi quốc gia đều hướng tới.

Lãng phí thực phẩm ước tính gây thiệt hại kinh tế khoảng 100 tỉ USD, là vấn nạn toàn cầu. Cụ thể, theo thống kê, mỗi năm có 1,3 tỉ tấn thực phẩm bị lãng phí trên toàn thế giới. Số thực phẩm này đủ để nuôi sống người dân ở ba châu lục gồm: châu Phi, châu Mỹ và châu Âu trong vòng một năm.

Còn ở Việt Nam chúng ta thực trạng này cũng không khá hơn là bao, vậy nên tôi rất muốn xây dựng ứng dụng "Food 4 You" như một giải pháp cho tất cả. Ứng dụng về cơ bản được hiểu như sau:

- Cái tên "Food 4 You" là cách viết chơi chữ của "Food for You" - thực phẩm dành cho bạn. Tôi sử dụng số 4 vừa thay chữ "for" để tên ứng dụng nhìn bắt mắt, vừa để nhấn mạnh mục tiêu của ứng dụng là vì một thế giới "xanh", "sạch", "đẹp" và sống ngày càng "chất" với nhau.

- Trong thời công nghệ số, với sự bùng nổ của điện thoại thông minh, nhiều ứng dụng đã ra đời giúp người tiêu dùng và các siêu thị, cửa hàng ăn uống kết nối với nhau dễ dàng, vừa giúp cho người kinh doanh không phải vứt bỏ đồ ăn thừa, vừa giúp người có thu nhập hạn chế mua được thực phẩm với giá rẻ.

Việt Nam cũng đang theo xu hướng này và mục tiêu của "Food 4 You" rất rõ ràng là tất cả mọi người đều có lợi.

- Chỉ cần tải "Food 4 You" về chúng ta có ngay một nhịp cầu để các cá nhân, hộ gia đình, thường là những người sống trong cùng khu phố, thôn xóm, có thể trao đổi với nhau các món ăn hoặc thực phẩm mà họ không dùng hết (có danh mục các loại thực phẩm dễ hỏng khi để qua ngày thì không được phép trao đổi).

Người dùng ứng dụng có thể đăng ký là người cho hoặc nhận thức ăn, hoặc cả hai miễn sao giải quyết được nhu cầu một cách hợp lý.

- Chỉ cần tải "Food 4 You" về sẽ kết nối được đơn vị kinh doanh ăn uống và người tiêu dùng hay các hiệp hội từ thiện. Trên "Food 4 You" có tên, địa chỉ và số điện thoại liên hệ của các siêu thị, nhà hàng là đối tác với nhau.

Hằng ngày, các siêu thị, nhà hàng thông báo lượng thực phẩm tươi sống không bán hết, món ăn dư không bán hết mà họ muốn để phân phát cho các hiệp hội từ thiện, cũng như giờ giấc phân phát.

Ứng dụng học tập cách làm của nước láng giềng là Singapore. Là một nước giàu có trong khu vực, Singapore cũng chịu cảnh vứt bỏ hàng trăm ngàn tấn thực phẩm dư thừa mỗi năm.

Để chống lại tình trạng lãng phí này, hàng ngàn người dân Singapore đã tham gia các đội quân tình nguyện thu gom thức ăn và thực phẩm thừa để mang về nhà sử dụng, phân phát cho các cơ sở từ thiện hoặc đem cho các công nhân nhập cư, ở Việt Nam có dự án rất hay khá giống là Hanoi food recuse, được nhiều người gọi vui bằng cái tên "Biệt đội giải cứu đồ ăn".

Với mô hình "cứu trợ thực phẩm", gần 10 năm qua tổ chức Hanoi food recuse đã mang những suất ăn miễn phí phân phát cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và những người nghèo trên địa bàn Hà Nội.

Thực phẩm mà tổ chức Hanoi food recuse, gọi tắt là HFR thu gom đều là những thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn chất lượng được lấy nguồn từ những căng tin, nhà hàng, khách sạn uy tín. Còn "Food 4 You" đưa lên tầm cao mới, vừa mang tính thực tiễn lại đẩy nhanh quá trình tiếp cận, giáo dục về sử dụng và chia sẻ thực phẩm một cách văn minh.

- Chỉ cần tải "Food 4 You" về điện thoại, người dùng sẽ nhận được thông tin về các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng gần nơi họ có mặt, số suất ăn mà các đối tác này còn vào giờ đóng cửa, giờ khách có thể đến lấy - mua thức ăn mang về, giá của suất ăn, địa chỉ cụ thể.

Với vài thao tác giản đơn, khách hàng có thể đặt món với nhà hàng, thanh toán qua mạng và chỉ đợi đến giờ là tới mang suất ăn về hoặc được ship về thông qua ứng dụng liên kết.

- Có "Food 4 You", thay vì vứt bỏ thức ăn dư thừa, các nhà hàng, khách sạn, tiệm bánh, siêu thị đều có thể làm thành những ‘‘giỏ hàng’’ dùng trong 24 hay 48 giờ với giá thật mềm. Sáng kiến của "Food 4 You" nằm ở chỗ đảo ngược cung và cầu.

Tránh phung phí thức ăn, nhưng quan trọng hơn cả là giúp đỡ những người trong hoàn cảnh khó khăn có thêm thức ăn vẫn là trọng tâm của dự án này.

- "Food 4 You" cũng sẽ là cầu nối để người tiêu dùng có thể nhanh chóng nhận được thông tin giảm giá món ăn và đặt món, giao tận nơi hoặc tự đến lấy, đặt bàn, đặt món ăn trước và đến tận nơi ăn... Các nhà hàng, quán ăn sẽ có được hệ thống quản lý tổng thể, giúp phục vụ khách hàng tốt hơn, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả quản lý nội bộ.

- "Food 4 You" sẽ tổ chức những sự kiện có tính tập thể và diễn ra thường xuyên, kể cả thường niên như: "Ăn sạch bách", "Dọn sạch đĩa của bạn", "Thử thách dọn sạch tủ lạnh"… Đây sẽ là những sự kiện mang tính giáo dục và truyền thông mạnh mẽ đến mọi người.

- "Food 4 You" sẽ vận động khởi nghiệp từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, đẩy mạnh vào ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và tận dụng sự phổ biến của thiết bị di động hiện nay trong người dân.

Câu hỏi đặt ra là, làm sao đảm bảo được chất lượng của món ăn được giảm giá vào cuối ngày, nhất là những món ăn chế biến dùng trong ngày, nếu không bán hết, nhà hàng, quán ăn sẽ phải bỏ đi?

Thì từ chính thực tế tôi khẳng định, thức ăn giảm giá cuối ngày không phải là thức ăn hư, vẫn sử dụng được, vẫn ngon vì thức ăn vẫn còn trong hạn sử dụng, hết hạn sử dụng thì hàng quán mới bỏ đi.

Trong trường hợp xảy ra vấn đề liên quan đến chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm món ăn, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc kiểm tra, xác minh nguyên nhân từ đâu (từ bên bán, bên giao hàng hay do người mua bảo quản không đúng, để lâu mới dùng…), từ đó mới quy trách nhiệm cụ thể cho bên nào.

Cũng như các suất ăn công nghiệp, bên cung cấp phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, còn bên giao hàng sẽ được xác định cụ thể trong từng trường hợp, có trách nhiệm về khâu bảo quản, vận chuyển, giờ giấc...

Hiện nay luật chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm giữa bên bán hàng và bên giao hàng, chủ yếu là do hai bên tự thỏa thuận với nhau.

Thông thường, bên nào bán hàng thì phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, bên bán phải bao bọc, đóng gói thức ăn kỹ lưỡng và bên giao hàng phải đảm bảo giữ nguyên đai, nguyên kiện hàng hóa khi giao đến tay khách, nhận đúng hàng, giao đúng người và đúng thời gian hai bên đã cam kết.

Khái niệm bền vững về lương thực vẫn còn sơ khai ở châu Á, so với Bắc Mỹ và châu Âu, nơi các nhà chức trách đang áp dụng các biện pháp mạnh tay.

Ứng dụng "Food 4 You" góp phần quan trọng vào quá trình bớt lưu trữ những thực phẩm không cần thiết, để rồi biến nhu cầu thành thói quen, khi người tiêu dùng tự động bớt phung phí khi không để nhiều thức ăn tồn đọng trong tủ lạnh, còn nếu dư thừa thì sẽ có "kênh" để sẻ chia lại với nhau.

Ý tưởng khởi nghiệp xanh

photo-1

Cuộc thi "Chắp cánh khởi nghiệp xanh" do báo Tuổi Trẻ phối hợp đơn vị đồng hành là Công ty Hyundai Thành Công và Xi măng INSEE Việt Nam tổ chức.

Cuộc thi mong muốn nhận được những ý tưởng sáng tạo, độc đáo về sản phẩm, dịch vụ trên mọi lĩnh vực. Đó có thể là những gợi mở, ý tưởng, đề xuất hay một dự án khởi nghiệp đã hình thành góp phần phát triển cá nhân hay chung tay phát triển xã hội xanh hơn, ý nghĩa hơn.

Ban giám khảo gồm: đại diện ban biên tập báo Tuổi Trẻ, các doanh nhân, chuyên gia trong lĩnh vực start-up...

Bài dự thi tối đa 1.500 chữ, kèm hình ảnh, video là điểm cộng; có thể là thiết kế hình ảnh, video, powerpoint... chú thích nhưng phải có bài mô tả dưới 1.500 chữ kèm theo; chưa từng tham gia cuộc thi nào, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Bài dự thi gửi về địa chỉ email: khoinghiepxanh@tuoitre.com.vn. Thời gian nhận bài dự thi từ 15-9 đến hết ngày 15-12-2022. Lễ trao giải dự kiến cuối tháng 12-2022.

Giá trị giải thưởng:

Giải nhất trị giá 30 triệu đồng

Giải nhì trị giá 20 triệu đồng

Giải ba trị giá 10 triệu đồng

5 giải khuyến khích trị giá

5 triệu đồng mỗi giải.

Khởi nghiệp với phế phẩm nông nghiệp Khởi nghiệp với phế phẩm nông nghiệp

TTO - Với nhà máy nằm ở Bến Tre và xưởng sản xuất tại Lâm Đồng, Ficoco đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm nguyên liệu chính là giá thể xơ dừa, được nghiên cứu, phối trộn để cho ra những loại giá thể trộn sẵn tối ưu cho từng loại cây trồng khác nhau.

HẢI ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên