03/11/2022 09:14 GMT+7

FED tăng lãi suất, quyết kiểm soát lạm phát để tránh hậu quả kinh tế

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Ngày 2-11, Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất lên 0,75 điểm phần trăm. Đây là lần nâng lãi suất thứ 4, đưa lãi suất ở Mỹ lên mức cao nhất 3,75 - 4% kể từ tháng 1-2008.

FED tăng lãi suất, quyết kiểm soát lạm phát để tránh hậu quả kinh tế - Ảnh 1.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Mỹ Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo sau khi FED quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm ngày 2-11- Ảnh: REUTERS

Theo Đài CNBC, lạm phát dai dẳng, sát ngưỡng cao nhất trong 40 năm là nguyên nhân FED liên tục nâng lãi suất và chưa có ý định dừng lại.

Tính từ đầu năm, FED đã tăng lãi tổng cộng sáu lần. Trong đó, bốn lần gần nhất đều nâng với mức 0,75 điểm phần trăm trong các phiên họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11.

Tuy nhiên, trong lần họp này, FED nói đến khả năng giảm mức độ nâng lãi suất từ kỳ họp tới, có nghĩa là trong những lần nâng lãi suất tiếp theo, mức tăng sẽ không phải là 0,75 điểm phần trăm mà thấp hơn.

Các chuyên gia kinh tế hy vọng mức tăng lãi suất của FED là 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12 tới và ít hơn trong năm 2023.

Tác động của quyết định tăng suất mới của FED là người dân và doanh nghiệp sẽ giảm vay tiền và chi tiêu, làm chậm lại nền kinh tế nhưng cũng sẽ làm chậm lại đà tăng giá. 

Với người Mỹ, họ sẽ khó khăn trong các hoạt động liên quan đên ngân hàng vì lãi suất cho vay mua nhà, xe và cả chi tiêu bằng thẻ tín dụng sẽ tăng lên.

Theo tạp chí Forbes, các số liệu mới nhất cho thấy lãi suất cho vay mua nhà tại Mỹ đang ở mức cao nhất gần 20 năm, với mức 7%, khiến thị trường nhà ở ảm đạm. 

Doanh số bán nhà xây mới giảm 10,9% trong tháng 9 so với tháng 8. Còn so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm là 17,6%. Forbes bình luận lãi suất đang làm ước mơ sở hữu một căn nhà xa tầm với người mua.

Tuy nhiên, Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng thị trường nhà ở Mỹ đã "quá nóng" sau đại dịch và cung - cầu nhà ở cần trở về mức cân bằng.

Việc nâng lãi suất còn có khả năng gây ra suy thoái. Ông Powell thừa nhận xác suất hạ cánh mềm - hạ nhiệt nền kinh tế mà không tạo ra suy thoái - đang hẹp lại. Dù vậy, ông cho rằng điều này vẫn có khả năng xảy ra.

Ông khẳng định lại cam kết hạ nhiệt lạm phát vì lạm phát cao, dai dẳng sẽ gây hậu quả kinh tế lớn hơn suy thoái.

Ảnh hưởng đến các nước

Giá đồng USD tăng do tăng lãi suất đang ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền trên thế giới trong tương quan với đồng USD, các nước châu Á không nằm ngoài quy luật này. Giá hàng nhập khẩu, xăng dầu… sẽ cao hơn, theo phân tích của New York Times.

Tỉ giá cao giữa USD và đồng nội tệ sẽ làm tăng lạm phát trong nước ở các quốc gia khác, ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của các hộ gia đình, và cuối cùng là làm chậm lại nền kinh tế toàn cầu.

Giá trị đồng USD tăng sẽ khiến những người đi vay nước ngoài gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ bằng đồng USD.

Nhiều ngân hàng trung ương các nước đã đưa ra các biện pháp để bảo vệ đồng nội tệ, chẳng hạn như bán USD để mua lại đồng nội tệ đang yếu đi.

Do đó, dự trữ ngoại hối của các ngân hàng bị giảm xuống. Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan đều đã công bố các biện pháp can thiệp với thị trường tiền tệ.

IMF: Các ngân hàng trung ương nên tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát IMF: Các ngân hàng trung ương nên tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát

TTO - Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng các ngân hàng trung ương nên tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát cho đến khi lãi suất về mức "trung tính". Bà cho rằng hầu hết các nước chưa đạt đến mục tiêu này.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên