Bộ Công thương công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 - Ảnh: N.A.
Thông tin được đưa ra trong buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kế hoạch cung cấp điện, vận hành hệ thống điện quốc gia do Bộ Công thương tổ chức chiều 18-12.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), cho biết tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 332.284,64 tỉ đồng, với giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.727,41 đồng/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017.
Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2018 của EVN đạt 192,36 tỉ kWh, tăng 10,14% so với năm 2017, doanh thu bán điện 332.983,34 tỉ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.731,04 đồng/kWh.
Kết quả, năm 2018 EVN duy trì mức lãi là gần 700 tỉ đồng, tương ứng với tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%. Đây được xem là mức thấp hơn nhiều so với năm trước.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cho biết các khoản chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 bao gồm: khoản chênh lệch tỉ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện năm 2015 và khoản chênh lệch tỉ giá của cả năm 2017 sẽ được đưa vào chi phí năm 2018.
Tuy nhiên, do năm 2018 không điều chỉnh giá điện nên hai khoản chênh lệch tỉ giá này với tổng giá trị khoảng 3.090,9 tỉ đồng được treo lại và chưa tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về tình hình tài chính của EVN, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết chi phí phát điện chiếm 70-75% giá thành sản xuất điện, năm 2018 là 1.727 đồng/kWh điện trong khi phát điện chiếm tới hơn 1.300 đồng/kWh.
"Để sản xuất mỗi kWh điện, EVN chỉ lãi 4 đồng, tỉ suất lợi nhuận rất thấp, nên rõ ràng tình hình tài chính của EVN về lâu dài sẽ càng khó khăn, đặc biệt khi đang đầu tư nhiều" - ông Vượng nói.
Về kế hoạch cung cấp điện, ông Tuấn cho biết năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung ứng điện, trong đó nguyên nhân chủ yếu là tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình chậm tiến độ vào vận hành.
Theo tính toán, tổng sản lượng thủy điện trong các hồ vào đầu năm 2020 thấp hơn so với mực nước dâng bình thường là 4,55 tỉ kWh.
Tổng công suất các nguồn điện mới dự kiến vào vận hành năm 2020 là khoảng 4.300 MW, với gần 2.000 MW điện gió và điện mặt trời mới vào vận hành, cung cấp khoảng 10,868 tỉ kWh, tương ứng với 4,16% tổng nhu cầu điện.
Đặc biệt, để đảm bảo cung cấp điện, ông Tuấn cho biết sẽ phải huy động 3,397 tỉ kWh từ nguồn chạy dầu với giá thành cao.
Riêng mùa khô năm 2020 phải dự kiến huy động 3,153 tỉ kWh từ nguồn chạy dầu, và có thể huy động tăng thêm nếu xảy ra tình huống cực đoan nếu lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận