01/12/2013 12:11 GMT+7

Đứt ruột nhìn từng anh em buông tay xuống biển

 CẢNH PHÚC
 CẢNH PHÚC

TTO - May mắn sống sót sau vụ tàu cá NA 90249 TS bị chìm, ngư dân Hồ Vĩnh Lai kể lại cho mọi người chuyến đi biển định mệnh và hành trình vượt sóng dữ trở về đất liền như một phép mầu.

WjN2eQEr.jpgPhóng to
Thuyền viên Hồ Vĩnh Lai kể lại chuyến đi biển định mệnh và trở về từ cõi chết - Ảnh: Cảnh Phúc

Anh Lai kể ngày 18-11, tàu NA 90249 TS do trưởng tàu Nguyễn Văn Trí cùng 9 tàu viên khác nhổ neo, vươn khơi chuyến thứ 2. Đây là con tàu có công suất 380CV của ông Trí được đóng mới cách khoảng 2 tháng với số tiền hơn 1,7 tỉ đồng từ tiền gom góp, vay mượn của người thân, bạn bè.

10 người lênh đênh trên biển

Hơn 10 năm bám biển mưu sinh nhưng anh em ông Trí chỉ đi làm thuê cho người khác, chủ yếu đánh tàu cá gần bờ. Có tàu, cả nhà gia đình ông Trí đều mừng vì hi vọng chiếc tàu sẽ thay đổi cuộc sống khổ cực bấy lâu nay. Chuyến đi biển xa bờ đầu tiên, anh em ông Trí mang theo nhiều kỳ vọng nhưng lại phải liên tục “chạy bão”, thu nhập chỉ đủ trừ tiền xăng dầu.

Gần 10 ngày lênh đênh đánh bắt cá vùng biển vịnh Bắc Bộ thì gặp không khí lạnh. Khoảng 4g sáng 27-11, con tàu bị gãy sào lưới, nghiêng sang một bên và bị sóng đánh vào mạn thuyền.

Các ngư dân trên tàu liền dùng bộ đàm liên lạc với các tàu bạn để nhờ sự giúp đỡ. “Do không có thiết bị liên lạc Icom với đồn biên phòng nên chúng tôi chỉ biết cầu cứu với các tàu bạn đang đánh bắt cá bên cạnh. Nước vào tàu mỗi lúc một nhanh, chúng tôi thay nhau tát nước ra nhưng không kịp…”, anh Lai kể.

Khoảng 1 giờ sau con tàu bị sóng đánh chìm hẳn. Tất cả tàu viên bị hất văng xuống biển và chỉ kịp bám vào tấm xốp từ tàu rơi ra.

Thoát chết kỳ diệu

Những đợt gió mùa thổi ào ào, mưa rét liên tục làm 10 thuyền viên buốt lạnh, co ro bên tấm xốp. “Lúc thuyền chìm, trên tàu chỉ có hai chiếc áo phao nổi lên nên chỉ có hai người mặc được áo phao. Khi bám vào tấm xốp, ai yếu hơn thì người khác nhường lại áo phao cho người khác. Cứ thế, chúng tôi bám bên phao hi vọng có tàu đi ngang qua nhìn thấy và cứu giúp…” - anh Lai nhớ lại.

Bám quanh tấm xốp mỏng manh, các thuyền viên động viên lẫn nhau cố gắng giữ sức với hi vọng mong manh rằng sẽ thấy một chiếc thuyền đến cứu.

Thế nhưng, từng người một đều kiệt sức và buông tay khỏi tấm xốp. Khoảng 4 tiếng sau, những con sóng lớn vắt kiệt sức các ngư dân.

Giữa mênh mông biển khơi không có nước uống, không thức ăn nên các thuyền viên đói lả và kiệt sức dần. Người đầu tiên bị tuột tay khỏi tấm xốp là Khiêm (16 tuổi) - người trẻ tuổi nhất trong số các thuyền viên.

“Nó là người ít tuổi nhất, yếu sức nhất. Chúng tôi nói em gắng lên chút nữa chờ người tới cứu nhưng nó buông tay khỏi tấm xốp…”, anh Lai ràn rụa nước mắt nói.

Người thứ 2 chìm xuống biển là anh Hồ Vĩnh Thế - em ruột anh Lai. “Khi thấy nó cứng lại rồi buông tay tôi ra, tôi nhào tới để giữ nó lại rồi cố đưa nó lên tấm phao nhưng không được. Sóng dập mạnh quá, tôi chỉ kịp nghe được 3 tiếng "anh Lai ơi!"... Em tôi ra đi ngay trước mặt tôi mà tôi không làm chi được” - anh Lai òa khóc.

Càng về khuya nước biển càng biển càng lạnh cóng. Từng thuyền viên lần lượt rời khỏi tấm xốp. Đến 20g ngày 28-11, quanh tấm xốp chỉ còn lại 3 người, anh Lai, anh Hà và anh Ngoan. Trời đen kịt, sóng biển đánh chan chát vào cơ thể các thuyền viên.

“Anh Ngoan đi chẳng kịp kêu lên tiếng nào. Trời tối nên chúng tôi cũng chẳng kịp nhìn anh. Chỉ còn tôi với Hà, hai người vớ lấy 2 cái ao phao và bẻ lấy xốp để ăn. Chúng tôi lấy cả rong rêu và tất cả mọi thứ xung quanh để nhai cho ấm miệng, cố gắng để cơ thể khỏi bị cóng”, anh Lai kể tiếp. Cứ thế, người cố bám sát vào nhau quyết không để người còn lại buông tay.

Giữa lúc sự sống và cái chết chỉ là ranh giới mong manh thì điều kỳ diệu đã xảy ra. Khoảng 15g ngày 29-11, hai thuyền viên bất ngờ nhìn một tàu cá cách khoảng 500m. Cả hai cùng buông tấm xốp, thắt chặt áo phao rồi dùng chút sức lực còn lại bơi về phía chiếc tàu và kêu cứu.

Khi được tàu QB 92287 TS cứu lên, hai người được ngư dân sưởi ấm, pha mì tôm để ăn lấy sức. Đến 23g30 ngày 29-11, anh Lai và anh Hà được chuyển qua tàu ông Nguyễn Văn Kính (xã Tân An) để vào bờ.

Nước mắt làng biển

Hơn hai ngày trôi qua kể từ vụ chìm tàu NA 90249 TS của thuyền trưởng Nguyễn Văn Trí làm 8 người mất tích, làng biển xứ Quỳnh Lưu vẫn thổn thức nỗi đau, khắc khoải chờ đợi. Giọt nước mắt trùng phùng gia đình hai thuyền viên Hồ Vĩnh Lai và Vũ Viết Hà xen lẫn với những giọt nước mắt của người thân các thuyền viên đang mất tích. Trong cái lạnh đầu đông, những tiếng khóc xé lòng của những người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha…càng thêm tê tái.

Trên chuyến đi biển định mệnh đó có hai gia đình có hai anh em ruột là Nguyễn Văn Trí, Nguyễn Văn Huỳnh và Hồ Vĩnh Thế, Hồ Vĩnh Lai. Cách đây 3 năm, trong một chuyến ra khơi, anh Lai cùng 8 thuyền viên cũng bị chìm trên vùng biển Thanh Hóa. May mắn đợt đó, anh Lai và mọi người được cứu sống trở về.

Chiều muộn, ngôi nhà của ngư dân Hồ Vĩnh Thế chật kín người. Hàng xóm, bạn bè, người thân đến chia sẻ với gia đình, mắt ai cũng đỏ hoe. Lúc anh Lai về đến nhà, gia đình cũng làm thủ tục phát tang cho em trai Hồ Vĩnh Thế. Cưới nhau đã gần 10 năm, vợ chồng anh Thế vẫn phải chạy ăn từng bữa. Đánh bắt ven bờ không khá lên được, anh Thế nói với vợ đi tàu xa bờ may ra mới có tiền trả được nợ. Hai chuyến đi biển trước, anh Thế mang về được ít tiền mua cho hai đứa nhỏ được ít bộ quần áo, sách vở vào năm học mới.

Rồi đây, tương lai của 3 mẹ con chị sẽ biết bấu víu vào đâu khi vẫn chưa tìm thấy tung tích của anh? “Anh ơi, về với các con đi anh! Các con còn thơ dại lắm anh ơi…”, chị Mai Thị Phương (28 tuổi, vợ anh Thế) khóc vật vã bên người thân. Bên cạnh chị, hai đứa con thơ đầu chít khăn tang cũng òa khóc theo.

Cách nhà anh Thế không xa là gia đình chủ tàu Nguyễn Văn Trí. Bà Nguyễn Thị Hương (56 tuổi) - mẹ hai thuyền viên Trí và Nguyễn Văn Huỳnh (23 tuổi) - liên tục ngất lên ngất xuống, phải nhờ đến người thân đỡ dậy. Nước mắt bà Mai dường như đã cạn, mặt thẫn thờ ú ớ gọi tên hai con.

Ở cùng xóm với bà Hương, bà Nguyễn Thị Ngoan, mẹ nạn nhân Nguyễn Duy Khiêm cũng khóc hết nước mắt, nằm lịm trong góc giường vì thương con. Nhà nghèo, Khiêm đã nghỉ học từ năm lớp 7, xin đi biển được 2 năm nay. Em rất ngoan, mỗi chuyến ra khơi về em đều dành hết số tiền công đưa cho mẹ để nuôi 5 đứa em nhỏ dại ăn học.“Biển sâu, lạnh lắm. Chỉ mong sao thằng Khiêm cũng may mắn như anh Lai và thằng Hà…” - bà Ngoan thổn thức.

aJ6uLnDy.jpgPhóng to
Hai đứa con thơ dại của thuyền viên Hồ Vĩnh Thế khóc cạn nước mắt - Ảnh: Cảnh Phúc

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Cứu được 2 ngư dân trong vụ tàu cá 10 người mất tíchTiếp cận tàu gặp nạn, chưa tìm thấy ngư dânChìm tàu ở Nghệ An, 8 ngư dân mất tíchDừng trục vớt tàu, ưu tiên tìm kiếm ngư dânHai thuyền viên được cứu đã về với gia đìnhNgư dân trong vòng tay người thân sau vụ mất tích trở về

 CẢNH PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên