24/02/2015 06:29 GMT+7

​Đường về nhà

VICTOR VŨ
VICTOR VŨ

TTXuân - Tôi ra đời năm 1975 tại North Hollywood, California. Tôi thường nói đùa là mình được sản xuất tại Việt Nam, nhưng phát hành ở hải ngoại!

Mẹ mang thai tôi khi bà rời Việt Nam cách đây bốn thập kỷ. Lúc ấy, mẹ gầy yếu lắm, bác sĩ khẳng định sức mẹ không chịu nổi cho thai nhi đi chặng đường dài. Không ai hiểu được vì sao mẹ có sức mạnh lớn lao như vậy để cho tôi được chào đời. 

Sau này mẹ mới nói tôi biết: “Vì mẹ đã ôm cả quê hương lên đường cùng mình, con chính là nhà, là Tổ quốc, là đất Việt cội nguồn bên trong lòng mẹ”.

Tên tôi là Vũ Quốc Việt 

Né tránh đám đông, dè dặt khi giao tiếp, trong mắt nhiều người Victor Vũ vẫn là một bí ẩn. “Tôi không đủ khéo để làm một người của công chúng” - đạo diễn của hàng loạt phim ăn khách nói vậy. Nhưng lần này, anh quyết định chia sẻ câu chuyện của mình...

Mẹ tôi đặt tên Vũ Quốc Việt vì bà muốn nhắc nhở tôi một điều: Tôi sinh ra ở Mỹ, nhưng là người Việt Nam.

Hơn 30 năm học và làm cùng người nước ngoài, tôi dùng tên tiếng Anh: Victor Vũ. Tên Victor cũng do mẹ đặt vì bà rất ngưỡng mộ đại danh hào Victor Hugo và mong tôi cũng giỏi văn chương.

Ở nhà tôi tên Tèo. Biệt danh quen thuộc này vẫn được dùng trong những lần gia đình tề tựu. Bởi vậy, tôi 40 tuổi đầu mà đôi lúc cũng còn cảm giác như nhóc con bé tí ngày nào: mẹ bắt cu Tèo phải nói tiếng mẹ đẻ ở nhà và đi học Việt ngữ mỗi chủ nhật.

Chắc do quê hương đầu tiên của mình là đất Việt, nên tôi khó vô tư hòa nhập cuộc sống Mỹ. Tôi nhớ lúc còn nhỏ tâm trí mình lúc nào cũng bị xé làm đôi. Nửa Việt dành cho ngày Tết với trò múa lân và tiếng pháo nổ, nửa Mỹ dành cho MacDonald’s và những cuốn phim Hollywood làm lũ trẻ phát rồ như Star wars. Những đề tài tôi gửi vào phim sau này hình như cũng bắt nguồn đâu đó từ hai nguồn cảm hứng vô tận ấy. 

Phim ngắn tốt nghiệp Pháo và phim dài đầu tay Buổi sáng đầu năm đều khai thác những đề tài gần gũi với tôi: gia đình, cuộc sống và văn hóa Việt trên đất Mỹ.  Đối tác sản xuất của tôi - Phil Silverman cho rằng nhân vật trong phim nói tiếng Anh thì dự án sẽ dễ bán hơn.  Lúc đó tôi nghĩ  “chuyện của người Việt mình sao có thể dùng toàn tiếng Anh?”.  Tôi quyết định giữ ngôn ngữ hoàn toàn tiếng Việt, vì tôi không muốn làm ảnh hưởng đến câu chuyện và cảm xúc của diễn viên. 

Quyết định tự tay đầu tư vào bộ phim, tôi và Phil tiêu hết gần 70.000 USD tiền túi của mình. Tôi bơm hết những đồng lương từ công việc IT vào bộ phim này. Buổi sáng đầu năm được trình chiếu ở một số liên hoan phim và thắng vài giải thưởng, nhưng chúng tôi không kiếm được tiền từ nó. Phim lỗ nặng, nhưng nó đã cho tôi những trải nghiệm quý giá hơn tất cả những thứ tôi học được trong bốn năm ở trường điện ảnh. Nó khiến tôi trân trọng từng cơ hội. Tôi bước vào mỗi phim như đó là bộ phim cuối cùng của mình. Vì cuộc sống đầy những ngạc nhiên, cơ hội thứ hai có thể sẽ không đến.

Năm 2001, tôi về Việt Nam lần đầu tiên, không phải để du lịch mà để xin phép thực hiện bộ phim Oan hồn tại quê nhà. Tôi về được có ba tuần thôi, nhưng cảm giác rất gần gũi, không xa lạ chút nào. Đáng tiếc là việc xin phép không thành công vì đề tài nhạy cảm. Tôi rất buồn. Một lần nữa, đối tác sản xuất khuyên tôi: “Đổi sang tiếng Anh đi! Lấy bối cảnh ở Mỹ đi!”.

Nhưng tôi không muốn vậy. Oan hồn phải là phim kinh dị của Việt Nam, dựa theo những câu chuyện ma các cô chú của tôi từng kể tôi nghe khi tôi còn nhỏ. Nó chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam! Thế là tôi mượn nợ nhiều nơi để có thể dựng bối cảnh giả giống Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Phim cũng gây được sự chú ý và bán cho một nhà phát hành DVD... nhưng không đủ để trả số tiền chúng tôi vay mượn. 

Nghĩ lại, nếu tôi không cứng đầu và quyết tâm với ý tưởng của mình thì có lẽ tôi đã lạc bước trên con đường khác. Và bộ phim Chuyện tình xa xứ hẳn đã khó có cơ hội ra đời, để hoàn thiện nhiệm vụ kết nối chất Mỹ và Việt trong tâm hồn tôi. 

Cảnh trong phim Dear brother (Em trai yêu quý) - Ảnh tư liệu
Cảnh trong phim Dear brother (Em trai yêu quý) - Ảnh tư liệu

Tiếng nói của người kể chuyện

Tôi không thích giao tiếp, nhưng lại thích kể chuyện. Tôi không muốn mọi người nghĩ tôi khó gần. Đơn giản là tôi không thoải mái trước đám đông. Tôi nhận ra là muốn giao tiếp nhiều thì càng phải diễn nhiều. Mà khả năng diễn xuất của tôi lại rất tệ. Nên tôi thà kể ra một câu chuyện qua tranh, ảnh, văn chương hay các thể loại sáng tác khác… để thể hiện những cảm nghĩ của mình.  

“Đam mê kể chuyện” đã dẫn dắt tôi đến việc “làm phim”. Với tôi, làm phim có hai bước: tạo ra một câu chuyện hay và kể nó một cách hấp dẫn nhất. Cách kể chuyện chính là phong cách và tiếng nói riêng của mỗi nhà làm phim…  và bằng mọi giá phải bảo vệ nó. 

Khi đã hòa nhập với điện ảnh Việt Nam, tôi vẫn luôn phải bảo vệ tiếng nói riêng của mình trước những ý kiến trái chiều. Có lẽ bạn không biết, nhưng suýt nữa dự án phim Scandal: Bí mật thảm đỏ bị hủy - chỉ hai tuần trước khi bấm máy, vì nội dung và thể loại được coi là “mạo hiểm” đối với thị trường Việt Nam. Cũng có những ý kiến cho là kết thúc bộ phim nên tươi sáng và có “hậu” hơn. Nhưng tôi đấu tranh để giữ kết thúc trong kịch bản, vì tôi tin để thấy được cái “hậu” thì phải thật sự nhận ra cái ác. Tôi luôn tin vào cảm nhận của khán giả. 

Tôi luôn luôn đảm nhận vai trò biên kịch và dựng phim cho tất cả phim tôi đạo diễn. Không phải tôi không tin vào các đối tác, nhưng đây là cách duy nhất tôi có thể kiểm soát câu chuyện của mình. 

Cuộc sống là một bí ẩn vĩ đại mà chúng ta đang khám phá từng bước một.  Mỗi người ta gặp và mỗi nơi ta đến đều có một câu chuyện phía sau. Tôi muốn làm sáng tỏ nó, để chiêm nghiệm nó và tìm câu trả lời.  Đó là lý do tại sao tôi đam mê với các thể loại ly kỳ. Qua những phim như Oan hồn, Quả tim máu và chuỗi phim Scandal, nhiều người nghĩ tôi thích kinh dị, nhưng thật ra tôi quan tâm nhiều hơn đến tâm linh và siêu nhiên. Tâm linh mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại của chúng ta. Người ta vẫn thường tìm đến tâm linh khi phải đối mặt với những câu hỏi và khó khăn trong cuộc sống. Cũng bởi con người cần niềm tin để duy trì một cảm giác trật tự và an toàn. Nếu không, con người sẽ hỗn loạn trước những thứ bí ẩn. 

Tôi vẫn nghĩ như thế, thế giới này đầy những mảng tối, nơi sản sinh ra bạo lực và tội ác. Nhưng chính vì vậy, một hành động tốt đẹp hay sự công bình là vô giá. Và để làm điều đúng chúng ta phải vượt qua tất cả những cám dỗ xung quanh.

Tôi vẫn nhìn thấy từ đó rất nhiều hi vọng. Mặc dù thế gian xấu xí và tối tăm như thế nào, nó vẫn xứng đáng để được bảo vệ. Chỉ vì tình người và những thứ tốt đẹp vẫn còn tồn tại trong đó. Đó cũng chính là điều tôi muốn kể trong những bộ phim của mình.

Một số phim do Victor Vũ thực hiện tại Việt Nam
Một số phim do Victor Vũ thực hiện tại Việt Nam

Về nhà với hoa vàng và cỏ xanh

Gia đình và niềm đam mê là hai thứ quan trọng nhất trong cuộc đời của tôi.  Tôi dùng từ đam mê, vì đối với tôi làm phim không chỉ là công việc để kiếm sống.  Nó là lý do để tôi tồn tại. Và gia đình cũng như vậy. Gia đình là nhà.  Cho dù cuộc sống có đưa đẩy tôi đến đâu đi nữa, có gia đình thì tôi sẽ không bao giờ cảm thấy lạc lõng trong thế giới to lớn này.

Tôi đang bị cuốn vào một bộ phim như thế. Và tôi không cảm thấy khó khăn khi kết nối với những tình huống của hai anh em trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Vì tôi cũng có một người em trai. Tại một thời điểm trong câu chuyện, tôi muốn rơi nước mắt vì Thiều - người anh xấu tính trong truyện - giống hệt như tôi ngày ấy.

Cũng trạc tuổi lên 10, tôi cảm thấy sao đời mình khốn khổ đến thế khi thằng Bờm em tôi cứ ngày ngày đeo bám chân tôi một cách phiền toái. Mặc kệ mọi xua đuổi, nó như cái đuôi bất trị lẽo đẽo theo tôi đi khắp mọi nơi. Tôi thấy tự do của mình bị xâm phạm. Tôi chỉ muốn thoải mái cùng bạn bè mà không bị vướng thằng em. Có lần Bờm dai dẳng đến tận công viên rồi còn chạy loanh quanh làm tôi khó chịu. Tôi đá thẳng vào chân nó để cảnh cáo. Bờm té đau điếng nhưng vẫn cố bò dậy và tiếp tục sáp tới. Không đợi gì hơn, tôi đá chân Bờm một lần nữa. Thằng bé lập tức nằm đo sàn. Lần này đau thiệt, Bờm khóc nước mắt giàn giụa, nhưng vẫn lì lợm đứng dậy.

Thằng anh “trời đánh” là tôi lúc đó vẫn chưa biết mình ác, xông tới em trai mình: “Sao mày lì quá vậy?”. Bờm mếu máo: “Em chỉ muốn chơi với anh thôi mà!”...

Những đứa trẻ, có khi chúng tàn nhẫn và ích kỷ với nhau để học được cách yêu thương nhau. Tèo và Bờm cũng vậy. Chỉ có điều, hiện hai đứa ở hai đầu Việt - Mỹ và Bờm em tôi đã cao lớn “gấp đôi” kích thước của tôi bây giờ.

Đã sáu năm về Việt Nam, nhưng lúc nào tôi cũng cảm thấy hai anh em đang ở gần nhau. Chúng tôi còn đang viết chung với nhau vài kịch bản. Ý nghĩa chữ gia đình vỏn vẹn chỉ có vậy: không bao giờ xa cách. Tôi luôn có gia đình ở bên cạnh. 

Bởi vậy với riêng tôi, thực hiện bộ phim này là một việc khó và dễ.  Khó vì tôi đang khai thác một tuổi thơ mà tôi chưa từng trải qua. Nhưng ngược lại, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một câu chuyện đầy cảm xúc, nói lên những thứ mà tất cả mọi người có thể cảm nhận: thời thơ ấu, sự ngây thơ và sự hối tiếc. Những gì chúng ta trải nghiệm trong tác phẩm này rất con người.  

Cũng có thể khán giả sẽ cảm thấy đây là thể loại mới đối với tôi. Nhưng với bộ phim này chính là tôi đang trở lại với đề tài lúc tôi bắt đầu sự nghiệp làm phim: gia đình. 

Hoa vàng và cỏ xanh, đối với tôi, nó biểu tượng cho sự thức tỉnh sau một hành trình lạc bước.  Điểm đến của nhân vật là về tuổi thơ, về nhà.  Dù có đi đâu xa chăng nữa, ai cũng muốn quay về nhà của mình.  

Tôi nợ Trần Hưng Đạo một bộ phim 

Suốt tuổi trung học tôi khư khư ôm máy quay video mẹ tặng, đi lòng vòng, bắt người nhà và bạn bè tham gia diễn xuất trong những phim ngắn. Thường là đề tài trinh thám, kinh dị và khoa học viễn tưởng. Đi đâu, gặp ai, tôi cũng biến họ thành diễn viên bất đắc dĩ của mình.

Chính những ngày tháng ấy, một tiếng gọi bên trong cứ vọng về: Tôi sẽ kể những câu chuyện của mình cho người Việt, giống như mẹ thường hay kể chuyện cho tôi nghe. Và Thiếu phụ Nam Xương chính là đề tài phim ngắn đầu tay của tôi.

Mê xem phim và viết khiến tôi nảy ra ý định sau này sẽ làm biên kịch. Khi vào đại học, tôi được chọn làm chủ tịch hội sinh viên người Việt và tổ chức gây quỹ qua những “Đêm văn nghệ”. Tôi bắt tay viết và tự chỉ đạo vở kịch lịch sử Huyền thoại Trần Hưng Đạo. Tôi kiêm luôn vai vua Trần Nhân Tông! Tôi nhớ rất rõ vì sao mình chọn Trần Hưng Đạo là “thần tượng” của mình. Khi đọc về trận chiến oanh liệt trên sông Bạch Đằng, tôi thấy trong tôi lòng tự hào dân tộc thật mãnh liệt. Tôi nói với bản thân: “Wow, ngầu thiệt! Vụ này làm phim sẽ hấp dẫn đấy”. Thế là tôi tự giao hẹn với bản thân, sau này có điều kiện nhất định sẽ làm một bộ phim về anh hùng Trần Hưng Đạo. Có lẽ càng ngày tôi càng gần với lời giao hẹn đó hơn.

Tôi nợ Trần Hưng Đạo một bộ phim!

VICTOR VŨ

Quán quân phòng vé

2009, Chuyện tình xa xứ - phim “chào sân” Việt Nam của Victor Vũ ra rạp ở cái thuở mà Việt kiều làm phim còn là của hiếm. Tươi mát, chuyên nghiệp và hấp dẫn là cảm nhận ai cũng thấy sau buổi chiếu ra mắt phim này. Nhưng nhà báo thì rì rầm với nhau đầy lúng túng, phim này khen chê thế nào nhỉ, vì rõ ràng chẳng giống cách làm phim Việt quen thuộc? Nhắc lại để nhớ rằng sự xuất hiện của Victor Vũ rõ ràng không phải là thiên thời địa lợi nhân hòa khi thói quen xem phim Việt của khán giả còn chưa được “phục dựng”, tên Victor Vũ thì xa lạ và phim của Victor Vũ cũng… khác lạ luôn. 

Thế mà chỉ trong năm năm “lập nghiệp ở quê nhà”, anh chàng đạo diễn điển trai có tiếng, luôn “thơm phức và tươm tất” trên trường quay đã làm nhiều cú ngoạn mục khi đưa con số phim làm tại Việt Nam lên đến bảy phim (riêng năm 2014 là ba phim ra mắt gồm Cô dâu đại chiến 2, Quả tim máu, Scandal - Hào quang trở lại) ở tất cả các thể loại: kinh dị, hành động - dã sử, tâm lý - ly kỳ và hài hước. Victor Vũ trở thành cái tên bảo đảm cho doanh thu của bất cứ phim nào anh đạo diễn. 

Ngoạn mục hơn, bộ phim kinh dị Quả tim máu đã trở thành quán quân lịch sử phòng vé phim Việt khi thu về hơn 85 tỉ đồng. Trước đó, giải thưởng Cánh diều 2012 (trao đầu năm 2013) đã gọi tên Victor Vũ đến… tám lần với hai phim Thiên mệnh anh hùng (giải Cánh diều vàng cho phim, giải đạo diễn, quay phim, âm thanh, nam diễn viên chính) và Scandal - Bí mật thảm đỏ (giải Báo chí phê bình điện ảnh cho phim hay nhất, bằng khen Hội Điện ảnh và giải nữ diễn viên phụ). Nhưng, dù có lý do vô cùng chính đáng thì công chúng và chắc là cả ban tổ chức đều “choáng” khi Victor Vũ không có mặt trong buổi trao giải thưởng như chỉ dành cho anh và các phim của anh!

2014, Victor bất ngờ “lội ngược dòng” khi bắt tay vào một dự án “hình như là hơi ít tính thương mại” như nhiều người nhận xét. Đó là làm một bộ phim chuyển thể từ truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh (tên tiếng Anh của phim là Dear brother - Em trai yêu quý). Nghĩa là khán giả lại phải hồi hộp chờ đợi, rằng doanh thu phòng vé hay các giải thưởng có một lần nữa gọi tên Victor!

CÁT KHUÊ

 

VICTOR VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên