21/06/2015 10:31 GMT+7

Dương Tử Giang: sống chết với nghề

TRẦN NHẬT VY
TRẦN NHẬT VY

TT - Nhà báo Dương Tử Giang (1914 - 1956) tên thật là Nguyễn Tấn Sĩ, người Bến Tre, chính thức bước vô làng báo vào tháng 8-1943 khi cộng tác với báo Thanh Niên, giai đoạn ông Huỳnh Tấn Phát làm chủ biên.

Nhà báo Dương Tử Giang - Ảnh tư liệu
Nhà báo Dương Tử Giang - Ảnh tư liệu

Đây là tờ báo do nhóm Thanh Niên Tiền Phong “mua lại manchette” để làm tiếng nói của cách mạng, tập hợp khá đông văn nghệ sĩ của cả ba miền đất nước. Tờ báo này đã tham gia vận động cho sự ra đời của Hội Truyền bá quốc ngữ Nam kỳ.

Trẻ trung, máu lửa và một con đường

Với xu hướng cách mạng rõ rệt, tháng 9-1944 tờ Thanh Niên bị đóng cửa. Không thể ở không, Dương Tử Giang cộng tác với các tờ Mai của Đào Trinh Nhất, Dư Luận của Dương Trung Thực và đặc biệt là tờ Hạnh Phúc do Lê Tràng Kiều, Hồ Tăng Ấn và Nguyễn Bính chủ trương.

Lúc này Sài Gòn bỗng dưng khan tiền lẻ. Người Sài Gòn đã giải quyết tiền lẻ bằng cách “xé đôi” tờ giấy bạc. Tờ 5 đồng xé đôi thành mỗi nửa là 2 đồng rưỡi, xài ở đâu cũng được! Còn tiền nhỏ hơn như xu, hào thì trả bằng tem, vé xe buýt... Giữa lúc đó, quân Nhật phát hành ồ ạt giấy bạc 500 đồng dưới danh nghĩa Ngân hàng Đông Dương khiến đồng bạc bị phá giá, giá sinh hoạt nhảy vọt.

Thấy dân tình lầm than, khốn khổ, một cổ hai tròng, Dương Tử Giang bèn viết bài đả kích và kêu gọi dân chúng vùng lên, đăng trên tờ Hạnh Phúc. Vậy là tờ báo bị đóng cửa, giám đốc, quản lý ra hầu tòa! Có lẽ đây là bài báo “làm tờ báo bị đóng cửa” đầu tiên của Dương Tử Giang.

Sau đó ông tham gia viết cho một số tờ báo cách mạng như Thanh Niên Mới, Ngày Mai. Khi các tờ báo này chuyển vô chiến khu, Dương Tử Giang chủ trương tờ Văn Hóa với tôn chỉ “đấu tranh cho thống nhứt dân tộc, cho một nền hòa bình bền vững” với bộ biên tập gồm Dương Tử Giang, Trúc Khanh, Khổng Dương và Hoàng Tấn.

Văn Hóa số 1 ra ngày 10-11-1946 có bốn trang khổ 27 x 38cm có ba bài chiếm 3/5 tờ báo là bài ca ngợi Nguyễn Ái Quốc (mục Anh hùng tạo thời thế), bài giới thiệu giáo sư Phạm Thiều, một trí thức của Sài Gòn (mục Nhân vật - lúc này giáo sư đã tham gia kháng chiến) và bài thơ Ly rượu thọ của Tố Hữu (mục thơ) khiến cả làng báo ngạc nhiên! Tờ Văn Hóa đã công khai ca ngợi lãnh tụ cách mạng, ca ngợi kháng chiến, đả kích mạnh nhà cầm quyền.

Khi bác sĩ Nguyễn Văn Thinh tự tử ngày 10-11-1946, Pháp đưa bác sĩ Lê Văn Hoạch, một người “từng chạy theo Nhật sau ngày 9-3-1945” và ngay lập tức ông ta bị báo Văn Hóa “dập” liền. Bài viết ấy là của Dương Tử Giang, có câu: “Giỏi nghề mần quan, Rành nghề bắt mạch, Lê gót thành thị đến thôn quê. Thân chủ là Tây, ta, Chà, Khách...” (Hồi ký Mai Văn Bộ).

Việt Báo - một trong những tờ báo do Dương Tử Giang làm chủ bút - Ảnh tư liệu
Việt Báo - một trong những tờ báo do Dương Tử Giang làm chủ bút - Ảnh tư liệu

Làm tờ nào, tờ đó... bị đóng cửa

Báo Văn Hóa số sau tết 1947, Dương Tử Giang trong bài viết “Quyền tối thượng của nhà văn” đả kích thẳng tay chính sách kìm kẹp báo chí của chính quyền thực dân và tay sai. Đồng thời ông cũng đả kích quân đội Pháp, điều mà trước nay chưa có báo nào dám làm, nói rõ “quân đội Pháp sang Việt Nam không phải để bảo vệ cho ai cả mà chỉ để xâm chiếm một nước Việt Nam độc lập và có chủ quyền, để đập đầu trí thức, cướp bóc tài sản và giết hại người Việt Nam” (Hồi ký Mai Văn Bộ). Thực dân tịch thu số báo, đóng cửa tờ báo, bỏ tù Dương Tử Giang ba tháng ở bót Catinat.

Ra tù, Dương Tử Giang tham gia ngay vào ban biên tập tờ Nay... Mai, do Khuông Việt (Lý Vĩnh Khuôn) đứng tên. Nay...Mai ra số đầu ngày 19-5-1947 thì bị đóng cửa hai tháng vì “viết bài ca ngợi Hồ Chủ tịch (đăng cả hình) lên trang nhứt”. Sau đó tục bản được 19 số nữa thì bị đóng cửa (Hồi ký Mai Văn Bộ). Vừa dứt Nay...Mai thì người ta thấy tên Dương Tử Giang phụ trách mục thơ và viết truyện ngắn trên tờ Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai.

Không lâu sau ông đã trở thành quản lý tờ Justice do Fernand le Gros làm giám đốc chính trị. Dù là “báo tiếng Pháp” nhưng nội dung chống chính quyền nên tờ báo chỉ sống được bốn số từ ngày 4-3 đến 14-3-1948 là bị cấm. Mấy tháng sau, ông lại trở thành chủ biên tờ Phụ Nữ do bà Lê Huỳnh Mai làm chủ nhiệm, tờ báo cũng sống được sáu số từ ngày 1-5 đến 5-6-1948.

Hai tháng sau, ông trở thành giám đốc kiêm chủ bút tuần báo Em bộ mới của bà Nguyễn Minh Nguyệt, tòa soạn đặt ở 232 Galliéni (nay là Trần Hưng Đạo). Trong tờ Em ra số ngày 1-11-1948, ông đăng tuồng Chuồng báo phê phán chính quyền quản lý báo chí giống như nhốt thú vật trong chuồng. Ngày 9-11-1948, chủ báo đã nhận được văn bản của đốc phủ sứ Lê Tấn Nẫm (bộ trưởng phụ trách thông tin của chính phủ Nguyễn Văn Xuân thành lập tháng 10-1947).

Văn bản có nội dung: “Tôi hân hạnh báo cho bà biết rằng tạp chí ra hằng tuần của bà, Em, trong số báo ngày 1-11-1948 có đăng một vở tuồng tựa là Chuồng báo... Như vậy hiển nhiên bà cố cản ngăn những quan hệ tốt đẹp giữa công quyền và những đại diện của báo chí và cố chống lại hoạt động của chánh phủ. Do đó, chúng tôi rất lấy làm tiếc thông báo cho bà rằng tờ tạp chí của bà bị đóng cửa vô thời hạn kể từ ngày 1-11-1948”.

Thế nhưng Dương Tử Giang vẫn là Dương Tử Giang, vẫn dấn thân và máu lửa với nghề.

Khi ông vừa nhận làm giám đốc kiêm chủ bút tờ Việt Báo thì chủ nhiệm Phạm Minh Kiên nhận được công văn cảnh cáo của Bộ Thông tin ngày 15-1-1949. “Tôi hân hạnh báo cho ông biết rằng ông Nguyễn Tấn Sĩ tự Dương Tử Giang, người mà ông giao quản lý tờ Việt Báo của ông, đã biến đổi tờ báo này hoàn toàn thành những tập sách, trong đó ông ta cố ý đăng những tiểu thuyết dịch ca tụng những người cách mạng... Do đó, tôi ra lịnh cho ông xuất bản tờ báo ông trở lại theo hình thức ban đầu, bằng không tôi bắt buộc phải rút giấy phép của ông” (Hồi ký Mai Văn Bộ).

Đến năm 1954, Dương Tử Giang được tổ chức bố trí ở lại Sài Gòn tiếp tục chiến đấu bằng nghề của mình: làm báo!

Ông ra tờ Bình Dân để tiếp tục đấu tranh cho hòa bình thống nhất đất nước. Soạn giả Mai Quân (Huỳnh Kim Thạch) kể: “Anh mời tôi về làm thơ ký tòa soạn. Tôi hình dung tòa soạn của một tờ báo ắt bề thế, quy củ lắm. Dè đâu anh lập tòa soạn tại nhà in. Bài vở viết tại đây, in tại đây, phát hành luôn tại đây. Chủ nhà in nói anh thiếu chịu không biết bao nhiêu, in năm bảy số mới trả tiền lần lần, anh làm báo theo kiểu nhà nghèo”. Đã vậy, cuộc sống riêng của ông cũng không khá gì hơn.

“Sáu cây cột tre chênh vênh. Vách và mái lá bằng lá tấm, bề ngang độ hai thước rưỡi, bề sâu độ ba thước. Trong nhà có một cái giường lót vạt tre, lỏng chỏng mấy cái cà ràng, ông táo. Thế là hết! Chỉ mấy thước vuông, đó là nơi ăn, nơi ở, nơi nấu nướng, tiếp khách của cả gia đình anh. Trên giường chất chồng đống báo cháy dở... Có phải chăng, từ khi trở về thành, sau Hiệp định Genève cho tới ngày nhắm mắt, anh chưa một đêm nào nằm ngay lưng trên một chiếc giường êm ấm? Thường thì anh ngủ trong tòa soạn, tại nhà in với mấy tờ báo trải trên bàn viết, trải trên mặt gạch” (Hồi ký Viễn Phương - Nhớ người năm ấy, Văn Nghệ TP.HCM ngày 23-10-1981).

Tháng 10-1955, nhà báo máu lửa Dương Tử Giang bị bắt trong khi đang sửa morasse cho tờ Duy Tân, với tội “làm trưởng ban văn nghệ Việt cộng ở Sài Gòn” (theo tư liệu của Trương Võ Anh Giang). Ông bị giam ở bót Catinat, rồi bị đày lên trại giam Tân Hiệp, Biên Hòa.

Ông hi sinh khi tham gia vượt ngục vào cuối năm 1956. Có một con đường ở quận 5, TP.HCM mang tên ông. Những người làm báo Đồng Nai cũng lấy tên ông đặt cho giải thưởng báo chí tỉnh nhà...

TRẦN NHẬT VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên