04/01/2019 12:39 GMT+7

Dương Thụ: Người Sài Gòn thì thực tế, người Hà Nội có vẻ nghệ sĩ hơn

QUỲNH NGUYỄN thực hiện
QUỲNH NGUYỄN thực hiện

TTO - Sau ba lần tổ chức tại Hà Nội, live concert Dương Thụ - Cửa sổ âm nhạc 4 sẽ lần đầu tiên diễn ra tại TP.HCM. Tuổi Trẻ đã trò chuyện với nhạc sĩ Dương Thụ về điều hơi 'ngược' này...

Dương Thụ: Người Sài Gòn thì thực tế, người Hà Nội có vẻ nghệ sĩ hơn - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Dương Thụ - Ảnh: NGỌC VIỆT

Nói ngược là bởi TP.HCM vốn từng được coi là một nơi lý tưởng để tổ chức sô và cũng là nơi đã mang cái tên Dương Thụ "ra sáng".

Live show Dương Thụ - Cửa sổ âm nhạc lần 4 được coi là live show cuối cùng của nhạc sĩ Dương Thụ. Live show không sử dụng phần dẫn dắt từ các MC mà dành không gian cho các nghệ sĩ: Bằng Kiều, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Tùng Dương, Trần Nguyễn Minh Đức, nhóm Con Gái.

Chương trình có sự đầu tư mạnh về phần dàn nhạc với Sơn Thạch Band cùng các nghệ sĩ khách mời tại TP.HCM: Bảo Chấn (piano), Tăng Thành Nam (violin), Hồng Thủy (cello), Vũ Nguyễn (contrabass) và tại Hà Nội: Quốc Trung (piano), Trần Thị Mơ (cello), Xuân Huy (violon). Chương trình diễn ra vào 20h ngày 5 và 6-1 tại Nhà hát TP.HCM và ngày 19-1 tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

Từ TP.HCM, tôi đã bước ra ánh sáng

* Gần đây, khi chia sẻ quyết định tổ chức đêm nhạc Đánh thức tầm xuân lần đầu tiên tại TP.HCM, ông nói muốn tạ ơn "nơi đã tạo nên cái tên Dương Thụ", nơi giúp ông "bước từ bóng tối ra ánh sáng". Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Tôi đã vào TP.HCM sống 41 năm. 41 năm trong đời một con người là quãng thời gian quan trọng để trưởng thành. Ở ngoài Bắc, trước khi vào định cư ở TP.HCM, nhạc của tôi là thứ "văn nghệ trong bóng tối", "văn nghệ" chui mà thời nay gọi là underground.

Viết vì tự nhiên muốn viết, chẳng viết cho ai, chẳng để làm gì. Tìm tòi về cấu trúc, về hòa thanh là để thỏa mãn những đòi hỏi cá nhân, tuyệt đối không nhằm đóng góp điều gì mới mẻ cho âm nhạc.

Tôi cũng không dám tự cho mình sứ mạng của một người làm văn nghệ như các bậc đàn anh nhạc cách mạng. Tôi chỉ là người say mê âm nhạc, làm nhạc rất nhiều, nhưng không coi đó là một nghề nghiệp để sinh kế. So với sự định danh về nhạc sĩ thời bấy giờ thì tôi không phải là nhạc sĩ.

Và TP.HCM có đất cho những người hoạt động âm nhạc không phải là nhạc sĩ như tôi. Anh em nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công của Sài Gòn cũ còn ở lại họ không quan trọng việc anh có phải là hội viên Hội nhạc sĩ hay không.

Vấn đề là ở trình độ chuyên môn, mặt bằng văn hóa (hiểu biết về văn chương, triết học, hội họa và âm nhạc), tài năng và nhân cách. Nếu thấy ổn thì họ ok. Và Dương Thụ không chỉ được sống với âm nhạc mà còn được làm nghề đúng nghĩa với tư cách một nhạc sĩ chuyên nghiệp. Tôi đã bước ra ánh sáng.

* Theo ông, có sự khác biệt nào trong phong cách làm nghệ thuật Sài Gòn và Hà Nội như người ta vẫn nói tới không? Nếu có thì nó là gì?

- Có chứ. Người Sài Gòn mà tôi đã từng làm việc thì thực tế hơn, và thường có những mục tiêu rất cụ thể. Làm việc chuyên nghiệp, tiền nào của ấy. Người Hà Nội mà tôi từng làm việc có vẻ nghệ sĩ hơn, cái quan trọng là nghệ thuật chứ chưa phải tiền bạc.

Dính đến cái gọi là nghệ sĩ thì khổ không biết nhường nào, nhưng rốt cuộc nó cho ta sự hài lòng. Tất nhiên qua năm tháng, giờ thì cả hai nơi bắt đầu có vẻ giống nhau, nơi bớt cái này tăng cái kia, nơi bớt cái kia tăng cái này. Họ "tự chuyển hóa" mà.

Đánh thức tầm xuân của Dương Thụ - Hồng Nhung

Âm nhạc thật sự thì phi thời

* Có người nói âm nhạc Thanh Tùng, Dương Thụ, Trần Tiến... rất đẹp nhưng cũng đã thuộc về một thời, thời bây giờ là của Sơn Tùng, Tiên Cookie, Đen Vâu..., của các bạn trẻ "hát lời tình yêu" theo kiểu "anh đếch cần gì nhiều ngoài em". Ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Thời của người, khác với thời của âm nhạc. Âm nhạc thật sự thì nó phi thời. Để trả lời câu hỏi này phải hỏi "ban giám khảo thời gian". Cũng không thể so sánh Sơn Tùng, Đen Vâu với Thanh Tùng, Trần Tiến, bởi họ làm một loại nhạc khác.

Anh đếch cần gì nhiều ngoài em là ca từ có hơi hướng "hậu hiện đại". "Giải thiêng", "tục" cỡ này chẳng ăn thua gì với anh Ngọc Đại thuộc thế hệ tôi. Và bạn có nghe thế hệ tôi ngồi quán bia hơi hát những gì không? Cũng chẳng kém cạnh đâu.

Còn có phải các bạn trẻ "vẫn hát lời tình yêu" theo kiểu này thì phải hỏi các bạn trẻ ấy là những ai. Nói về giới trẻ là điều chúng ta cần thận trọng.

Đen - Anh Đếch Cần Gì Nhiều Ngoài Em ft. Vũ., Thành Đồng (M/V)

* Là người đã đồng hành với nhiều người trẻ trước khi họ thành danh, những cái tên nào trong giới trẻ làm nhạc hiện nay được ông quan tâm?

- Với tôi, trẻ là những người gọi tôi bằng chú. Bây giờ họ đã trưởng thành và nổi tiếng hơn tôi như các nhạc sĩ Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn... và trẻ hơn một chút là Trần Mạnh Hùng (cổ điển đương đại), Lê Minh Sơn, Giáng Son, Võ Thiện Thanh, Lưu Hà An, trẻ hơn nữa là Trần Lưu Hoàng (cổ điển đương đại), Nguyễn Đức Cường, Sa Huỳnh, Dương Cầm...

Ca sĩ có Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, trẻ hơn thì có Uyên Linh, Hà Linh, Trần Nguyễn Minh Đức... Và có thể kể thêm Ngọc Mai, Khánh Ngọc dòng thính phòng. Còn các nhân vật tuổi teen tôi có quan tâm nhưng không thể kể tên vì họ chưa định hình.

* Trong chuỗi chương trình Cửa sổ âm nhạc, bên cạnh các ngôi sao đã quen thuộc với âm nhạc của Dương Thụ, mỗi năm ông đều có những "thử nghiệm mới", khi là Hà Linh, khi Hoàng Yến idol, hay Trần Nguyễn Minh Đức. Lần này thì sao?

- Lần này vẫn tiếp tục là Trần Nguyễn Minh Đức. Minh Đức là một giọng tenor hiếm có trong việc hát semi classic theo phong cách đương đại.

Là một kiến trúc sư du học ở Ý trở về nước, Minh Đức thích nhạc của tôi và làm một album riêng hát những tác phẩm Dương Thụ theo một phong cách rất mới. Giọng hát bay bổng và mạnh mẽ. Có một cái gì đó ngây thơ của một tâm hồn còn trong trắng.

Cũng giống như Nguyên Thảo, Minh Đức không thuộc về giới showbiz. Hát chỉ vì muốn hát. Hát những gì mình thích là hình thức giải phóng năng lượng mà họ chứa chất.

Cà phê thứ bảy - tôn vinh những giá trị văn hóa

Hơn 8 năm qua, nhạc sĩ Dương Thụ được khán giả yêu văn hóa văn nghệ biết đến như một "đầu tàu", người điều hành nhiệt tâm của các salon văn hóa giới thiệu, kết nối, tôn vinh những giá trị văn hóa qua chuỗi chương trình phong phú hằng tuần của Cà phê thứ bảy ở TP.HCM và Hà Nội. 3 năm qua, giới trẻ Sài Gòn còn có thêm một điểm hẹn văn hóa ở Cà phê thứ bảy trẻ.

Nhìn nhận lại hiệu quả của các salon văn hóa này, Dương Thụ chia sẻ: "Các hoạt động có sức thu hút rất lớn đối với các bạn trẻ thuộc dạng "tự khai phóng". Hiệu quả tốt ngoài sức tưởng tượng của tôi. Năm 2018 là năm tôi kết nối được nhiều nhân vật trẻ, họ đã bắt đầu trở thành nhân vật chính của salon văn hóa Cà phê thứ bảy, vừa là diễn giả, người chủ trì, vừa là khán giả đến dự các sự kiện khác..." (ĐỖ TRƯỜNG)

Nhạc sĩ Dương Thụ rủ người trẻ vào sân chơi phim, nhạc Nhạc sĩ Dương Thụ rủ người trẻ vào sân chơi phim, nhạc

TTO - Nhận lời mời của nhạc sĩ Dương Thụ, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và các ca sĩ Khánh Linh, Vũ Thắng Lợi đứng ra đảm nhiệm vai trò điều phối các hoạt động Cà phê điện ảnh và Salon âm nhạc tại Hà Nội.

QUỲNH NGUYỄN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên