27/10/2021 09:36 GMT+7

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông còn 'đứng bánh' đến bao giờ?

TUẤN PHÙNG - BẢO NGỌC
TUẤN PHÙNG - BẢO NGỌC

TTO - Sau 10 năm thi công, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội đã cơ bản hoàn thành nhưng đến nay các bộ, ngành liên quan vẫn chưa thể 'chốt' thời điểm đưa dự án vào khai thác thương mại.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông còn đứng bánh đến bao giờ? - Ảnh 1.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) nhiều lần chạy thử nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động - Ảnh: NAM TRẦN

Nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu hồ sơ kỹ thuật có liên quan, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chưa có đủ cơ sở để nghiệm thu, chấp thuận đưa dự án vào vận hành, khai thác thương mại.

Dự án có chạy thử, có đánh giá, có tư vấn xác nhận đầy đủ. Bộ Giao thông vận tải nghiệm thu thì cam kết chịu trách nhiệm về kết quả nghiệm thu của mình.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông còn đứng bánh đến bao giờ? - Ảnh 4.

Những lần lỡ hẹn của đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông- Đồ hoạ: TẤN ĐẠT

Thiết bị tiền tỉ "đắp chiếu", phủ bụi, hoen gỉ

Theo ghi nhận của phóng viên, đến nay các hạng mục công trình đã cơ bản hoàn thành như hệ thống đường sắt trên cao và 12 nhà ga trên tuyến với các thiết bị máy móc đã được lắp đặt xong. Nhưng trong lúc chờ dự án được đưa vào khai thác thương mại, nhiều hạng mục phụ như thang cuốn lên các nhà ga, lan can thang bằng inox đã có dấu hiệu hoen gỉ, một số kính tại nhiều ga có dấu hiệu rạn nứt. 

Nhiều máy móc, thiết bị tiền tỉ tại các nhà ga như hệ thống kiểm soát, bán vé tự động, cầu thang cuốn nằm phủ bụi lâu ngày, mạng nhện giăng kín. Khu vực 12 ga trên cao nay đã bị người dân "trưng dụng" thành kho chứa đồ, nơi treo biển quảng cáo, bãi đỗ xe...

Ông Đ.T.H. - nhân viên bảo vệ nhà ga Yên Nghĩa (ga cuối trên tuyến) - cho biết các ga trên tuyến có 4 nhân viên của Công ty bảo vệ Trí Đức (đơn vị được tổng thầu thuê bảo vệ tài sản tại 12 nhà ga trên tuyến) thay ca nhau làm việc, riêng ga Cát Linh rộng hơn, có nhiều thiết bị hơn nên có 6 bảo vệ. Công việc của họ chủ yếu là vệ sinh, lau dọn sàn nhà ga, lau rửa kính tại các nhà ga.

Để chuẩn bị cho việc tiếp tục chạy thử tàu vào đầu tháng 11, công ty đang phân công 12 nhân viên bảo vệ đi dọn vệ sinh các nhà ga. "Việc dọn vệ sinh các nhà ga cũng rất tốn công, 12 nhân viên bảo vệ dọn vệ sinh ga Cát Linh 3 ngày rồi vẫn chưa xong" - ông Đ.T.H. cho biết thêm.

Liên quan đến tình trạng nhếch nhác nói trên, đại diện ban quản lý dự án cho biết dự án chưa bàn giao nên tổng thầu vẫn chịu trách nhiệm bảo vệ, trông coi công trình, tài sản thuộc các hạng mục do tổng thầu thi công. Trước khi bàn giao, tổng thầu có trách nhiệm khắc phục, hoàn thiện.

Chúng tôi sẽ bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho Hà Nội trong tháng 4, đến cuối tháng 4 có thể vận hành thương mại.

Ông Nguyễn Văn Thể (bộ trưởng Bộ GTVT) trả lời kiến nghị của các địa phương tại hội nghị trực tuyến sơ kết đảm bảo an toàn giao thông toàn quốc sáng 9-4-2021

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông còn đứng bánh đến bao giờ? - Ảnh 6.

Một lối đi lên, cầu thang ga Cát Linh thành nơi bán trà đá - Ảnh: NAM TRẦN

Bộ Giao thông vận tải: có một số tồn tại về chất lượng nhưng vẫn đủ điều kiện khai thác

Ngày 26-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết đến tháng 8-2018 dự án đã cơ bản hoàn thành thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và từ tháng

12-2018, tổng thầu tiến hành căn chỉnh đồng bộ, vận hành thử kỹ thuật và vận hành thử nghiệm theo biểu đồ chạy tàu vào cuối năm 2019. Đến tháng 5-2021, liên danh tư vấn Apave-Certifer-Tricc (tư vấn ACT) đã cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án này sau thời gian tiến hành đánh giá từ năm 2018.

Qua quá trình đánh giá, nghiệm thu, Bộ Giao thông vận tải cho biết phần xây dựng của dự án có một số vấn đề còn tồn tại về chất lượng nhưng không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuổi thọ, công năng của công trình và đảm bảo công trình đủ điều kiện khai thác an toàn kèm theo các giải pháp khắc phục trong thời gian bảo hành công trình. 

Từ tháng 4-2021, Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo hoàn thành gửi Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đề nghị tiến hành kiểm tra và có ý kiến chấp thuận về công tác nghiệm thu dự án Cát Linh - Hà Đông.

"Công trình đã hoàn thành và nghiệm thu đảm bảo đúng quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế được duyệt, nội dung hợp đồng dự án, đảm bảo theo đúng công năng thiết kế và đáp ứng các chỉ tiêu vận hành theo tiêu chuẩn dự án. Toàn bộ kết quả thực hiện, nghiệm thu đã được báo cáo Hội đồng kiểm tra nhà nước. Bộ Giao thông vận tải kiến nghị hội đồng xem xét, có ý kiến chấp thuận về công tác nghiệm thu để đưa dự án vào khai thác" - ông Đông cho biết.

Ông Đông cho biết thêm bộ này đã tổ chức nghiệm thu toàn bộ 11 công trình thành phần của dự án, trên cơ sở đó nghiệm thu tổng thể, nghiệm thu hoàn thành. Theo ông, hiện hội đồng đang kiểm tra, rà soát thủ tục. 

"Các yêu cầu hội đồng đặt ra chủ yếu làm rõ câu chữ trong các nội dung liên quan. Dự kiến hội đồng sẽ tổ chức họp kiểm tra công tác nghiệm thu vào cuối tháng 10-2021. Sau khi có ý kiến chấp thuận của hội đồng, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiến hành bàn giao dự án cho UBND TP Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác".

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông còn đứng bánh đến bao giờ? - Ảnh 7.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông - Ảnh: NAM TRẦN

Hội đồng kiểm tra nhà nước sẽ quyết định

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết Bộ Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, nghiệm thu dự án. Hiện nay cơ quan thường trực Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng là Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã tiếp nhận hồ sơ dự án từ Bộ Giao thông vận tải. 

Cơ quan thường trực đang kiểm tra, yêu cầu bổ sung hồ sơ dự án. Khi hồ sơ dự án đầy đủ sẽ trình Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng xem xét, đánh giá, kết luận.

Kết luận về dự án sẽ là kết luận chung của Hội đồng kiểm tra nhà nước, không phải kết luận của một cá nhân. Hiện bộ trưởng Bộ Xây dựng đang đốc thúc cơ quan thường trực triển khai nhanh việc bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án để bảo đảm điều kiện đưa ra hội đồng. Phiên họp hội đồng sẽ sớm diễn ra. Theo quy định, khi tập hợp đầy đủ hồ sơ dự án, đáp ứng điều kiện của hội đồng, cơ quan thường trực mới trình hồ sơ dự án ra hội đồng xem xét, đánh giá, kết luận.

Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã chuyển hồ sơ dự án cho Bộ Xây dựng, Cục Giám định nhà nước về công trình xây dựng đang tổng hợp, trong tuần này sẽ báo cáo bộ trưởng Bộ Xây dựng, chủ tịch Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, trước khi trình ra hội đồng cho ý kiến kết luận cuối cùng, vị lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết thêm.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông còn đứng bánh đến bao giờ? - Ảnh 8.

Mốt khu vực lối đi lên, cầu thang của ga Cát Linh trở thành nơi tập kết phế liệu - Ảnh: NAM TRẦN

Những ai phải chịu trách nhiệm?

Trong báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM gửi tới Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ nhấn mạnh dự án chậm tiến độ, tăng tổng vốn đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía tổng thầu Trung Quốc thì chủ đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), Ban quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành dự án. 

Đơn vị tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư. UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm về chậm trễ trong giải phóng mặt bằng. Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng.

Hiện nay Ban quản lý dự án đường sắt đang rà soát các điều khoản trong hợp đồng EPC, xác định rõ trách nhiệm của tổng thầu Trung Quốc và các bên liên quan để giải quyết theo quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký.

Chưa hoạt động nhưng đã phải trả nợ vay gần 10 triệu USD

cat linh ha dong2

Kính chắn tại ga Vành đai 3 bị vỡ được gắn giữ bằng băng dính - Ảnh: NAM TRẦN

Dự án Cát Linh - Hà Đông chưa đưa vào khai thác được nhưng vừa qua Bộ Tài chính đã phải trích quỹ trả nợ gốc khoản vay. Theo Bộ Tài chính, dự án sử dụng vốn vay từ 3 hiệp định vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, tổng giá trị vay là 690,62 triệu USD.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đã ủy quyền cho Ban quản lý dự án đường sắt ký hợp đồng vay lại đối với phần vốn vay nước ngoài để thực hiện các hạng mục liên quan tới khai thác, vận hành kinh doanh vận tải của dự án.

Về nguyên tắc, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng để trả nợ nước ngoài cho phần vốn vay lại và các khoản phí liên quan trong giai đoạn xây dựng cho tới khi hoàn thành bàn giao cho UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, khoản cho Bộ Giao thông vận tải vay lại để thực hiện dự án đang gặp vướng mắc về trả nợ nên Bộ Tài chính phải ứng tiền từ quỹ tích lũy trả nợ để trả thay cho dự án.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết số tiền mà Bộ Tài chính ứng quỹ tích lũy để trả nợ thay cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội Cát Linh - Hà Đông là 9.831.022 USD, tương đương 227,3 tỉ đồng.

Bộ Tài chính cho biết đây là khoản vay của Chính phủ nên khi đến hạn, bộ được giao phải thực hiện nghĩa vụ của quốc gia là trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo hiệp định vay vốn cho chủ nợ là phía Trung Quốc đối với dự án này.

Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư bố trí vốn để trả nợ. Tuy nhiên đến nay, Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa được bố trí vốn để trả nợ gốc. Do vậy Bộ Tài chính đã phải ứng quỹ tích lũy để trả nợ thay cho dự án theo cam kết hiệp định.

Theo quy định của Luật quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn, về phần vay lại, chủ dự án là Bộ Giao thông vận tải phải có trách nhiệm bố trí vốn để hoàn trả Bộ Tài chính. Thực tế từ khi phát sinh nghĩa vụ trả nợ đối với phần vay lại, Bộ Giao thông vận tải mới bố trí trả 398,043 tỉ đồng nợ gốc. Phần còn phải hoàn trả Bộ Tài chính là nợ gốc là 227,3 tỉ đồng và gốc cộng lãi quá hạn là 38,37 tỉ đồng.

Để đảm bảo thực hiện theo đúng Luật quản lý nợ công, được biết Bộ Giao thông vận tải đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục "trả nợ gốc các khoản vay lại của các hiệp định vay của dự án" để có nguồn hoàn trả nợ cho Bộ Tài chính và thực hiện các thủ tục để bàn giao dự án cho UBND TP Hà Nội.

LÊ THANH

Tất cả các dự án metro đều chậm và tăng vốn

1. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông:

- Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư. Quy mô: 13,05km đi trên cao và 1,71km nhánh rẽ vào khu depot; 12 nhà ga trên cao.

- Tổng mức đầu tư phê duyệt năm 2008 là 8.769 tỉ đồng (552,86 triệu USD). Đến năm 2017 điều chỉnh lên 18.001 tỉ đồng (868,04 triệu USD), tăng hơn 9.231 tỉ đồng (tương đương 315,18 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc tương đương 669,62 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam tương đương 198,42 triệu USD.

2. Tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội:

- Chủ đầu tư là Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội. Quy mô: 12,5km, với 8,5km trên cao, 4km đi ngầm, 8 ga trên cao, 4 ga ngầm, 1 depot.

Thực hiện từ năm 2009, dự kiến cuối năm 2015 đưa vào sử dụng giai đoạn 1. Hiện đã nhập về đủ 10 đoàn tàu, đang thi công đoạn ngầm và đối mặt với nhiều khiếu nại bồi thường từ nhà thầu.

- Tổng mức đầu tư ban đầu: 783 triệu euro, đến nay điều chỉnh lên 1,176 tỉ euro. Vốn vay ODA là 957,99 triệu euro (từ Chính phủ Pháp; Cơ quan Phát triển Pháp - AFD; Ngân hàng Đầu tư châu Âu - EIB và Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB), vốn đối ứng từ ngân sách TP Hà Nội là 218,01 triệu euro.

metro

Nhà ga ngầm metro Bến Thành đang được thi công (ảnh chụp sáng 26-10) - Ảnh: MINH HÒA

3. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) Yên Viên - Ngọc Hồi giai đoạn I:

- Chủ đầu tư: từ năm 2004 đến tháng 10-2014 là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; từ tháng 11-2014 đến nay là Bộ Giao thông vận tải. Được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2008, đến tháng 4-2017 điều chỉnh thời gian dự kiến thực hiện từ năm 2017 đến năm 2024.

- Tổng mức đầu tư: giai đoạn lập dự án là 19.460 tỉ đồng; sau điều chỉnh lên 19.046 tỉ đồng (tương đương 95,35 tỉ yen) gồm vốn vay ODA Nhật Bản là 72,410 tỉ yen, vốn đối ứng là 4.582 tỉ đồng.

4. Dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo:

- Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là chủ đầu tư. Quy mô: 11,5km gồm 8,9km đi ngầm, 2,6km đi trên cao, 3 ga trên cao, 7 ga ngầm, 1 khu depot. Thời gian thực hiện từ năm 2009-2015. Hiện chưa khởi công nhưng do điều chỉnh nên dự kiến hoàn thành, vận hành toàn tuyến năm 2027.

- Tổng mức đầu tư ban đầu là 19.555 tỉ đồng. Nay điều chỉnh lên 35.679 tỉ đồng gồm vốn vay ODA Nhật Bản 30.129 tỉ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách TP Hà Nội là 5.549 tỉ đồng.

5. Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên:

- Dự án do UBND TP.HCM là cấp quyết định, chủ đầu tư là Ban quản lý đường sắt đô thị. Quy mô: 2,6km đi ngầm; 17,1km trên cao, 11 ga trên cao, 3 ga ngầm và 1 depot. Thực hiện từ tháng 3-2007 để khai thác năm 2018. Nhưng qua báo cáo của UBND TP.HCM, Chính phủ nhận định việc hoàn thành thi công dự án trong năm 2021, đưa vào vận hành khai thác đầu năm 2022 khó có thể khả thi.

- Tổng mức đầu tư điều chỉnh năm 2018 là 126.582 triệu yen Nhật (tương đương 17.387 tỉ đồng), từ vốn vay của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của UBND TP.HCM. Sau 2 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án là 43.757 tỉ đồng gồm: 38.265 tỉ đồng vay của Chính phủ Nhật Bản, 5.491 tỉ đồng vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM.

6. Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương:

- Dự án do UBND TP.HCM là cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư là Ban quản lý đường sắt đô thị. Được phê duyệt tháng 11-2010 và phê duyệt điều chỉnh 3 lần tính đến tháng 11-2019. Quy mô: tuyến đi ngầm khoảng 9,091km; đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 1,951km; 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 depot. Tiến độ thi công dự kiến: 2022-2026, khai thác cuối năm 2026.

- Tổng mức đầu tư được phê duyệt tháng 10-2010 là 1,374 triệu USD (tương đương 26.116 tỉ đồng). Ngày 14-11-2019 điều chỉnh lên 2,093 tỉ USD (tương đương 47.890 tỉ đồng). Nguồn vốn đầu tư vay ODA từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.

TUẤN PHÙNG

Bộ Tài chính phải ứng quỹ trả nợ vay làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông Bộ Tài chính phải ứng quỹ trả nợ vay làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông

TTO - Do dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm bàn giao cho Hà Nội, vừa qua Bộ Tài chính đã ứng quỹ tích lũy để trả nợ gốc khoản vay đầu tư dự án này theo cam kết của Chính phủ tại các hiệp định vay vốn.

TUẤN PHÙNG - BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên