14/02/2023 11:22 GMT+7

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ cuối: Cung đường bóng đá và cơm tấm Sài Gòn

Mỗi chiều cuối tuần, đám đông hàng chục ngàn người đổ về nô nức gửi xe, mua vội ổ bánh mì, trà đá để vào sân vận động Thống Nhất xem bóng đá là cảnh tượng đặc trưng ở trục đường Nguyễn Kim - Đào Duy Từ - Tân Phước và Ngô Quyền quanh sân bóng này.

Góc phố Nguyễn Kim - Đào Duy Từ ngày nay vẫn còn nhiều hình ảnh sân bóng kế bên - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Góc phố Nguyễn Kim - Đào Duy Từ ngày nay vẫn còn nhiều hình ảnh sân bóng kế bên - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Cơm tấm lề đường Sài Gòn

Thời 9 - 10 tuổi đầu, mỗi năm được nghỉ học ba tháng mùa hè, tôi thường được ba mẹ gửi lên nhà ông bà ngoại ở đường Tân Phước (quận 10) để học vẽ. Nguyên quán ở tỉnh lẻ miền Tây, sinh ra ở tỉnh lẻ miền Đông, song tuổi thơ của tôi vì thế mà sớm gắn bó với thị thành Sài Gòn - TP.HCM. Trong đôi mắt cậu bé ngày ấy, con đường Tân Phước bấy giờ rất rộng, dù sau này tôi đọc sách biết đây chỉ là con đường nhỏ có lộ giới khiêm tốn 16m và chỉ dài 731m.

Tân Phước hàng chục năm trước có nhiều cây xanh, có dãy nhà phố hiền hòa và hầu hết đều ít tầng. Như nhà ngoại tôi có thêm một gác xép gỗ ở trên để trữ sách vở và các dì ngủ nghỉ. Ông ngoại tôi lúc còn sống rất tự hào về căn nhà số 204 trên đường Tân Phước mà ông bà mua từ thập niên 1960 - không quá lâu so với thời con đường hình thành (khoảng sau năm 1954). Con đường đã mang tên Tân Phước cho đến tận ngày nay không đổi. 

Nguồn gốc tên đường chính là tên của một thôn dã trong địa bạ thời Minh Mạng và tồn tại cho đến năm 1879 (khác với đường Tân Phước ở quận Tân Bình là tên một làng cũ vùng Phú Thọ xưa).

Hàng chục năm trước, đường Tân Phước có bà bán bánh ít trần dạo rất ngon với điểm đặc biệt là luôn gánh thúng bánh đi rao trên đường lúc 3h chiều mỗi ngày. Bà ngoại tôi hay kêu tôi chạy ra mở cửa mua bánh ít trần như là phần thưởng dành cho cháu mỗi khi tôi giúp ngoại khỏe hơn bằng cách tích cực xoa bóp chân cho bà.

Tôi hay được các cậu, dì nhà ngoại dẫn đi ra đầu ngã ba Tân Phước - Ngô Quyền để ăn cơm tấm sáng. Trước quán cà phê mặt tiền góc đường, bà bán cơm tấm bày một chiếc bàn nhỏ, một nồi cơm to bên vệ đường cùng các ghế lúp xúp xung quanh cho khách ngồi ăn. 

Món cơm tấm "đặc trưng Sài Gòn" của bà khiến ai cũng thích mê. Hạt tấm trắng rất nhỏ đều, thơm, miếng sườn non nướng vừa miệng và vị nước mắm ngọt pha tuyệt hảo. Tôi ăn cơm tấm ở góc đường Tân Phước từ bé cho đến khi là sinh viên tá túc nhà ngoại đi học đại học và ra trường.

Tôi nhớ các lần ba tôi lên thành phố, hai cha con lại cùng đi ăn cơm tấm và ba ân cần hỏi thăm chuyện học, chuyện sinh hoạt nơi thị thành của tôi. Sau này khi đã cư ngụ quận khác, có khi tôi cất công dậy sớm chạy đến đường Tân Phước ăn cơm tấm chỉ vì nhớ tuổi thơ và người cha đã khuất. Giờ đây, bà bán cơm tấm thuở xưa được con gái bà "nối nghiệp", chỗ bán đưa vô bên trong một căn nhà đối diện với bàn cơm tấm lề đường ngày trước, tươm tất và rộng rãi hơn.

Đường Nguyễn Kim - mặt tiền sân Thống Nhất mà tôi có bao kỷ niệm khó quên - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Đường Nguyễn Kim - mặt tiền sân Thống Nhất mà tôi có bao kỷ niệm khó quên - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Cung đường bóng đá

Tình yêu bóng đá của tôi bắt đầu và đậm sâu từ khi ở nhà ngoại mình trên con đường Tân Phước bên hông sân vận động Thống Nhất. Trong nhiều mùa giải bóng đá vô địch quốc gia trước đây, Thống Nhất là sân nhà của nhiều đội bóng khét tiếng một thời như Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công Nghiệp, Công An TP.HCM. 

Vào mỗi ngày sân Thống Nhất có trận đấu, các nẻo đường xung quanh sân là Nguyễn Kim, Đào Duy Từ, Tân Phước và Ngô Quyền đông nghịt khán giả đổ về như đi trẩy hội.

Nhà ngoại tôi tranh thủ giăng dây dù trước nhà, tự mở điểm giữ xe dã chiến để giữ xe cho người đi xem bóng đá. Các cậu, dì của tôi hễ ai có mặt ở nhà là tham gia giữ xe để kiếm thêm một phần thu nhập vui vui như nhiều nhà láng giềng. Tôi lăng xăng phụ việc tích cực ra trò với nhiệm vụ ghi số, đưa thẻ cho khách. Cậu Hai, cậu Tư, cậu Út... thì dắt xe, xếp xe để chật phía trước mặt tiền nhà, con hẻm bên hông nhà cho đến vô tận bên trong phòng khách của nhà.

Thường sau khi cầu trường rền vang trong sân báo hiệu trận đấu đã bắt đầu, cậu Út tôi mua được vé chợ đen sẽ dắt kèm tôi vào sân xem trận đấu. Dạo sau đó, tôi lân la làm quen được với mấy chị bán trà đá, bánh mì, mía ghim trong sân để được vào sân xem bóng đá thường xuyên hơn trong vai trò... phụ bán dạo. 

Trận đấu mà tôi nhớ mãi là trận chung kết giải VĐQG năm 1991 giữa hai CLB Hải Quan và Quảng Nam Đà Nẵng có tới khoảng 25.000 khán giả vào xem trong sân. Đó là trận cầu vô cùng kịch tính và mãn nhãn, Hải Quan thắng loạt đá luân lưu để lên ngôi vô địch. Sau trận đấu, tiền đạo Lê Văn Sinh của đội thua trận vẫn ngồi thẫn thờ hồi lâu bên hàng rào sân Thống Nhất ở đường Nguyễn Kim trong sự an ủi của nhiều người hâm mộ.

Đối diện cổng chính sân bên kia đường Nguyễn Kim là khoảng sân trước cư xá cũ - nơi trước đây vào thập niên 1980 - 1990 còn là sân bóng cộng đồng. Nhiều buổi chiều tà, tôi cùng đám con nít ngồi bệt trên cát xem các thanh niên trai tráng đá bóng ở đây cho thỏa đam mê (giống "đá phủi" ngày nay). 

Ngôi sao của CLB Cảng Sài Gòn và tuyển Việt Nam bấy giờ là Lư Đình Tuấn cũng xỏ giày tham gia đá cho vui và rất hòa đồng với các "đồng đội" láng giềng vô danh. Thì ra nhà của Lư Đình Tuấn cũng ở khu vực này (đường Hòa Hảo, phường 7, quận 10). Bố Tuấn "nhím" là cựu cầu thủ Lưu Hùng Phán từ Bắc vào Nam tham gia quản lý sân Thống Nhất từ năm 1976.

Trung tuần tháng 2-2023, tôi trở lại sân Thống Nhất nay sáng đèn trở lại khi mùa giải V-League 2023 bắt đầu và là sân nhà của duy nhất CLB TP.HCM. Rất nhiều nhà cao ba, bốn tầng hiện đại cùng hàng quán cà phê, hớt tóc, bán tạp hóa mở ra san sát. Sân bóng phủ cát mà tuyển thủ Lư Đình Tuấn đá ngày nào giờ thành bãi giữ ô tô và khu vui chơi trẻ em.

Đi ngang qua ngôi nhà cũ của ngoại ở đường Tân Phước, tôi nhớ thấm thoắt mà ngoại tôi về miền cực lạc mấy mươi năm. Bà bán bánh ít trần "3h chiều" hẳn cũng theo ngoại tôi từ lâu. Tôi chỉ còn có thể ghé dùng cơm tấm điểm tâm sáng ở đầu đường trong nỗi hoài niệm êm đềm.

Tôi không khỏi bùi ngùi khi cung đường bóng đá quanh sân không còn chộn rộn bằng thời hoàng kim những thập niên trước. Tiếng rền vang trong cầu trường vọng ra các cung đường xung quanh cũng ít ồn hơn. Các điểm giữ xe tự phát lề đường của các nhà dân cũng ít hơn, bởi người đi xem chỉ còn vài ngàn khán giả cho một trận cầu.

Dẫu sao đi nữa, mỗi lần vào sân Thống Nhất ngồi xem bóng đá trong tôi vẫn còn đây những ký ức vô cùng thân thương.

Sân Thống Nhất có địa chỉ chính tại số 138 đường Đào Duy Từ (nhỏ như đường Tân Phước), nhưng mặt tiền chính của sân lại ở đường Nguyễn Kim rộng hơn nhiều (lộ giới 20m). Tiền thân là sân vận động Renault do Pháp xây và khánh thành vào tháng 10-1931, lúc bấy giờ là sân bóng lớn nhất Đông Dương. Năm 1960, sân được nâng cấp xây dựng lại và đổi tên thành sân Cộng Hòa, từng là sân bóng đá lớn nhất và hiện đại nhất của bóng đá Việt Nam.
Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 11: Mai Chí Thọ - con đường phát triểnĐường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 11: Mai Chí Thọ - con đường phát triển

Qua hầm chui sông Sài Gòn, đại lộ Mai Chí Thọ mở ra thênh thang như dải lụa, biển báo chi tiết hiện đại như chẳng còn dấu tích những rừng dừa nước từng bạt ngàn nơi đây. Nhưng mà còn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên