11/01/2019 06:20 GMT+7

Đường 'ổ gà' nguy hiểm, ai chịu trách nhiệm?

TUẤN PHÙNG thực hiện
TUẤN PHÙNG thực hiện

TTO - Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai công tác năm 2019 của Tổng cục Đường bộ (TCĐB), bộ trưởng Bộ GTVT đã cảnh báo: “Nếu không sửa đường kịp thời để xảy ra tai nạn thì các đồng chí ra tòa”.

Đường ổ gà nguy hiểm, ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Một bên đường đèo Quán Cau, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên chỉ lưu thông được 1 làn do đường hư hỏng - Ảnh: DUY THANH

Liên quan đến vấn đề này, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Điệp - vụ trưởng Vụ quản lý - bảo trì đường bộ của Tổng cục Đường bộ.

Trách nhiệm trước hết là nhà thầu

* Thưa ông, trách nhiệm quản lý, bảo trì đường bộ hiện nay được giao cho những cơ quan nào? Khi xảy ra tai nạn do đường hư hỏng vì chậm sửa chữa thì đơn vị nào phải chịu trách nhiệm?

- Đúng là theo quy định của Luật giao thông đường bộ hay Luật hình sự, khi để xảy ra hư hỏng mà không kịp thời sửa chữa thì bị xem xét về trách nhiệm. Hiện nay TCĐB thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đường bộ theo sự phân công phân cấp của Bộ GTVT và Chính phủ. Với các tuyến đường do TCĐB quản lý, ngoài nhiệm vụ quản lý nhà nước còn thực hiện chỉ đạo, điều hành các cục quản lý đường bộ và các sở GTVT trong thực hiện quản lý, duy tu đường bộ. Còn trách nhiệm trực tiếp quản lý đường được giao cho các cục quản lý đường bộ và sở GTVT.

Để đường xảy ra "ổ gà" nguy hiểm, trước nhất là trách nhiệm của đơn vị trúng thầu duy tu, sửa đường. Thứ hai là trách nhiệm kiểm tra giám sát với vai trò tương tự chủ đầu tư là cục quản lý đường bộ và sở GTVT (với đường địa phương hoặc quốc lộ được ủy thác quản lý) và TCĐB.

Với đường mới thi công, đang trong quá trình bảo hành thì Nhà nước chỉ chi tiền bảo trì cho việc quản lý, quét đường, khơi cống rãnh. Còn nếu hư hỏng mặt đường thì trách nhiệm của nhà thầu thi công và chủ đầu tư con đường. Đơn vị duy tu bảo dưỡng có trách nhiệm khi phát hiện hư hỏng phải thông báo cho chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu sửa chữa theo bảo hành.

Còn với đường BOT, cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm kiểm tra giám sát theo hợp đồng BOT, đôn đốc, nhắc nhở hướng dẫn theo quy định của pháp luật. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về sửa chữa đường bằng nguồn tiền của họ (không sử dụng quỹ bảo trì đường bộ) trong thời hạn hợp đồng BOT vì họ là chủ sở hữu và khai thác con đường trong thời gian đó. Khi có hư hỏng, nhà đầu tư BOT có trách nhiệm sửa chữa. Nếu không sửa thì sẽ bị xem xét dừng thu phí.

* Người dân quan tâm nếu xảy ra tai nạn, họ khiếu kiện đơn vị quản lý, sửa chữa đường thì trách nhiệm cụ thể của những đơn vị liên quan thế nào?

- Nếu xảy ra tai nạn có nguyên nhân từ quản lý khai thác để đường hư hỏng thì tùy theo mức độ, tình tiết để xử lý. Khi vụ kiện xảy ra thì người ta xem xét nhiều đơn vị như: đơn vị duy tu bảo dưỡng làm hết trách nhiệm chưa? Anh ký hợp đồng trọn gói bảo dưỡng mặt đường, tiền lãnh đủ mà để xảy ra thì đương nhiên anh chịu trách nhiệm. Trách nhiệm giảm trừ tùy theo yếu tố cấu thành. Ví dụ đoạn đường đó hỏng rất lâu rồi mà người ta đã đưa vào kế hoạch sửa chữa nhưng chưa kịp vì thiếu vốn hoặc nhà thầu, cơ quan quản lý đường bộ đã cắm biển cảnh báo thì sẽ được giảm bớt trách nhiệm.

Đường ổ gà nguy hiểm, ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 2.

Nguồn:Tổng cục Đường bộ - Đồ họa: V.CƯỜNG

Cầu yếu không cảnh báo sẽ bị liên đới

* Do thiếu vốn chưa bảo trì kịp mà để xảy ra tai nạn thì cục quản lý đường bộ hay TCĐB, Bộ GTVT đối diện trách nhiệm với vụ kiện từ người gặp nạn?

- Nếu xảy ra việc đó, đương nhiên phải giải trình và xem xét trách nhiệm theo mức độ. Nếu cầu yếu đã phát hiện nguy cơ, không cảnh báo giảm tải trọng xe từ 40 tấn xuống 20 tấn, để xe chở 40 tấn đi qua gây sập cầu thì anh bị liên đới. Nếu đã cảnh báo giảm tải trọng cụ thể rồi mà xe cố tình đi vào gây tai nạn thì lái xe chịu trách nhiệm.

Với đường đã hỏng mà thiếu tiền bảo trì thì phải xem xét thực hiện việc giảm tốc độ xe, cảnh báo để người tham gia giao thông biết. Nếu không thực hiện như vậy thì anh chưa làm hết trách nhiệm trong quá trình duy tu sửa chữa và phải bị xử lý.

Để giảm thiểu những hư hỏng có thể dẫn đến tai nạn, trước những đợt cao điểm vận tải như tết hoặc trước mùa mưa lũ, TCĐB luôn có văn bản gửi tất cả đơn vị quản lý, sửa chữa tăng cường kiểm tra rà soát, nếu phát hiện bất thường phải sửa chữa. Bộ GTVT cũng cho phép sửa chữa đột xuất vì những trường hợp hư hỏng lớn nằm ngoài phạm vi định mức của đơn vị duy tu để đảm bảo an toàn.

Đường ổ gà nguy hiểm, ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 3.

Vá quốc lộ 1 đoạn qua xã An Hòa (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) sáng 10-1 - Ảnh: DUY THANH

* Nguồn vốn bảo trì đường bộ luôn thiếu, trong khi người dân ngày càng hiểu biết pháp luật hơn nên có thể dẫn tới nhiều vụ kiện cơ quan quản lý đường. Việc này có gây áp lực cho TCĐB?

- Có chứ. Người dân càng hiểu biết pháp luật là điều đáng mừng trong quá trình phát triển của đất nước. Những năm gần đây, Chính phủ, Quốc hội vẫn quan tâm việc bảo trì đường, hằng năm cho tăng vốn bảo trì và lượng xe đăng ký mới cũng tăng thì quỹ bảo trì đường bộ thu từ đầu xe tăng lên. 

Bên cạnh đó, thay vì bảo trì dàn trải trong lúc thiếu vốn, những năm gần đây Bộ GTVT đã thực hiện không chia đều vốn bảo trì, mà lựa chọn những đoạn cấp thiết để làm trước, ưu tiên cấp vốn cho những chỗ hư hỏng đột xuất không lường hết được trong kế hoạch bảo trì. Còn nếu có nhiều tiền thì những chỗ quá hạn đại tu sẽ làm rất bài bản, quy mô lớn để bền vững, rất lâu mới phải bảo trì.

Hơn 15.000km quá hạn trung, đại tu do thiếu tiền

Theo TCĐB, hiện nay có 21.416km quốc lộ đang được bảo dưỡng thường xuyên từ vốn của Quỹ bảo trì đường bộ (riêng 2.183km đường BOT do các nhà đầu tư BOT thực hiện bảo trì, sửa chữa bằng tiền thu phí).

Tuy nhiên, do nguồn vốn khó khăn nên hiện có 10.773km quốc lộ quá hạn trung tu, 5.123km đã quá thời hạn đại tu (quá 12 năm chưa sửa chữa mặt đường bêtông nhựa), có trên 400 cầu yếu, hẹp trên quốc lộ cần nâng cấp.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM):

Chính quyền không thể vô can

Khi đường không đảm bảo lưu thông theo quy định của pháp luật dẫn đến người tham gia giao thông tử vong thì các đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm.

Khung hình phạt cao nhất đối với hành vi này là 3 năm tù giam, phạt tiền tối đa đến 50 triệu đồng và cấm hành nghề cao nhất đến 5 năm theo điều 281 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ngoài ra, người dân bị tai nạn, bị thiệt hại do đường hư hỏng có thể khởi kiện ban quản lý, chủ đầu tư... ra tòa đòi bồi thường thiệt hại chi phí sửa chữa xe, bồi thường thiệt hại về sức khỏe, thương tật.

Không chỉ vậy, chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm khi để các con đường hư hỏng. Trường hợp phát hiện đường hư hỏng, chính quyền địa phương cần vào cuộc, kiến nghị đến các đơn vị liên quan buộc phải thực hiện các quy định của pháp luật, tránh xảy ra tai nạn.

Nếu tình trạng này kéo dài mà chính quyền vẫn không vào cuộc, cũng như không cảnh báo hoặc chế tài đối với nhà đầu tư, chủ dự án khi đường đi qua địa bàn mình quản lý thì cũng phải chịu trách nhiệm về trường hợp gây chết người này.

Luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM):

Người dân phải tự đi kiện

Nếu việc không thực hiện duy tu, bảo dưỡng đường của người có trách nhiệm quản lý là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả chết người thì ngoài trách nhiệm dân sự còn phải chịu trách nhiệm hình sự tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông.

Hiện nay, chính quyền không thể đại diện cho người dân để khởi kiện các đơn vị này, mà việc này phải do chính người dân thực hiện, bởi chính người dân là người bị thiệt hại nên chỉ có họ mới có quyền đứng ra khởi kiện.

TUYẾT MAI ghi

TUẤN PHÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên