02/06/2007 01:07 GMT+7

Đường lên "Nữ Nhi Quốc" - Kỳ cuối: Những ước mơ vượt núi

BINH NGUYÊN
BINH NGUYÊN

TT - Dòng họ nữ vương A Vân Sơn đã trở về xây biệt thự bên hồ Lugu với giấc mơ tìm lại thời vàng son. Một dự án tái hiện “Nữ nhi quốc” với ước mơ biến nơi này thành “ngôi làng hái ra tiền” và những chàng trai, cô gái Moso cũng nhiều ấp ủ những ước mơ vượt núi ra với thế giới bên ngoài.

TfoHjADX.jpgPhóng to
Tiểu Trần (phải) và Gesen Zouma - một thế hệ mới của người Moso với khát khao hội nhập bên ngoài - Ảnh: B.N.
TT - Dòng họ nữ vương A Vân Sơn đã trở về xây biệt thự bên hồ Lugu với giấc mơ tìm lại thời vàng son. Một dự án tái hiện “Nữ nhi quốc” với ước mơ biến nơi này thành “ngôi làng hái ra tiền” và những chàng trai, cô gái Moso cũng nhiều ấp ủ những ước mơ vượt núi ra với thế giới bên ngoài.

Kỳ 1: Truyền thuyết Moso Kỳ 2: Những cuộc tình nửa đêm Kỳ 3: Phận đàn ông trong “vương quốc đàn bà”Xem phóng sự về thành phố cổ Lệ Giang

Mãnh lực đồng tiền

3c83nRL8.jpgPhóng to
Điện thoại di động ở “Nữ nhi quốc”: với làn sóng du lịch và công nghệ, thiếu nữ Moso luôn khát khao một cuộc sống hiện đại với những tiện nghi - Ảnh: B.N.

Chúng tôi thật không tin ở tai mình khi nghe Thaxi Zouma nói cái khối màu vàng nghệ căng tròn treo ở gian bếp trong nhà cô chính là một chú heo được ướp muối đã 35 năm rồi, đó là thực phẩm truyền thống của người Moso.

Ngay cả chiếc ghế “bọc da” chúng tôi ngồi cũng là một chú heo đã chết trước đó hàng chục năm. Một chủ nhà hàng ở Lệ Giang cho biết một chú heo ướp muối - thực phẩm truyền thống của người Moso - được lưu giữ từng ấy năm là vô giá, vì ông cũng có một chú heo ướp muối gần chục năm, có người đã trả vài chục ngàn USD mà ông chưa muốn bán bởi đó là “kỷ vật” mang dấu ấn xã hội loài người thời nguyên thủy còn tồn tại đến ngày nay.

Nhiều người Moso trẻ tuổi ở Lạc Thủy Thôn rất ngần ngại, kiệm lời khi chúng tôi muốn tìm hiểu sâu về đời sống thường ngày của họ. Tiểu Trần nói: “Chúng tôi còn lạc hậu lắm so với xã hội bên ngoài”.

Hà sư phụ, người lái xe kỳ cựu đã đưa chúng tôi vượt 18 con đèo lên đây, cứ luôn nhắc đến sự kiện ông đã từng đưa Yang Er Che Ma Nu - người tự nhận là cháu gái của nữ vương A Vân Sơn - từ nước Mỹ xa xôi về thăm Lugu phủ.

Yang Er Che Ma Nu khá nổi tiếng không chỉ vì trở về và xây dựng biệt thự bên hồ Lugu theo dáng dấp cung điện của nữ vương ngày xưa, mà bà còn làm xôn xao dư luận khi viết hai tập hồi ký Đi khỏi nữ vương quốcTrở về nữ nhi quốc kể về phong tục tập quán của người Moso. Một vương quốc đàn bà cổ xưa, những phong tục tập quán đặc biệt của người Moso được bên ngoài ngày càng biết tới đã kéo theo những bước chân khám phá, hiếu kỳ tìm đường đến cao nguyên Minh Châu ngày một nhiều hơn.

Trưởng thôn Ta Shi Pô Che rất hào hứng khi nói đến dự án du lịch mà chính quyền đang triển khai ở Lạc Thủy Thôn: “Những con đường bêtông sẽ nối liền các thôn xóm, những khách sạn to lớn sẽ được mọc lên và hàng loạt dịch vụ do chính người Moso đảm trách sẽ phục vụ du khách chu đáo hơn, đời sống người Moso sẽ sớm đi lên”.

Ta Shi Pô Che còn cho biết chính quyền đã cho người Moso vay tiền không lấy lãi để kinh doanh du lịch, do đó đã có một số người giàu lên, không cần làm nương, đi săn thú nữa. Pô Che cũng mong chính quyền sớm đầu tư cho con đường đèo dài 270km từ Lệ Giang lên đây vốn còn quá gập ghềnh và thường xuyên bị tắc đường do lở núi.

Không phải chờ đến bây giờ chính quyền mới nghĩ ra việc khai thác du lịch trong cộng đồng người Moso. Năm 1996, chính quyền không cần thông qua cộng đồng Moso mà đã nhanh chóng triển khai nhiều dự án nhà hàng, khách sạn ở Lạc Thủy Thôn, vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân.

Kết quả là chính quyền tỉnh Vân Nam phải đứng ra điều đình và thu hẹp qui mô đầu tư và cho ra đời “Sơn trang Moso” với đầy đủ các dịch vụ hiện đại như tiệm nhảy, karaoke, nhà hàng, khách sạn. Nhưng với một “vương quốc đàn bà” có nhiều huyền thoại có thể hái ra tiền nên những ý tưởng kinh doanh vốn có của người Trung Hoa làm sao có thể đơn giản là một sơn trang?

Hiện nay một siêu dự án tái lập “Nữ nhi quốc” đã được triển khai với tham vọng biến vùng đất này trở lại như xưa với những “màn kịch” tái hiện những luật lệ riêng của thời xưa như: đàn ông có thể bị phạt đòn khi làm trái ý phụ nữ, đàn bà được quyền định đoạt mọi chuyện... Người ta sẽ phải trả tiền trong một chuyến du lịch vào Nữ nhi quốc. Một Vĩnh Ninh Hương - vùng đất an lành vĩnh cửu, cái hồn của cộng đồng Moso, sẽ trở thành một đại sân khấu mà người Moso là những diễn viên. Không biết đó sẽ là màn bi hay hài kịch”.

Vượt đèo

S7kw0qb4.jpgPhóng to
Cuộc sống bên trong của cộng đồng Moso hôm nay đã có quá nhiều đổi thay: đã có điện, cho dù nhà nào cũng duy trì bếp lửa trong mẫu thất; đã có đường, dù những đàn ngựa, trâu bò vẫn theo chủ mà lần lối tắt lên rừng. Giữa thôn xuất hiện một khách sạn ba sao mang tên Nữ Nhi Quốc rất tân kỳ và hoành tráng.

Sau đêm Giáp tha vũ, các đôi trai gái nhanh chóng biến vào màn đêm, chúng tôi thắc mắc vì sao trên tay những chàng trai Moso lại không có một miếng thịt heo khô để làm im tiếng những chú chó khi nửa đêm trèo vào hoa lầu như trong giai thoại, Tiểu Trần cười rất to: “Đó là chuyện ngày xưa, bây giờ cần gì họ đều gọi điện thoại di động cho nhau!”.

Ngày ngày, từng đoàn xe chở du khách hiếu kỳ từ khắp nơi vượt đèo đổ bộ vào Lạc Thủy Thôn để chen chân vào đêm Giáp tha vũ. Họ cố tìm cảm giác “tẩu hôn” giả tạo với những “tiểu thư” đến từ miền xuôi trong những nhà hàng treo đèn lồng màu đỏ với giá 500 nhân dân tệ.

Chỉ vừa mới sơ giao, nhưng Tiểu Trần và Gesen Zouma - chị họ của Thaxi Zouma - đã trở nên thân thiết quá. Chúng tôi cũng cam đoan đêm nay hai người sẽ phải “tẩu hôn”. Nhưng thật oan cho Tiểu Trần và Gesen. Họ là số ít thanh niên Moso được học hành đến nơi đến chốn, đều tốt nghiệp trung học ở thành phố Lệ Giang, họ thân mật chỉ vì đều có cùng sở thích và một ước mơ cho tương lai.

Tiểu Trần nói: “Trước đây, khi người bạn gái “tẩu hôn” chia tay vì tôi thường xuyên đi về Lệ Giang để đón khách du lịch, tôi cũng không ân hận gì nhiều, tôi muốn vượt khỏi những con đèo cao ngất để ra với thế giới bên ngoài. Cuộc sống ở đây còn quá lạc hậu, ra ngoài sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, thích nghi với giới trẻ hơn để tìm đường tiến thân”.

Tiểu Trần ước mơ sẽ trở thành một người hướng dẫn du lịch chuyên nghiệp để giới thiệu văn hóa bộ tộc Moso với thế giới bên ngoài. Với Gesen Zouma, thật khó nhận ra cô trong trang phục truyền thống Moso ở nhà và khi cô mặc quần jean, áo phông dạo phố ở Lạc Thủy Thôn.

Cô vừa tốt nghiệp trung học ở Lệ Giang và trở về nhà chỉ mới vài ngày, vẫn thích mặc âu phục khi ra đường. Cô nói: “Có quá nhiều điều khác lạ khi tôi ra thành phố học, giới trẻ bây giờ cần tự do hơn trong vấn đề tình yêu và hôn nhân. Tôi không thích tập quán “tẩu hôn” và vẫn chưa nghĩ đến “tẩu hôn”, vì trước mắt tôi vẫn là một dự định sẽ trở thành một nhà kinh doanh du lịch giỏi”.

Trong những ngày sống trong cộng đồng Moso, chúng tôi đã nhận ra những ước mơ ngược chiều nhau, đi và đến với “Nữ nhi quốc” thâm sơn cùng cốc này. Ngày rời bước khỏi hồ Lugu, chúng tôi không bị ràng buộc bởi những tập tục cổ xưa, không có một hình bóng mỹ nhân chờ đợi ở hoa lầu lúc nửa đêm.

Thôi thì cứ để giai điệu Giáp tha vũ vang xa như truyền thuyết với những ước mơ, cứ để bước chân Đường tăng dùng dằng khó rời bước khỏi “Tây Lương Nữ Quốc” mãi lung linh như huyền thoại của người Moso...

BINH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên