29/09/2020 19:06 GMT+7

Đường dây 500 kV đầu tiên do tư nhân đầu tư đóng điện thành công

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Lúc 16h ngày 29-9, Công ty CP đầu tư và xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đã đóng điện thành công trạm biến áp và đường dây 220 kV, 500 kV tại tỉnh Ninh Thuận. Đây là đường dây truyền tải điện 500 kV đầu tiên do tư nhân đầu tư, xây dựng.

Đường dây 500 kV đầu tiên do tư nhân đầu tư đóng điện thành công - Ảnh 1.

Đường dây truyền tải 500 kV do tư nhân đầu tư, xây dựng đã hoàn thành công tác đóng điện - Ảnh: TRUNG NAM

Đây là các hạng mục thuộc dự án Trạm biến áp và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW. Trạm biến áp có 2 máy biến áp 500 kV/900 MVA do SIEMENS thiết kế và sản xuất, công suất tổng 1.800 MVA, đủ khả năng cung ứng điện cho 2 tỉnh, thành. 

Đường dây truyền tải 500 kV, 220 kV dài hơn 17 km kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Trong đó, riêng đường dây truyền tải 500 kV có chiều dài 15,5 km với địa hình thi công hiểm trở, vượt núi để đấu nối vào trạm 500 kV tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân.

Dự án Trạm biến áp và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW có tổng vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng. Ngoài việc khai thác hơn 1 tỉ kWh từ nguồn năng lượng tái tạo, dự án sẽ góp phần quan trọng khi giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và duyên hải Nam Trung bộ.

Theo Trungnam Group, việc hoàn thành trạm biến áp, đường dây truyền tải này có ý nghĩa quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận. Dự án này cũng giúp tránh tình trạng giảm phát gây thiệt hại cho các nhà máy, giải quyết tình trạng thiếu điện nhưng năng lượng tái tạo lại giảm phát.

Đường dây 500 kV đầu tiên do tư nhân đầu tư đóng điện thành công - Ảnh 2.

Các công nhân gấp rút thi công đường truyền tải 500 kV trên địa hình hiểm trở - Ảnh: TRUNG NAM

Dự án này cũng góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 115 của Chính phủ đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia, và Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, tư nhân tham gia phát triển nguồn, xây dựng hạ tầng truyền tải.

Dự án được khởi công vào giữa tháng 5-2020, đến nay ngoài trạm biến áp và đường truyền tải đã hoàn tất, hạng mục nhà máy điện mặt trời công suất 450 MW cũng đã hoàn thành lắp đặt cũng như hoàn thiện các thử nghiệm kỹ thuật.

Theo quyết định số 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1-1-2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW sẽ được ngành điện mua điện năng với giá 2,086 đồng/kWh (tương đương 9,35 cent/kWh). Mức giá ưu đãi này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Quy định mới khi lắp điện mặt trời mái nhà Quy định mới khi lắp điện mặt trời mái nhà

TTO - Theo văn bản của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC), lắp điện mặt trời áp mái không phải thiết kế PCCC, nhưng doanh nghiệp tính toán nếu theo các hướng dẫn của cục này thì chi phí sẽ tăng không ít.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên