Hai bà mẹ trong phim tài liệu Đường về - Ảnh cắt từ phim
Tìm mộ liệt sĩ, sai sót trong xác định thông tin, gia đình nhận nhầm, chậm trễ thông báo... những chuyện không có gì lạ trong cuộc sống hậu chiến ở Việt Nam suốt mấy mươi năm qua lại bỗng xuất hiện một lần nữa thật lạ lẫm.
Ngôi mộ của liệt sĩ Đinh Duy Tuân tại An Giang được gia đình liệt sĩ Bùi Thanh Tuân đưa về quê Ninh Bình khi tìm thấy nơi sinh trùng huyện, trùng tỉnh, trùng ngày nhập ngũ, trùng năm hi sinh.
Phát hiện mất mộ con, mẹ già này đi tìm. Nghe tin có người đến xin nhận mộ con, mẹ già kia giật mình rơi nước mắt...
Thực hiện theo phong cách hiện thực không một lời bình, mọi việc cứ tuần tự diễn ra trước mắt khán giả. Theo dõi cảnh hai người mẹ gặp nhau, than thở, bàn soạn, cắm hoa cúng, gieo âm dương nói chuyện với con trai, ai cũng hồi hộp, không ít phút chùng lòng.
Câu chuyện vẫn tiếp diễn. Những nhát búa đập mộ con như phang vào tim mẹ. Thanh cưa cứa vào khúc xương con như cứa vào thịt xương mẹ. Đau choáng váng tâm can, đau ứa nước mắt nhưng mẹ vẫn phải nén tâm, vẫn phải chứng kiến những việc phải làm.
Khoảnh khắc ấy, câu hỏi "Con ở đâu?" vốn khắc khoải đêm ngày hẳn đã có lúc chao nghiêng trong lòng mẹ.
Máy quay cận cảnh bốc mộ thử thách nhịp tim người xem đến tàn nhẫn nhưng lại có cái kết mở như một bài thơ. Nén tâm, nuốt nước mắt rồi nhưng việc vẫn không xong được, vậy thì lòng mẹ lại một lần nữa mở ra để có một giải pháp: cùng nhận con chung, cùng thờ cúng một phần mộ.
Con Bùi Thanh Tuân đã có vợ, mẹ cúng hoa cúc vàng. Con Đinh Duy Tuân chưa vợ, mẹ cắm hoa cúc trắng. Mẹ nào cũng là mẹ. Con nào cũng là con. Xương thịt nào cũng là người. Liệt sĩ nào cũng hi sinh vì dân, vì nước...
Hiện thực là vậy, lúc quá trần trụi, lúc lại long lanh. Nhìn hai bà mẹ lưng còng tóc bạc nắm tay nhau bước thập thõm trên con đường làng ướt mưa dẫn vào khu mộ, thật không dám nghĩ đến một cái kết nào có hậu hơn. Cảm ơn cuộc đời thật đã đẹp như cổ tích.
Nếu có thể xác định ADN, nếu người dưới mộ là họ Bùi hay họ Đinh, thì người mẹ còn lại sẽ hụt hẫng, trống trải đến chừng nào? Hoặc nếu không phải cả hai?...
Gia đình tôi cũng có hai người bác là liệt sĩ. Sau nhiều năm đi tìm, gia đình đã tìm thấy ở một nghĩa trang liệt sĩ có hai ngôi mộ mang cùng một tên. Vậy thì sao? Thì cúng cả hai ngôi mộ. Lại nhiều năm nữa trôi qua, gia đình có nhu cầu bốc mộ về quê.
Phải làm sao? Nhờ ngoại cảm xác định được một, thử cả ADN đã đúng, đưa được hài cốt em trai về quê rồi, nhưng bác cả tôi vẫn không thể an tâm về ngôi mộ còn lại. Ông quay trở lại để xin đưa nốt về... Một người còn lại vẫn chưa thể tìm thấy.
Trên đất nước này còn biết bao nhiêu bia mộ liệt sĩ ghi tên "vô danh", còn biết bao nhiêu người con tuổi hai mươi đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất, lòng sông, lòng biển. Họ lặng lẽ nào có đòi hỏi gì.
Nhang khói, hương hoa là người sống thắp lên dành cho nhu cầu tâm linh của chính mình. Chỉ có chiến tranh, hi sinh, mất mát, thương nhớ là thật. Những tuổi hai mươi đã ngã xuống mang theo Tổ quốc trong tim là thật. Cuộc đời hôm nay là thật...
Và cuộc đời mà chúng ta đang sống này có xứng với mơ ước của những người đã nằm xuống hay không là thật...
...Tuần nhang mẹ thắp đêm rằm
Nỗi đau lằn vết tháng năm đợi chờ
Trong lòng đất nắm xương khô
Trong lòng mẹ một nấm mồ còn xanh...
(Trích bài thơ Bia vẫn trắng của Bùi Kim Anh)
Phản ánh trung thực và không né tránh
Sau khi Đường về được phát sóng tối 24-7 trong chương trình VTV đặc biệt, có một số ý kiến trái chiều về bộ phim. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho biết:
"Trước khi làm bộ phim này, tôi đã trao đổi với hai gia đình và đã nhận được sự đồng ý của cả hai bà mẹ. Cả hai gia đình muốn thông qua câu chuyện của mình chia sẻ kinh nghiệm cũng như chia sẻ nỗi đau với các gia đình đang tìm mộ liệt sĩ khác.
Ngay sau khi phim phát sóng, rất nhiều gia đình đã gọi điện tới Cục Người có công, Trung tâm Tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ để chia sẻ sự xúc động cũng như đồng cảm với hai gia đình.
Có một số khán giả cho rằng việc đào mộ, lấy mẫu xương để xét nghiệm ADN là nhẫn tâm với hai bà mẹ. Nhưng tâm lý của gia đình nào đi tìm mộ liệt sĩ cũng vậy thôi. Nếu biết có nhầm lẫn sai sót, ai cũng mong tìm ra sự thật để tìm hài cốt của thân nhân mình về thờ cúng.
Tôi đã chọn phong cách phim tài liệu trực tiếp, phản ánh trung thực câu chuyện và không hề né tránh. Thông qua câu chuyện của hai gia đình, rất mong những cơ quan hữu trách như cơ quan lưu trữ thông tin liệt sĩ, những người ký duyệt cho di chuyển hài cốt liệt sĩ cần phải làm việc có trách nhiệm hơn, để không gây ra những nỗi đau tương tự.
NGỌC DIỆP ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận