Bà Hà Thị Xuân - mẹ liệt sĩ Bùi Thanh Tuân - khóc nhớ con - Ảnh: ĐPCC
Đoạn trường hai người mẹ đi tìm hài cốt của con được bộ phim tài liệu Đường về kể lại trong chương trình VTV đặc biệt phát sóng tối 24-7 trên kênh VTV1, với những gian nan khó có thể tưởng tượng hết.
Đoạn trường tìm mộ liệt sĩ
Một bà mẹ quê ở Ninh Bình đã an táng con trai ở nghĩa trang Dốc Bà Đắc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang vào năm 2002. Đến tháng 6-2018, khi gia đình bà tới thăm mộ con thì hay tin một gia đình khác chuyển mộ con của bà về Ninh Bình cách đây 8 năm.
Hai bà mẹ ngoài 80 tuổi gần đất xa trời rơi vào hoàn cảnh vô cùng trớ trêu. Không ai trong hai bà biết người nằm dưới nấm mộ kia có phải con trai của mình hay không.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho biết khi tìm hiểu về công tác tìm hài cốt liệt sĩ, anh đã có cơ duyên gặp hai người mẹ này. Câu chuyện của hai bà mẹ khiến anh đặc biệt chú ý và đã dành một năm theo đuổi hành trình đi tìm con của họ.
Hai liệt sĩ trùng tên, nhập ngũ cùng một ngày, một năm và do công tác lưu trữ hồ sơ thông tin về liệt sĩ của các phòng, ban quản lý có những nhầm lẫn về họ, tên đệm, ngày tháng hi sinh đã dẫn đến sự nhầm lẫn nghiêm trọng này.
Điều trớ trêu là dù ngày nay có công nghệ xét nghiệm ADN hỗ trợ nhưng khi thời gian trôi đi 40 - 60 năm, những bộ hài cốt liệt sĩ do chịu tác động của thời tiết và con người đã bị suy giảm chất lượng, rất khó giám định.
Kết quả mà hai người mẹ nhận về đẩy họ vào tình huống khó xử. Trong tình cảnh đó, họ đã có những ứng xử khiến chính những người làm phim đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.
Bà Lưu Thị Hinh - mẹ liệt sĩ Đinh Duy Tuân - trong phim Đường về - Ảnh: ĐPCC
Hàng ngàn mẩu xương lưu vong
Càng đi sâu tìm hiểu, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư mới biết một thực tế: có đến 80% các bộ hài cốt sau 50-60 năm trôi qua đã không còn đủ chất lượng để xét nghiệm.
Trong chuyến theo đoàn khai quật 53 ngôi mộ ở Quảng Trị, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chứng kiến chỉ có 3 ngôi mộ có mẩu xương hài cốt còn đủ chất lượng để giám định.
"Do thời tiết, do quá trình quy hoạch lại đất đai, quá trình di chuyển mộ đã làm suy giảm chất lượng xương, cũng như việc lưu trữ hồ sơ thông tin từ các bộ ban ngành tới các gia đình liệt sĩ chưa khớp nối với nhau đã gây ra những nhầm lẫn" - đạo diễn Tạ Quỳnh Tư nói.
Hai người mẹ ngồi bên ngôi mộ và không biết người nằm dưới kia có phải con của mình hay không - Ảnh: NVCC
Nhiều gia đình tới nhận mộ, sau khi xét nghiệm không cho ra kết quả cụ thể, hoặc có kết quả nhưng không phải người thân đã quyết định để lại mẩu xương, thay vì trả lại chính ngôi mộ họ lấy mẫu. Hiện chùa Phật Tích (Bắc Ninh) đang lưu giữ gần 5.000 mẩu xương bị để lại như thế.
Theo đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, nhiều gia đình để lại mẩu xương có thể vì thất vọng, hoặc vì không có tiền để quay lại nghĩa trang.
"Người ta thường phải khai quật mộ để lấy mẫu răng hoặc tìm đốt xương ống chân, cưa vào đoạn giữa 5cm để làm xét nghiệm. Có gia đình lấy mẫu ba lần để xét nghiệm mà không thành công, điều đó đồng nghĩa phải đào lên lấp xuống nhiều lần. Việc này khiến cả người sống và người chết vô cùng đau lòng", đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ.
Tạ Quỳnh Tư là đạo diễn theo đuổi phong cách tài liệu trực tiếp. Những bộ phim tài liệu gây chú ý của anh như Hai đứa trẻ, Miền đất hứa, Chông chênh… đều là những bộ phim xúc động về thân phận con người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận