19/01/2009 05:24 GMT+7

Đường còn lồi lõm

N.ẨN - Q.KHẢI - C.QUỐC
N.ẨN - Q.KHẢI - C.QUỐC

TT - Theo yêu cầu của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, từ ngày 18-1 tất cả công trình đào đường phải tạm ngưng thi công và hoàn trả mặt bằng. Tuy nhiên, trên thực tế chuyện tái lập mặt bằng ở nhiều tuyến đường vẫn còn dở dang.

40lAENNo.jpgPhóng to

“Lô cốt” trên đường Đặng Nguyên Cẩn được tháo dỡ để lại nước ngập và ổ gà - Ảnh: Q.KHẢI

Trưa 18-1, xe cộ qua đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) đoạn từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Trần Quốc Thảo chỉ còn nửa phần đường để đi. Vì sau khi các “lô cốt” ở đoạn này được tháo dỡ, phui đào (phần đường bị đào) vẫn còn ngổn ngang cát đá và chênh khoảng 5-10cm so với mặt đường. Đoạn trước Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu dài hàng chục mét nhưng vẫn chưa được tái lập bằng phẳng, trở thành nơi đậu xe cho các ôtô vì đây là nơi xe máy không dám chạy. Từ siêu thị này đến đường Trần Quốc Thảo khoảng 100m nhưng có đến năm khu vực đang trong tình trạng như vậy, mỗi khu vực kéo dài vài mét.

Đường đầy ổ gà

Các “lô cốt” trên đường Đặng Nguyên Cẩn, P.14, Q.6 cũng đã tháo dỡ, mặt đường được trải nhựa nhưng việc tái lập sơ sài gây nhiều khó khăn cho các phương tiện đi lại. Một đoạn đường dài khoảng 50m gần cầu Tre lồi lõm và nước đọng, có những chỗ mặt đường vừa tái lập đã bong hết lớp nhựa tạo thành những ổ gà trên đường. Nhiều người dân trên tuyến đường này bức xúc vì “đã chịu đựng nhiều tháng trời, phải đóng cửa ngưng kinh doanh nhưng khi công trình tháo dỡ xong việc đi lại vẫn còn khó khăn”.

Bà Lợi Thị Yến Thanh, một người dân ở đây, than thở: “Lô cốt được tháo dỡ, người dân chưa kịp mừng thì lại chịu ngập”. Theo người dân, mỗi buổi sáng khi có triều cường, nước từ các miệng hố ga tràn ra đường gây ngập khoảng 20cm, rất hôi. Nước cống còn trào ngược trong nhà một số hộ dân. Trước khi công trình thi công không xảy ra tình trạng này. Nhiều người dân trên tuyến đường này cũng cho biết đơn vị thi công chưa khắc phục sự cố lún nứt nhà do thi công gây ra.

Trong khi đó một cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công gói thầu 11B2 (dự án vệ sinh môi trường TP, khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) trên đường Nguyễn Thông, Q.3 cho biết do công việc quá nhiều, một số công nhân lại xin về quê sớm nên khoảng 25 công nhân còn lại chia nhau làm ba ca mới có thể tái lập xong mặt đường trước ngày 19-1. Tại hiện trường, những tấm tôn rào đã được tháo ra lộ lằn phui đào thấp hơn mặt đường khoảng 10cm, lổn ngổn đá xanh. Công trình trên tuyến đường này dài khoảng 150m nhưng đã xin phép cho giữ lại hơn 20m “lô cốt” để tập kết vật tư.

Nhiều điểm thi công trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Lê Quang Định, Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã được tái lập từ vài ngày đến nửa tháng nhưng mặt đường vẫn lồi lõm.

Tháo dỡ phân nửa “lô cốt”

Theo quy định của Sở GTVT, đến ngày 18-1 các đơn vị thi công phải tạm ngưng đào đường, riêng các đơn vị tháo dỡ 116 “lô cốt” sẽ tái lập mặt đường (trong tổng số khoảng 230 “lô cốt” trên toàn TP). Thanh tra Sở GTVT cho biết đến chiều 16-1 đã có hơn 76 “lô cốt” được tháo dỡ và dự kiến khoảng 40 “lô cốt” còn lại tháo dỡ trước ngày 18-1.

Tuy nhiên, Ban quản lý dự án cải thiện môi trường nước đã đề nghị gia hạn vài ngày nữa cho một số “lô cốt” đang thi công hoàn chỉnh hạng mục nên việc tháo dỡ và hoàn trả mặt đường sẽ kéo dài. Theo ông Trần Hồng Nam - phó Thanh tra Sở GTVT, chỉ có một số ít đơn vị xin phép do hoàn thiện công trình mới được gia hạn vài ngày, còn lại đều phải thực hiện xong tháo dỡ “lô cốt” đã đăng ký và tái lập mặt đường.

Cũng theo Thanh tra Sở GTVT TP, các đơn vị thi công đang tập trung tháo dỡ “lô cốt” và tái lập mặt đường. Tuy nhiên, vẫn còn một số gói thầu thực hiện chậm thuộc dự án vệ sinh môi trường TP, dự án cải thiện môi trường nước, dự án nâng cấp đô thị TP.

Ông Trần Hồng Nam cho biết do cuối năm đồng loạt nhiều tuyến đường TP tháo dỡ “lô cốt” và nhu cầu bêtông nhựa tái lập mặt đường tăng cao nên nhà máy sản xuất bêtông nhựa không đáp ứng kịp. Một số nhà thầu đề nghị việc trải nhựa tái lập mặt đường có thể kéo dài thêm vài ngày nữa. Tương tự, bà Phan Hoàng Diệu - giám đốc Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP - cho biết nhiều nhà thầu đã trả ngay tiền mặt mua bêtông nhựa tái lập mặt đường nhưng nhà máy hẹn vài ngày mới cung ứng. Do đó, một số tuyến đường chưa tái lập kịp phải rào tạm bằng dây thay vì bằng tôn.

Với một số khu vực nằm ngoài lằn phui đào đường nhưng hư hỏng, lún sụt thì xử lý ra sao? Thanh tra Sở GTVT cho rằng nếu xác định nguyên nhân do nhà thầu thì nhà thầu bỏ tiền ra sửa chữa. Trường hợp nguyên nhân do người dân lưu thông gây lún sụt thì các khu quản lý giao thông đô thị sẽ sửa chữa. Ông Lê Quyết Thắng - giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - cho biết sau ngày 18-1, cơ quan này sẽ tổng rà soát các tuyến đường, nếu phát hiện đoạn đường nào hư hỏng sẽ cho tái lập ngay.

Mua bán đỡ hơn

GvZCF9oj.jpgPhóng to
Tái lập mặt đường Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM (ảnh chụp lúc 4g15 ngày 18-1) - Ảnh: N.C.T.

Đường Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp đã thông thoáng hơn vì “lô cốt” thuộc dự án vệ sinh môi trường TP.HCM được tháo dỡ, các lằn phui đào đường được trải nhựa bằng phẳng. Người dân kinh doanh hai bên đường mua bán đỡ hơn…

Trên đường Lạc Long Quân, Q.11 (thuộc dự án nâng cấp đô thị TP.HCM), mặc dù đã được tháo dỡ một phần nhưng hiện vẫn còn ba “lô cốt” án ngữ giữa đường. Những đoạn đã tháo dỡ cũng được tái lập nhựa phẳng phiu. Bên trong công trình nhiều công nhân thu dọn vật tư chuyển về một góc công trình, xe lu chạy tới lui trên những phần đào đường chưa tái lập. Một nhân viên tại công trình này nói: “Theo lệnh cấp trên thì việc tái lập phải hoàn tất trong ngày 18-1”.

N.ẨN - Q.KHẢI - C.QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên