02/11/2015 14:12 GMT+7

Đuổi học học sinh xúc phạm cô giáo trên facebook

MỸ NƯƠNG - VÂN TRÚC
MỸ NƯƠNG - VÂN TRÚC

TTO - Tin một học sinh ở Hà Nội bị đuổi học vì xúc phạm giáo viên trên facebook khiến nhiều học sinh bàn luận. Vào giờ chơi sáng 2-11, TTO gặp nhiều nhóm học trò nói về chủ đề này.

Các học sinh nói suy nghĩ về việc dùng facebook. Từ trái sang: Châu Minh Tú, Phạm Cung Thịnh, Đặng Nguyễn Hoài Thương, trường THPT Nguyễn Huệ, TP.HCM - Ảnh: Mỹ Nương

Cách đây không lâu, dư luận đã xôn xao một học sinh lớp 8 ở Tam Kỳ, Quảng Nam đã bị Ban giám hiệu nhà trường kỷ luật buộc thôi học một năm vì nói xấu giáo viên trên mạng xã hội.

Mới đây, trường THPT Lê Lợi, Hà Đông-HN lại vừa kỉ luật đình chỉ, buộc thôi học 10 ngày đối với một nữ sinh đang học lớp 12 vì lỗi xúc phạm giáo viên trên mạng facebook.

Bàn luận chủ đề này, đa phần học sinh bày tỏ Facebook là nơi thể hiện cái tôi nhưng nếu dùng nó để xúc phạm giáo viên là điều không hay.

Dù gì mình cũng là học sinh

“Đôi khi giáo viên không hiểu mình, làm những điều không đúng, em cũng cảm thấy tức giận, khó chịu nhưng việc đăng status lên Facebook để xúc phạm giáo viên thì em không đồng tình. Dù gì mình cũng là học sinh, cách cư xử đó không phù hợp trong môi trường giáo dục” - Phương Uyên (lớp 10D3, trường THPT Gia Định, TP.HCM) nói.

“Việc xúc phạm, có lời lẽ khiếm nhã đến người đã dạy mình thì rất vô đạo đức. Mạng xã hội lan truyền đi rất nhanh, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn không những đến thầy cô mà còn chính tài khoản cá nhân đó. Bạn bè mình có rất nhiều trường hợp cũng đã làm như vậy, có bạn đi chơi cùng thầy cô rồi quay lén clip tung lên mạng. Mình thì không thích những hành vi đó, công khai, minh bạch bao giờ cũng tốt hơn” - Châu Minh Tú (12A1.1, Trường THPT Nguyễn Huệ, TP.HCM) nêu.

“Em không thích kiểu “anh hùng bàn phím”, lên trên mạng nói tùm lum, đặc biệt nói tới thầy cô mình” - Hoàng Giang (Lớp 10D2, THPT Gia Định. TP.HCM) bày tỏ.

Cho rằng mạng xã hội đã quá quen thuộc với mọi người nhưng Duy Phúc (lớp 10C14, THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM) bày tỏ: “Những khi tức ai đem lên facebook nói, thực ra người đọc rất khó chịu. Theo mình nên tôn trọng những người xung quanh”.

Ảnh hưởng cả xã hội

Nhiều học sinh nói trước khi xem xét hình thức kỷ luật đuổi học, nhà trường cần xem xét rõ ràng. Bạn Minh Hảo (lớp 10D2, trường THPT Gia Định) nói: “Tùy vào mức độ xúc phạm mà bạn nói với giáo viên, nói như thế nào thì hãy ra quyết định kỷ luật”.  

Theo bạn Hoàng Giang (lớp 10D2, trường THPT Gia Định) thì việc đình chỉ học 10 ngày là hơi quá. "Nếu nhà trường đình chỉ thôi học 10 ngày thì bạn đó ở nhà thích làm gì cũng được, bạn đó có thể lên nói xấu tiếp giáo viên. Vậy tại sao không kỷ luật, làm bảng kiểm điểm, mời phụ huynh, có biện pháp tốt hơn là đình chỉ học” - Giang nói.

Tuy nhiên, nhiều học sinh cho rằng đuổi học vì xúc phạm giáo viên là hợp lý. Bạn Đặng Nguyễn Hoài Thương (lớp 12D4, THPT Nguyễn Huệ, TP.HCM) nói: “Chỉ có những học sinh thiếu đạo đức, vô lễ thì mới có lời lẽ xúc phạm thầy cô. Với cách hành xử này, đuổi học là hình thức phạt hợp lí, đồng thời để làm gương cho nhiều bạn”.

Cũng vậy, bạn Phạm Cung Thịnh (lớp 11A, Trường THPT Nguyễn Huệ, TP.HCM) cho biết khi các bạn đã có hành vi thiếu tôn trọng đến giáo viên như vậy thì việc bị đuổi học là đúng, không có gì là quá đáng cả.

Nhiều bạn học sinh cho rằng ​“Facebook là thế giới ảo nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến đời sống thật của mỗi cá nhân.

"Nên cân nhắc thật kĩ trước khi đăng tải bất cứ một điều gì lên Facebook” là chia sẻ của bạn Minh Tú (lớp 12A1.1, trường THPT Nguyễn Huệ).

Đồng tình, bạn Hoài Thương (lớp 12D4, THPT Nguyễn Huệ) nói: “Facebook là không gian riêng của cá nhân nhưng khi xảy ra những việc như xúc phạm thầy cô thì lại ảnh hưởng đến cả xã hội, đặc biệt là trong môi trường giáo dục”. 

Học sinh đã xin lỗi nhưng vẫn đuổi học

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện trường THPT Lê Lợi - Hà Nội, cho biết em học sinh lớp 12 này do bức xúc cá nhân đã có lời lẽ thiếu văn hóa nói đến cô giáo chủ nhiệm của mình.

BGH nhà trường đã mời phụ huynh học sinh tới làm việc và yêu cầu em nữ sinh viết giải trình về sự việc. Mặc dù em này đã xin lỗi cô giáo nhưng nhà trường vẫn áp dụng hình thức kỉ luật buộc thôi học theo đúng nội quy của nhà trường.

Việc kỷ luật buộc thôi học đối với học sinh lớp 12 đang cần phải tập trung cho việc học tập chuẩn bị cho kì thi cuối cấp sắp tới khiến phụ huynh học sinh trường này không đồng tình. Đại diện trường Lê Lợi cho rằng trước những tác hại của thế giới ảo lan rộng trong học sinh hiện nay, việc xử lý kỷ luật nghiêm khắc là cần thiết để răn đe, ngăn ngừa việc này tái diễn ở những học sinh khác.

Hiện nay, tuy không có một quy định cụ thể nào của ngành GD-ĐT liên quan tới hành vi ứng xử của học sinh trên facebook nhưng nhiều trường trung học ở Hà Nội đã chủ động đề ra các quy định liên quan tới việc sử dụng mạng xã hội. Trong đó đặc biệt nghiêm cấm học sinh có lời lẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thầy cô giáo  và những người khác trên mạng xã hội

Hình thức kỷ luật gồm các mức: Khiển trách trước lớp và thông báo về gia đình; Cảnh cáo trước toàn trường (ghi học bạ); Buộc thôi học có thời hạn (ghi học bạ) tùy theo mức độ sai phạm của học sinh.

V.HÀ

MỸ NƯƠNG - VÂN TRÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên