22/01/2016 10:13 GMT+7

Được lòng dân mới tập hợp được dân

NHÓM PHÓNG VIÊN thực hiện
NHÓM PHÓNG VIÊN thực hiện

TT - Người lãnh đạo có trí tuệ, bản lĩnh, đứng mũi chịu sào, được lòng dân mới tập hợp được nhân dân tạo thành sức mạnh tổng hợp để có thể chiến thắng bất cứ kẻ thù xâm lược nào và dẫn dắt đất nước tiến nhanh.

Ông Đặng Ngọc Tùng
Ông Đặng Ngọc Tùng

“Tham gia Hiệp định TPP, nền kinh tế VN sẽ tự chủ hơn, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, thị trường được mở rộng hơn... tạo cơ hội cho đất nước phát triển, chứ không phải là chúng ta bị nước lớn nào lôi kéo hay bị phe nhóm nào chi phối

Ông Đặng Ngọc Tùng

Vừa trở về từ lễ khởi công đài tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa, ông Đặng Ngọc Tùng - ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN - dành riêng cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện bày tỏ tâm huyết của mình về Đại hội Đảng. 

* Khai mạc một đại hội mới nghĩa là kết thúc nhiệm kỳ cũ, ông đánh giá như thế nào về nhiệm kỳ này?

- Nhìn lại một nhiệm kỳ, một giai đoạn phát triển của đất nước, tôi có dịp đến nhiều vùng miền khác nhau, gặp những người công nhân, nông dân, quân nhân, ngư dân, trí thức... có thể nhận định rằng đời sống của nhân dân được cải thiện hơn trước, kinh tế đạt tăng trưởng khá và từng bước ổn định.

Nhưng phải thẳng thắn mà nói kinh tế - xã hội của đất nước ta vẫn phát triển chưa hết tiềm năng, dưới mức kỳ vọng của nhân dân, của Đảng.

Nếu so sánh với các nước tiên tiến trên thế giới chúng ta càng thấy sốt ruột vì mình tiến lên một, họ tiến lên một rưỡi, lên hai, cho nên có nhiều ý kiến cảnh báo nếu VN không thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa, cởi trói các cơ chế ràng buộc chúng ta để phát triển nhanh hơn nữa thì nguy cơ ngày càng tụt hậu xa hơn là có thể.

Thực tế ấy đặt ra cho Đại hội XII của Đảng nhiệm vụ nặng nề là phải đưa ra được định hướng đúng đắn, xác định mục tiêu thích hợp và biện pháp hữu hiệu để đưa đất nước phát triển nhanh trong thời gian tới.

* Thưa ông, trong các nội dung cam kết Hiệp định TPP, có vấn đề “tổ chức đại diện người lao động” và tại Hội nghị trung ương 14 vừa rồi cũng đã thảo luận về việc VN tham gia hiệp định này?

- Hiệp định TPP là một hiệp định FTA thế hệ mới có quy định nội dung về lao động, nhưng không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong tuyên bố năm 1998 về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Trên thực tế VN đã và đang thực hiện các quy định của ILO theo kế hoạch chủ động của mình.

* Là người lãnh đạo cao nhất của Tổng liên đoàn Lao động VN, ông có lo ngại không?

- Không, tôi không lo ngại gì vì chính điều đó là động lực thúc đẩy để tổ chức công đoàn hoạt động linh hoạt hơn, năng động hơn, hiệu quả hơn, bảo vệ quyền lợi người lao động tốt hơn.

Về quyền thành lập tổ chức đại diện người lao động, theo Hiệp định TPP và cũng phù hợp với quy định của ILO, VN và tất cả các nước tham gia Hiệp định TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp.

Tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp sau khi thành lập có thể lựa chọn gia nhập Tổng liên đoàn Lao động VN hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sở lao động) để được chính thức hoạt động và sẽ chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo một quy trình minh bạch và được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật.

* Có những ý kiến lo ngại bởi cho rằng khi có “tổ chức đại diện người lao động” thì có thể trở thành những tổ chức chính trị hoặc bị chi phối chính trị?

- Tôi nghĩ rằng các tổ chức của người lao động không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ mục đích và điều lệ hoạt động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

* Khi tiến hành sự nghiệp đổi mới, năm 1986, chúng ta xác định lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm, đồng thời từng bước đổi mới hệ thống chính trị phù hợp. Theo ông, đổi mới chính trị trong thời gian qua có tạo động lực cho đổi mới kinh tế?

- Đảng ta đã tổng kết 30 năm đổi mới giai đoạn 1986 - 2016, qua đó chúng ta có điều kiện đánh giá khách quan, khoa học quá trình đổi mới đất nước, nhất là trong 10 năm gần đây dù phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng suy giảm, song đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, để từ đó rút ra những bài học, tiếp tục bổ sung, phát triển đường lối, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta tiến lên giành những thắng lợi mới.

30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc lịch sử và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Vì vậy, tôi có thể khẳng định đổi mới chính trị trong thời gian qua đã tạo động lực rất lớn cho đổi mới kinh tế. Tuy nhiên, mô hình phát triển của chúng ta chưa có tiền lệ, nên chúng ta phải vừa đi vừa dò đường, tự rút ra bài học kinh nghiệm để phát triển.

* Thưa ông, là một ủy viên trung ương đã hết độ tuổi tái cử, ông nhắn nhủ gì các đại biểu tham dự đại hội?

- Tôi mong muốn tất cả các đại biểu về dự đại hội này mang được tiếng nói của đảng viên và nguyện vọng của nhân dân đến đại hội. Mục đích là để đại hội sáng suốt thông qua được những chủ trương, quyết sách đáp ứng cao nhất mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, làm nền tảng vững chắc để đất nước phát triển, mang hạnh phúc, ấm no, tự do, dân chủ thật sự đến với nhân dân.

* Ông kỳ vọng gì vào đội ngũ lãnh đạo sẽ được Đại hội XII lựa chọn?

- Tôi kỳ vọng đại hội sẽ chọn những người có trí tuệ, sức khỏe, bản lĩnh và hết lòng vì sự phát triển đất nước, đặt quyền lợi Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, không ngại đụng chạm, gần gũi với nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Nếu đại hội bầu ra được những người như vậy, tôi tin rằng đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Đất nước ta rất cần những người lãnh đạo như vậy, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi mà Trung Quốc không giấu giếm âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Họ đang kéo giàn khoan vào vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và đảo Hải Nam. Họ đang gây vô vàn khó khăn cho ngư dân chúng ta, tạo hệ lụy xấu đối với phát triển kinh tế của Việt Nam.

Người lãnh đạo có trí tuệ, bản lĩnh, đứng mũi chịu sào, được lòng dân mới tập hợp được nhân dân tạo thành sức mạnh tổng hợp để có thể chiến thắng bất cứ kẻ thù nào xâm lược nước ta và dẫn dắt đất nước ta tiến nhanh lên được.

NHÓM PHÓNG VIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên