21/08/2017 09:31 GMT+7

Cello du dương lẫn hiphop sôi động trong Thuyền nhà thuyền

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Một cuộc thảo luận, chia sẻ với tên gọi Nghệ thuật công cộng từ A đến Z diễn ra cuối tuần qua bất ngờ thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả, kiến trúc sư và các nghệ sĩ đương đại.

Nghệ sĩ cello Vũ Hồng Ánh đến chơi đàn trong không gian của Thuyền nhà thuyền sau khi biết thông tin về tác phẩm mang tinh thần nghệ thuật công cộng này - Ảnh: MINH TRANG
Nghệ sĩ cello Vũ Hồng Ánh đến chơi đàn trong không gian của Thuyền nhà thuyền sau khi biết thông tin về tác phẩm mang tinh thần nghệ thuật công cộng này - Ảnh: MINH TRANG

Mang lại hạnh phúc cho cộng đồng, đặc biệt là những cộng đồng trong đô thị, thông qua những mảng xanh, những công trình nghệ thuật công cộng là điều mà rất nhiều chính phủ các quốc gia chú trọng.

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa - thông tin TP.HCM (nay là Sở Văn hóa - thể thao)

Tại không gian nghệ thuật đương đại The Factory, ngay trước buổi thảo luận, nghệ sĩ cello Vũ Hồng Ánh đã làm cả không gian bỗng chốc lắng đọng bởi tiếng đàn cello du dương.

Mối quan tâm dành cho nghệ thuật công cộng

Nhìn nghệ sĩ ngồi chơi đàn trong chính tác phẩm Thuyền nhà thuyền  của mình, Ly Hoàng Ly tươi cười:

“Rất hạnh phúc vì từ Thuyền nhà thuyền, nhiều người đã chủ động liên lạc với ban tổ chức hỏi có thể xuống chơi, biểu diễn trong đó không.

Sau nghệ sĩ Vũ Hồng Ánh sẽ là một nhóm bạn trẻ chuyên nhảy hiphop muốn được biểu diễn tại đây. Đây chính là tinh thần mà một tác phẩm nghệ thuật dành cho công cộng muốn hướng đến”.

Với Ly Hoàng Ly, khái niệm nghệ thuật công cộng đến với chị rất tình cờ sau khi tác phẩm Tháp mâm ra mắt năm 2000, thu hút rất nhiều người đến xem, ca hát nhảy múa xung quanh.

Tôi thấy rất thú vị khi một tác phẩm nghệ thuật ra đời và có được sự tương tác với xung quanh một cách tự nhiên, không cần có người nghệ sĩ trình bày, diễn giải.

Và mối quan tâm của tôi dành cho nghệ thuật công cộng càng mạnh hơn khi tôi có cơ hội học tập tại Học viện Mỹ thuật Chicago.

Hằng năm Chicago thu hút hàng triệu lượt khách du lịch và ai đã đến thành phố này không thể không chiêm ngưỡng Hạt đậu (Cloud Gate, còn được gọi là The Bean) - một tác phẩm nghệ thuật công cộng được đặt ngay chính công viên Thiên niên kỷ (Millenium Park) ở trung tâm thành phố này.

Đây cũng là một trong những thành phố có tinh thần nghệ thuật công cộng cao, bởi thị trưởng thành phố đặc biệt quan tâm đến những công trình nghệ thuật công cộng dành cho người dân thưởng lãm, vui chơi sau những giờ làm việc mệt mỏi.

Trong khi đó, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào mang đến cuộc thảo luận một khái niệm rất thú vị là triết lý kiến trúc hạnh phúc, điều mà anh và các cộng sự của mình đã dày công theo đuổi nhiều năm qua.

Từ năm 2009 đến nay, nhóm làm việc của Hoàng Thúc Hào đã xây dựng hơn 30 dự án cộng đồng dựa trên tiêu chí của kiến trúc hạnh phúc là:

- Kiến trúc sư hạnh phúc (với ý nghĩa người làm thực sự hạnh phúc khi được tham gia góp phần mang lại một công trình có ý nghĩa cho cộng đồng).

- Công trình hạnh phúc (là những kiến trúc xanh, độc đáo, mang đến những “ngạc nhiên bền vững” qua nhiều năm tháng) và người sử dụng hạnh phúc.

“Toàn cầu hóa làm thế giới xích lại gần nhau hơn bao giờ hết, nhưng đồng thời có xu thế đẩy những cộng đồng thiệt thòi và các nhóm thiểu số ra xa.

Hơn nữa, quá trình đô thị hóa ồ ạt với các thiết kế rập khuôn, áp đặt thẩm mỹ khiến đời sống tinh thần con người ngày càng đơn điệu.

Một trong những thách thức của kiến trúc sư ngày nay là làm thế nào giúp cho những cộng đồng yếm thế, yếu thế, những cộng đồng bị gạt ra lề xã hội này bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, không bị hòa tan bởi các xu hướng kiến trúc thực dụng hiện đại” - kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào nói.

Triết lý này đã được anh áp dụng trong những công trình tạo được tiếng vang như nhà cộng đồng ở Tả Phìn (Lào Cai), làng homestay ở Nậm Đăm (Hà Giang), nhà vỏ chai cho dự án y tế cộng đồng COHED, Hải Phòng, Trường tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên) có màu sắc hình dáng từ trên cao như những cánh hoa sặc sỡ giữa núi rừng...

“Cuộc đời thứ hai” của tác phẩm

Các tác phẩm nghệ thuật dành cho công cộng có hai cuộc đời: một là từ lúc được người nghệ sĩ sáng tạo, cho ra đời tác phẩm; và hai là khi chúng được đưa vào đời sống.

Rất nhiều người đặt câu hỏi: Sau khi rời khỏi The Factory, Thuyền nhà thuyền sẽ đi về đâu? Một câu hỏi quá khó mà ngay chính Ly Hoàng Ly cũng thừa nhận:

“Tôi chỉ là một nghệ sĩ đơn thuần, làm công việc sáng tạo của mình, còn để tác phẩm tồn tại được sau đó ra sao thì chính là khán giả ở đây sẽ cùng tôi thảo luận để tìm một hướng đi cho tác phẩm”.

Đã đành rằng chúng ta phải rất cảm ơn The Factory vì đã cho Thuyền nhà thuyền có cơ hội xuất hiện tại đây.

Nhưng khi chúng ta mang một tác phẩm có tinh thần nghệ thuật công cộng đặt vào trong một triển lãm, tức là chúng ta đã tước đi của nó sự kỳ diệu mà nó có thể mang lại cho cộng đồng...

Nhà báo Thế Thanh chia sẻ.

Ngoài những phương án mang về các khu đô thị xa trung tâm TP, những người tham gia buổi thảo luận cũng mạnh dạn nói lên mơ ước: ước gì tác phẩm này được đặt ngay tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, một nơi công cộng hoàn hảo để đón chờ sự tương tác của người xem với tác phẩm.

“Vị trí của phố đi bộ hiện nay, trước đây là một con kênh lớn dẫn từ sông Sài Gòn vào. Cho nên nếu tác phẩm Thuyền nhà thuyền được đặt ở cuối phố Nguyễn Huệ, đoạn gần sông thì rất ý nghĩa” bà Thế Thanh nói.

Tất nhiên, không ai đánh thuế ước mơ. Những nghệ sĩ như Ly Hoàng Ly, những người tự bỏ tiền túi ra để làm tác phẩm cũng chỉ mong mỏi khi được đặt ở một không gian công cộng đúng nghĩa, tác phẩm sẽ mang đến niềm vui, một nơi chốn thú vị để sinh hoạt cộng đồng.

Nghệ sĩ chia sẻ: “Ngay khi bắt đầu dự án này, tôi đã luôn nghĩ về những đối tượng sử dụng nó sẽ là những người ít có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật: các em nhỏ bán vé số, đánh giày, hay thềm lên xuống được làm thoai thoải để giúp những người khuyết tật có thể di chuyển lên dễ dàng”.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên