03/06/2006 06:45 GMT+7

Dùng thuốc dexamethasone để tăng cân cho trẻ: Gây nhiều tác dụng phụ

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Thông tin về việc trong một số mẫu thức ăn tại Trường mẫu giáo tư thục Thanh Nguyên ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) có sử dụng thuốc dexamethasone - để tăng cân cho trẻ - khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

XOa7YSdX.jpgPhóng to
Thuốc bao giờ cũng là "con dao hai lưỡi", nếu sử dụng không theo hướng dẫn của thầy thuốc (ảnh minh họa) - Ảnh: L.TH.H.

Dexamethasone có tác dụng gì? Gây hại thế nào cho sức khỏe của trẻ? Làm sao biết trẻ đã bị lạm dụng thuốc này?

Có nhiều tác hại nếu sử dụng sai

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm - trưởng phòng nghiệp vụ Sở Y tế TP.HCM - cho biết dexamethasone thực chất là thuốc corticoid. Corticoid có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Corticoid được dùng để điều trị một số bệnh lý như: dị ứng (mề đay, phù do dị ứng); bệnh ngoài da (chàm, vẩy nến, viêm da dị ứng); hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh khớp, bệnh thận, bệnh tiêu hóa, bệnh lý mắt, bệnh ung thư...

Bình thường cơ thể người tự tiết ra corticoid. Đây là một nội tiết tố do hai tuyến thượng thận bài tiết vào trong máu, giúp cơ thể chống lại những tình huống nguy kịch như đau đớn, nhiễm trùng.

Do thuốc có nhiều tác dụng phụ có hại cho cơ thể nên việc sử dụng thuốc này phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Những tác dụng phụ có hại này thường gặp ở những người dùng corticoid lâu dài và nó có thể gây suy tuyến thượng thận (khi dùng corticoid từ ngoài vào cơ thể sẽ làm ức chế tuyến thượng thận bài tiết ra corticoid, dẫn đến tình trạng suy giảm khả năng bài tiết corticoid của chính cơ thể của người đó). Khi đó, cơ thể hay mệt mỏi, nôn ói, nặng hơn nữa có thể gây huyết áp thấp.

Tăng cân cũng là tác dụng phụ thường gặp. Do thuốc gây giữ muối, giữ nước làm cơ thể bệnh nhân mập ra, bụng to, chân tay teo lại, da mỏng dễ bầm máu, có khi nứt da bụng; tăng huyết áp; đái tháo đường; loét dạ dày tá tràng; làm giảm sức đề kháng của cơ thể, dẫn đến dễ bị nhiễm trùng; loãng xương; nổi mụn trứng cá, rậm lông; teo cơ, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp; có khi gây chứng tâm thần kinh như mất ngủ, nóng nảy, kém chú ý, cơn hưng phấn hay trầm cảm; làm trẻ chậm phát triển chiều cao.

MehTvzdK.jpgPhóng to

Với những loại thuốc tễ, thuốc hoàn không có nguồn gốc rõ ràng thường bị cơ sở sản xuất pha trộn corticoid để giảm nhanh triệu chứng bệnh, nếu uống lâu dài rất nguy hiểm vì có nhiều tác dụng phụ - Ảnh: L.TH.H.

Thời gian qua vẫn còn có một số cơ sở sản xuất thuốc đông dược pha trộn corticoid vào để làm giảm nhanh các triệu chứng bệnh. Nhiều bệnh nhân không biết, tưởng "thuốc hay” đã mua uống kéo dài gây nhiều tác dụng phụ. Có phòng mạch còn lạm dụng corticoid dạng chích, dạng uống để điều trị bệnh khớp hay bệnh hen phế quản, bệnh ngoài da cho BN; có nơi sử dụng với mục đích tăng cân.

Trẻ tăng cân bất thường, phải chú ý

Bác sĩ Nguyễn Công Viên - trưởng khoa khám trẻ em lành mạnh Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết thêm: cha mẹ có thể nhận biết con em mình có bị lạm dụng cho uống thuốc corticoid qua một số biểu hiện bên ngoài dễ nhận thấy như mặt trẻ phính lên, da căng bóng đỏ hồng, no tròn như mặt trăng.

Nếu người không biết cứ tưởng là bé rất khỏe mạnh, “tốt tướng” nên da dẻ mới hồng hào, căng bóng. Tuy nhiên, nếu để ý sẽ thấy cơ thể trẻ phát triển không tương xứng, tuy mặt to ra, thân người to nhưng tay chân lại nhỏ lại, khẳng khiu.

Dấu hiệu khác dễ nhận biết là trẻ tăng cân nhanh đột ngột; trẻ ăn nhiều, đòi ăn liên tục một cách bất thường. Ngoài ra, nếu để ý kỹ sẽ thấy lông măng trên da trẻ mọc nhiều hơn, có trẻ còn nổi mụn trứng cá... Nếu đi khám, sẽ thấy trẻ chậm phát triển chiều cao so với tuổi, cân nặng tăng nhưng chiều cao đứng lại, xương không hấp thu được canxi nên có hiện tượng rỗ xương (xương bị xốp). Về lâu dài trẻ có thể bị tăng huyết áp do corticoid giữ muối trong người.

Theo bác sĩ Nguyễn Công Viên, thuốc corticoid có tác dụng làm giảm rất nhanh các triệu chứng bệnh, do đó người ta hay lạm dụng corticoid để điều trị. Vì vậy, người dân cần hết sức lưu ý việc dùng thuốc này phải có chỉ định, theo dõi và hướng dẫn của bác sĩ. Khi phải uống thuốc này lâu dài cần phải được bác sĩ theo dõi sát để kịp thời xử trí các tác dụng phụ có hại.

Nghiêm cấm các trường sử dụng

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm cho biết nhiều năm qua tại TP.HCM, ngành y tế và giáo dục đã phối hợp thành lập ban chỉ đạo y tế học đường từ cấp TP đến quận huyện để theo dõi, chăm sóc cả mặt thể chất và trí tuệ cho các em học sinh. Ngoài ra, hai ngành y tế, giáo dục cũng thường xuyên kiểm tra, thanh tra vấn đề nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho các cháu, nhất là lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.

Về vấn đề sử dụng thuốc, theo bác sĩ Nghiệm, nguyên tắc dù là thuốc kháng sinh, thuốc ho hay thuốc bổ cũng phải có chỉ định của bác sĩ để đảm bảo tính an toàn và hợp lý về thuốc cho bệnh nhân. Tại TP.HCM, có thời gian báo chí nói nhiều về việc lạm dụng thuốc corticoid trong việc điều trị bệnh cho người lớn cũng như dùng làm tăng cân cho trẻ ở một vài phòng mạch, ngành y tế đã kiểm tra trên toàn địa bàn TP.

Tuy nhiên, việc kiểm tra chỉ mới đạt được khoảng 40% số phòng mạch được cấp phép hằng năm và tỉ lệ phát hiện sai phạm rất ít. Về phía thầy cô giáo cũng không được tự ý cho trẻ dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp người nhà của trẻ gửi thuốc nhờ cô cho uống cũng phải có toa của bác sĩ để bảo đảm an toàn sức khỏe cho các cháu.

Theo bác sĩ Nghiệm, đến thời điểm hiện tại ngành y tế chưa phát hiện hiện tượng giống như ở Bình Thuận. Tuy nhiên, để phòng ngừa ngành y tế sẽ rà soát lại và phối hợp với ngành giáo dục thông báo đến các trường phải hết sức cảnh giác vấn đề này; xem đây là vấn đề có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của các cháu, nghiêm cấm không được làm.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên