Cùng với thu nhập, những nhân tài trẻ còn kỳ vọng nhiều hơn vào một môi trường làm việc và cơ chế giúp họ thể hiện hết năng lực của mình - Ảnh: Q.LINH |
Là khu vực kinh tế trọng điểm như TP.HCM, thu hút nhân tài không phải là việc quá nan giải. Dù chưa thấy nhưng tôi cho rằng TP đừng làm kiểu “chiêu dụ nhân tài một cục” - tức đưa ra giá tiền cho từng loại “nhân tài” rồi bỏ mặc họ tự bơi. Cá nhân tôi nghĩ đến bốn điều sau đây:
1 - Khát vọng cầu thị người tài
Khát vọng này phải được xem như hướng phát triển chiến lược, mang tính sống còn. Thay vì bị động tìm người tài lúc cần, các cơ quan, doanh nghiệp của TP cần chủ động đặt ra cơ hội cho từng nhân tài cụ thể khi họ còn ngồi ở giảng đường.
Đặt vấn đề và có thể ký hợp đồng tài trợ chuyện ăn học của họ trước khi họ trở thành nhân viên của mình. Đây không phải là cách làm mới, nhưng có bao nhiêu cơ quan, doanh nghiệp nhà nước làm việc này?
Người tài không thiếu việc để làm nên điều họ quan tâm trước tiên chính là thái độ tiếp cận của từng đơn vị cụ thể. Săn nhân tài khi họ còn ngồi trên giảng đường, chính là cách mỗi đơn vị PR về mình chủ động nhất trong con mắt người tài.
2 - Cung cấp theo nguyện vọng, đánh giá theo năng lực
Cùng với thu nhập, môi trường làm việc và chế độ thăng tiến là điều mà rất nhiều nhân tài quan tâm.
Nhiều nơi không ngại trả tiền cao cho người họ gọi là tài nhưng người tài khi bị quẳng vào môi trường đầy tính cục bộ, thiếu tương trợ cũng như điều kiện làm việc họ sẽ nản dần.
Bên cạnh đó, việc giao quá nhiều trọng trách cho “nhân tài” cũng là điều chưa chính xác để đánh giá họ.
Chẳng hạn làm sao một kỹ sư điện lại dễ dàng quản lý nhân sự trơn tru được. Việc đánh giá người tài phải dựa vào năng lực chuyên môn cụ thể của họ, còn chuyên môn khác chỉ là giá trị cộng thêm.
Tiếp cận với nhân tài không thể nói chung chung rằng chúng tôi như thế này, thế kia mà cần thiết tạo điều kiện cho người tài thể hiện nguyện vọng, mong muốn cụ thể của họ về môi trường làm việc và khả năng tiến thân.
Khi đã đảm bảo được môi trường làm việc như mong muốn mới có thể đánh giá năng lực người tài. Từ tư duy “thuê người làm việc” chuyển thành “cầu thị người tài” chính là sự thay đổi căn bản nhất để thu hút nhân tài.
3 - Xây dựng chính sách đặc thù
Với ưu thế vốn có và vị trí của một khu vực trọng điểm kinh tế, thiết nghĩ việc lãnh đạo TP.HCM xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù cho việc thu hút nhân tài, đặc biệt là nhân tài trong các đơn vị nhà nước là hoàn toàn xứng đáng.
Nhân tài công tác dài hạn và có sự đóng góp rõ ràng có thể sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi về nhà ở, chăm sóc sức khỏe và những điều kiện khác chẳng hạn.
4 - Dùng người tài kêu gọi người tài
Đây là cách thuyết phục nhất để thu hút nhân tài cho TP.HCM. Chỉ những người đã trải qua môi trường làm việc thực tế tại TP.HCM và có phát triển cụ thể mới thuyết phục được những người tài khác.
Với những nhân tài hiện hữu như vậy, khi nói về sự cầu thị và xa hơn là niềm mong mỏi thu hút nhân tài cho TP.HCM, dẫn chứng bằng sự thành công của họ chính là lời kêu gọi đủ sức nặng với những tài năng còn đang lưỡng lự khác.
Có lẽ nên bắt đầu bằng thái độ thật sự cầu thị, thay đổi tư duy tuyển dụng trước khi nói đến việc thu hút nhân tài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận