TS Lê Mai Tùng - Ảnh: HỮU KHOA |
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, TS Mai Tùng cho rằng nhân tài sẵn sàng cống hiến cho sự phát triển của TP, đất nước vì họ có trí tuệ, chất xám. Nhưng họ cần sự công bằng, minh bạch và khó chấp nhận luồn cúi trong công việc.
- Tôi tự nhận “món nợ” trước khi đi học là làm sao giải bài toán kẹt xe ở VN nên tôi trở về. Nếu hoàn thành, tôi đạt tâm nguyện, nếu không cũng sẽ không hối hận. Tôi đã ở lại Úc làm việc ba năm để chắc chắn mình có thể cạnh tranh sòng phẳng trong môi trường làm việc quốc tế và tôi nghĩ mình đã tích lũy đủ kiến thức, kinh nghiệm để trở về.
* Sao anh không chọn tập đoàn lớn hoặc cơ quan khu vực công mà lại quyết định tự mình khởi nghiệp?
- Tôi chọn khởi nghiệp vì muốn giải quyết vấn đề nhanh chóng. Nếu chọn tiếp tục làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia tôi đã ở lại Úc bởi chắc chắn lương cao hơn VN nhiều lần. Còn các cơ quan khu vực công, tôi nghĩ không chỉ là chuyện lương không đủ sống mà nhiều người không thích sự trì trệ trong phong cách làm việc của khu vực công.
Ở Úc, các nhân viên tại nhiều bộ phận của nhà nước được ký hợp đồng, nếu làm không đạt họ sẽ bị sa thải chứ không phải vào biên chế rồi sẽ khó sa thải như ở ta. Ở đâu cũng vậy, khối tư nhân thường năng động hơn. Dĩ nhiên khu vực công ở VN đã khác trước nhiều nhưng so sánh một cách tương đối thì chuyển động vẫn chậm hơn khối tư nhân.
* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói tuyển chọn, bổ nhiệm là để tìm người tài chứ không phải tìm người nhà. Anh suy nghĩ gì về điều này?
- Chọn người nhà mà họ tài là điều chấp nhận được. Nhiều nước phát triển tuyển chọn người nhà mà giỏi vẫn có, sẽ không thành vấn đề nếu con cũng có gen của cha giỏi. Chỉ là người nhà không giỏi tuyển vào sẽ thành phá hoại. Vấn đề là quy trình nào cũng cần phải có sự minh bạch. Nhà nước không nên làm tất cả mà chỉ cần đưa các đơn đặt hàng, tổ chức quy trình đấu thầu minh bạch. Khi cơ hội đồng đều, minh bạch thông tin sẽ giải quyết vấn đề tốt hơn.
Khi bộ máy nhỏ lại thì cơ hội cho người tài có lẽ sẽ dễ hơn. Nếu có thể cắt giảm 1/3 nhân viên nhà nước hiện tại và lấy lương đó tăng thêm cho số 2/3 còn lại nhiều khi hiệu quả hơn. Một điều nữa là không minh bạch thông tin dễ dẫn đến hiểu lầm, và thường ít khi hiểu lầm theo hướng có lợi mà hay có hại cho Nhà nước hơn. Khi minh bạch, tổ chức, cá nhân có thể chia sẻ với Nhà nước và dân cũng tăng niềm tin vào Chính phủ.
* Nhưng có khi năng lực thôi vẫn là chưa đủ, nhất là trong các doanh nghiệp nhà nước hay khu vực công?
- Công bằng mà nói năng lực không phụ thuộc vào quan điểm chính trị. Tôi cho rằng nếu ai làm chuyên môn không muốn tham gia chính trị thì đừng ép. Tôi có những người bạn không có tham vọng chính trị, chỉ muốn làm một giảng viên đại học bình thường. Họ có nhiều công trình nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí uy tín của thế giới và họ không muốn làm những chức vụ cao hơn nếu phải tham gia cái này cái kia. Với họ như vậy là bớt đi thời gian dành cho nghiên cứu, lao động mà đôi lúc đó lại là những sinh hoạt, buổi họp họ không hứng thú.
* Anh cho rằng cách nào để có thể thu hút nhân tài trẻ cho TP.HCM?
- Tôi có ba ý. Một là, cách đối xử với nhân tài, họ không chấp nhận sự luồn cúi và cần công bằng, minh bạch trong công việc. Hai là, họ phải cảm thấy mình được tận dụng chất xám, bằng những đặt hàng của TP trước nhiều vấn đề an sinh xã hội bức bách cần phải giải quyết: bệnh viện quá tải, ống nước vỡ, ngập nước, kẹt xe... Cần đưa ra những đặt hàng công khai để nhân tài tham gia đấu thầu, giải quyết thay vì thuê ngay công ty nước ngoài. Ba là, nhân tài cần được kết nối, giữa Nhà nước với họ và giữa nhân tài trong nhiều lĩnh vực với nhau để tạo ra những giải pháp tối ưu, những ý tưởng đột phá, khả thi thay vì mạnh ai nấy làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận