Hình thành thêm bộ máy?
Đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) nói: “Dự thảo luật quy định theo hướng bên cạnh các đối tượng lao động không qua đào tạo, không qua học nghề thì một số đối tượng khác đã qua đào tạo nghề các loại hình khác nhau, thậm chí cả đại học, đều phải qua lớp sát hạch để được cấp chứng chỉ nghề. Và chứng chỉ nghề là cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng, trả lương cho người lao động. Quy định như vậy có thể dẫn đến nhiều bất cập. Thứ nhất, đối tượng đã qua đào tạo nay lại phải qua một kỳ sát hạch để được cấp chứng chỉ nghề. Quy định như vậy nảy sinh việc phải tổ chức ra một hệ thống các cơ quan tổ chức để thực hiện nhiệm vụ này. Thứ hai, không làm giảm bớt các thủ tục hành chính và gây tốn kém đối với người lao động cũng như người sử dụng lao động”.
Ông Trường cho rằng nên quy định thật rõ ràng những bằng cấp của các trường đào tạo nhà nước thì coi như là chứng chỉ đủ điều kiện để được tuyển dụng đi làm việc, còn đối với các đối tượng không qua đào tạo mới phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) thẳng thắn: “Nếu hình thành việc đánh giá chứng nhận, chứng chỉ nghề quốc gia, tôi cho rằng sẽ hình thành một giấy phép con không cần thiết và hình thành thêm bộ máy trái với chủ trương của Đảng về tinh giảm bộ máy, thực hiện cải cách hành chính. Với một số đối tượng khác, tôi cho rằng chế định này không khả thi, ví dụ như người giúp việc trong gia đình, người được đi thuê phục vụ người bệnh, người làm thuê theo thời vụ hoặc theo một công việc nhất định, nông dân canh tác trên mảnh đất của mình hay đi làm mướn cho các hộ nông dân khác thì tiêu chí đánh giá kỹ năng nghề quốc gia như thế nào và cần đánh giá ra sao?”.
Khó tiếp cận bảo hiểm thất nghiệp
Về bảo hiểm thất nghiệp, ông Vũ Xuân Trường phân tích với quy định như dự thảo luật thì cùng với đối tượng là người lao động trong các doanh nghiệp, tất cả viên chức trong các cơ quan, đơn vị... đều phải đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trong khi các đối tượng này đã và đang thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội. Như vậy, cùng một đối tượng phải đồng thời nộp hai loại bảo hiểm.
“Ban soạn thảo giải thích hai loại bảo hiểm này có mục tiêu và nhiệm vụ khác nhau. Theo tôi, chế độ bảo hiểm xã hội trong đó đã bao gồm một số nội dung của bảo hiểm thất nghiệp như chế độ thôi việc, chế độ về hưu trước tuổi, chế độ hưu trí... Dự thảo luật quy định bắt buộc một lực lượng lớn các viên chức và người lao động nộp bảo hiểm thất nghiệp mà họ lại không bao giờ được hưởng một chế độ gì từ quỹ bảo hiểm mà họ phải đóng này, đây là một điều bất hợp lý. Tôi đề xuất hai phương án để khắc phục tình trạng này. Thứ nhất, nếu bắt buộc đối tượng này phải nộp bảo hiểm thất nghiệp thì đến khi người ta về hưu cũng cho người ta được hưởng một phần trong bảo hiểm thất nghiệp này vì họ đã đóng cả cuộc đời. Thứ hai không bắt buộc họ phải nộp quỹ này” - ông Trường nói.
Mặc dù đồng tình việc ban hành Luật việc làm trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, nhưng đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét lại thật cụ thể và quy định chi tiết hơn các điều, khoản trong dự thảo luật để người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận các chính sách thuận lợi hơn, tránh những quy định chung chung chỉ mang tính hình thức.
Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) đặt vấn đề trong năm 2012 bảo hiểm thất nghiệp đã kết dư 4.182 tỉ đồng, tính đến cuối năm 2012 tổng bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta đã kết dư 21.815 tỉ đồng, trong khi đó người lao động tiếp cận với bảo hiểm thất nghiệp rất khó khăn, thủ tục rườm rà, quá trình sử dụng quỹ để hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm còn rất hạn chế, hiệu quả còn thấp. Trong ba năm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp chỉ có khoảng 1% tỉ lệ người lao động bị thất nghiệp được đào tạo nghề. Vì vậy đa số người lao động khi bị thất nghiệp chỉ quan tâm đến việc nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp chứ không hề quan tâm đến việc đào tạo nghề và hỗ trợ học nghề. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận