Tranh minh họa. |
Nghị định 15 quy định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang phải có “một văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”.
Nhưng Thông 01 chỉ quy định cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm, làm đơn cam kết với đơn vị đăng ký nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép (tức Cục NTBD hoặc Sở VH-TT&DL).
Bà Trần Thị Trường - phó giám đốc VCPMC - từng ví von sự trái ngang của Thông tư 01 rằng "không khác gì một ông hàng xóm muốn mượn đồ của người khác nhưng lại đi cam kết sẽ trả đồ với một ông hàng xóm khác!". |
Sự bất nhất trong hai văn bản này gây nên sự phản ứng gay gắt của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) và các nhạc sĩ vì họ cho rằng các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả bị các cơ quan quản lý nhà nước gạt ra ngoài, không kiểm soát được quyền sở hữu tác phẩm hợp pháp của mình.
Tại Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 15 và Thông tư 01 (hướng dẫn thực hiện Nghị định 15/16 Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu) diễn ra ngày 20-4 tại Hà Nội, ông Đinh Trung Cẩn - phó phòng nghiệp vụ, Cục công tác phía Nam (Bộ VH-TT&DL) cũng cho rằng hồ sơ đề nghị cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật bỏ qua việc chứng minh quyền sở hữu tác phẩm tạo thành kẽ hở để các đơn vị, tổ chức trốn tránh trách nhiệm.
Ông Cẩn cũng đề nghị phải quy định cụ thể thời hạn bắt buộc các đơn vị sử dụng tác phẩm phải chi trả nhuận bút cho các tác giả, sau khi tổ chức sự kiện.
Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục NTBD - giải thích không thể đưa những quy định trên vào bộ hồ sơ đề nghị cấp phép biểu diễn vì pháp luật không cho phép hành chính hóa các quan hệ dân sự.
Giải thích về mẫu cam kết số 14 trong Thông tư 01 gây nhiều bức xúc cho các nhạc sĩ, ông Chương nói Thông tư chỉ đưa ra một mẫu cam kết về thực thi quyền tác giả (so với ba loại giấy tờ được đưa ra trong Nghị định 15/2016), bởi trong Luật Sở hữu trí tuệ đưa ra hai mẫu còn lại.
Câu hỏi đặt ra là nếu đơn vị sử dụng tác phẩm không hoàn thành nghĩa vụ bản quyền như đã cam kết với cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ bị xử lý như thế nào? Khi đó thì các tác giả lấy đâu ra căn cứ để khởi kiện những đơn vị ấy?
Trước câu hỏi trên, giải pháp ông Nguyễn Đăng Chương đưa ra có thể chưa làm thỏa mãn dư luận: “Khi VCPMC hoặc các nhạc sĩ phát hiện đơn vị nào sử dụng tác phẩm không trả tiền tác quyền thì kiến nghị lên cơ quan quản lý nhà nước là Cục NTBD hoặc Sở VH-TT&DL. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ không cấp giấy phép biểu diễn cho các đơn vị này những lần sau vì chưa hoàn thành nghĩa vụ tác quyền”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận