Đó là bức tranh mới của khu kinh tế (KKT) Dung Quất trong phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đến năm 2045 của Thủ tướng. KKT Dung Quất được "cởi trói" không gian, mở rộng "mặt tiền" biển... để chào đón nhà đầu tư.
Kết nối hạ tầng, nâng tầm Dung Quất
Theo quy hoạch chung, KKT Dung Quất đến năm 2045 có diện tích khoảng 45.332ha. Trong đó, phần đất liền khoảng 33.581ha, diện tích đảo Lý Sơn khoảng 1.492ha (hiện trạng phần đảo nổi và không gian phát triển mới) và diện tích mặt nước (vùng biển) khoảng 10.711ha.
25 năm trước, Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đến vùng cát trắng Dung Quất để khơi dậy "gã khổng lồ ngủ quên" này. Sau đó, nhà máy lọc dầu thành hình, đóng góp hàng chục ngàn tỉ đồng cho ngân sách mỗi năm cùng sự hiện diện của các nhà đầu tư lớn như Doosan, Hòa Phát....
Sau 25 năm, "chiếc áo" đã chật chội, quy hoạch điều chỉnh mà Thủ tướng vừa phê duyệt sẽ đưa Dung Quất sang trang mới.
Trong quy hoạch điều chỉnh, KKT Dung Quất bao gồm 5 phân khu chức năng: Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ (ĐT-CN-DV) Bắc Dung Quất; Phân khu ĐT-CN-DVChâu Ổ - Bình Long; Phân khu ĐT-CN-DV Nam Dung Quất; Phân khu ĐT-DV Đông Nam Dung Quất và phân khu đô thị Lý Sơn.
Tổng thể KKT sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực;phát triển không gian đô thị hiện đại, hấp dẫn và giàu bản sắc dựa trên cấu trúc cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên, đồi núi, sông, hồ, biển, hải đảo.
"Xương sống" vẫn là trung tâm lọc hóa dầu, năng lượng quốc gia; ngành luyện cán thép, tàu biển, khai thác cảng nước sâu.
Dung Quất không chỉ thu hút nhà đầu tư công nghiệp nặng, logistic, lọc hóa dầu mà còn phát triển đô thị, du lịch dịch vụ tập trung. Thủ tướng đồng ý 4 khu đô thị hạt nhân cho Dung Quất là đô thị Bình Sơn, khu đô thị Tịnh Hòa -Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi.
Khu du lịch, khu dịch vụ tập trung, với diện tích khoảng 713 ha là khu vực Thiên Đàng - Khe Hai (xã Bình Thạnh); đầm Thuận Phước (xã Bình Thuận); biển Lệ Thủy, Gành Yến (xã Bình Trị) và Bình Hải, biển Bình Châu (xã Bình Châu) và huyện đảo Lý Sơn.
Cửa ngõ của giao thông
Cũng theo quy hoạch điều chỉnh, trong tương lai, KKT Dung Quất sẽ là một cửa ngõ giao thông, trung tâm trung chuyển hàng hóa, thương mại của vùng kinh tế miền Trung - Tây Nguyên. Các con sốvề quỹ đất dành cho giao thông tới năm 2030 là 2.900ha và đến 2045 là 3.200ha đã nói lên điều đó.
Trong giai đoạn tới, tỉnh Quảng Ngãi định hướng sẽ tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông lớn như: vao tốc Quảng Ngãi - Quảng Nam; nâng cấp mở rộng QL1, QL24B với quy mô tối thiểu 4 làn xe; QL24C (đường Võ Văn Kiệt) sẽ hình thành đường đô thị 6 làn xe tốc độ cao…
Cũng theo quy hoạch này, Chính phủ đồng ý xây dựng một sân bay lưỡng dụng trên đảo Lý Sơn với năng lực khai thác từ 3-3,5 triệu hành khách/năm.
Tập trung tối đa cho Dung Quất
Ông Hà Hoàng Việt Phương - trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi - cho biết: "Trong thời gian tới sẽ huy động các nguồn lực để "mở đường" cho Dung Quất.
Trong đó, ngân sách trung ương sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng QL1, QL24B, QL24C, tuyến cao tốc Quảng Nam - Quảng Ngãi và các nút giao Bình Long, Trì Bình, Tịnh Thọ với tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…
Ngân sách địa phương sẽ tập trung hoàn thiện tuyến đường ven biển, cải tạo các tuyến đường tỉnh, xây mới các trục liên khu chức năng khớp nối các đô thị, KCN, khu du lịch theo quy hoạch…".
Theo ông Đặng Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, điều chỉnh tổng thể quy hoạch KKT Dung Quất làcần thiết, kịp thời tháo gỡ các nút thắt, hạn chế của KKT trong thời kỳ vừa qua, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, gắn với tiềm năng lợi thế sẵn có.
Ngoài ưu tiên phát triển hạ tầng đường bộ, Quảng Ngãi cũng tập trung đầu tư, mở rộng cảng biển Dung Quất để trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa và cảng container, đưa KKT Dung Quất trở thành trung tâm giao lưu hàng hóa quốc tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
"Với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện, tỉnh Quảng Ngãi sẽ xây dựng và phát triển KKT Dung Quất trở thành một trung tâm kinh tế biển năng động, hiện đại và hiệu quả." - ông Đặng Văn Minh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận