26/03/2012 09:00 GMT+7

Đừng phán chung chung để trấn an dân

ĐĂNG NAM - HỮU KHÁ
ĐĂNG NAM - HỮU KHÁ

TT - Liên quan đến sự cố rò rỉ nước ở đập chính thủy điện Sông Tranh 2 (tỉnh Quảng Nam), tiến sĩ Tô Văn Trường đề xuất sớm mời tư vấn độc lập vào thẩm định. Ông cho biết:

Tiến sĩ Tô Văn Trường:

NVtvCMIV.jpgPhóng to
TS Tô Văn Trường - Ảnh: Nguyễn Khánh

- Trên thế giới, sự cố vỡ đập khá nhiều nhưng thường là các đập đất, đập bêtông (vòm, bán vòm) chịu lực bằng kết cấu. Đập thủy điện Sông Tranh 2 thuộc loại đập bêtông đầm lăn ổn định bằng trọng lực. Tôi chưa có thông tin về sự cố vỡ đập bêtông đầm lăn trên thế giới. Ở nước ta đập thủy điện Sơn La thuộc loại đập bêtông đầm lăn cũng từng bị nứt nhưng vì trong quá trình thi công nên đã khắc phục được ngay bằng các giải pháp kỹ thuật.

Đập chứa nước St.Francis ở Mỹ không phải là đập bêtông trọng lực nhưng có hiện tượng giống như đập Sông Tranh 2 và đã bị vỡ. Trong suốt các năm 1926 và 1927, một số vết nứt bắt đầu xuất hiện trong đập. Ngày 12-3-1928 người ta phát hiện một vết rò rỉ mới đồng thời đã có lo ngại đập bị xói mòn.

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, thanh tra xác định sự xuất hiện của nước bùn không phải từ phần đập bị rò rỉ, do đó họ vẫn tuyên bố trấn an dư luận là đập an toàn. Tuy nhiên, đến nửa đêm thì đập St.Francis bị vỡ. Khoảng 600 người thiệt mạng, trong đó có những nạn nhân bị cuốn ra biển vài tháng sau, thậm chí vài chục năm sau mới tìm thấy xương cốt.

Nguyên nhân vỡ đập được xác định do ba yếu tố chính: sự bất ổn của nền đất trên đó đập được xây dựng (trên rãnh đứt gãy địa chất); sai lầm trong thiết kế, đặc biệt khi tăng thêm chiều cao của đập vào năm 1925; công tác giám sát thiết kế và thi công.

Rút kinh nghiệm từ sự cố này, thành phố Los Angeles đã cho gia cố, xử lý đập Mulholland có kết cấu tương tự ngay sau thảm họa.

* Ban quản lý đập Sông Tranh 2 cho rằng nước chảy phía bên ngoài thân đập chúng ta nhìn thấy chỉ là nước thấm qua khe nhiệt. Trong khi đó các hình ảnh và phóng viên tận mắt chứng kiến thì hoàn toàn khác, những cột nước lớn đổ xối xả từ trần xuống, từ dưới bêtông chui lên và xì ngang giữa thân hầm?

- Giải thích như vậy là chưa ổn. Riêng về thấm, khi thiết kế đã tính toán lưu lượng thấm cho phép qua toàn bộ thân đập theo các tiêu chuẩn hiện hành nhưng tuyệt nhiên không cho thấm trên mặt đập (phải có lớp bêtông biến thái nhiều ximăng và phụ gia chống thấm), càng không cho phép nước chảy thành dòng như ở đập Sông Tranh 2.

Tại các khe nhiệt và khe co dãn phải bố trí ít nhất một hàng vật chắn nước (với đập cao như Sông Tranh 2 thông thường bố trí hai hàng vật chắn nước) từ đỉnh đến chân đập bằng đồng hoặc bằng nhựa PVC có tuổi thọ cả trăm năm nhưng phải tuyệt đối đảm bảo chất lượng không cho nước thấm qua các vật chắn của các khớp nối ở khe nhiệt hoặc khe co dãn, khe lún. Việc để nước thấm qua khe nhiệt chảy thành vòi về hạ lưu khẳng định là sai cả về thiết kế lẫn thi công và giám sát.

* Cơ quan quản lý dự án cho rằng đập Sông Tranh 2 thuộc loại vĩnh cửu, an toàn, không cần phải có phương án phòng xa kịch bản vỡ đập ở hạ lưu?

- Khi tôi đang làm chuyên gia ở nước ngoài đã nhiều lần đi tham quan các con đập kiên cố ổn định ở châu Mỹ, châu Âu, châu Á, họ vẫn phải tính toán quản lý rủi ro “Risk management” bằng các phương pháp, tiêu chuẩn, khảo sát đo đạc cụ thể. Đập Sông Tranh 2 là bêtông trọng lực chưa nguy hiểm ngay trước mắt nhưng nên nhớ rằng “nước chảy đá mòn”, nếu không xử lý kịp thời và triệt để thì điều gì cũng có thể xảy ra. Ngay các nhà máy điện hạt nhân có tiêu chuẩn đảm bảo an toàn cao hơn nhiều so với đập thủy điện nhưng vẫn phải có các kịch bản xử lý khi có thảm họa không lường trước.

* Theo ông, chúng ta phải làm gì, làm như thế nào, khi nào để đảm bảo đập thủy điện Sông Tranh thật sự an toàn và làm yên lòng dân?

- Việc đầu tiên là phải xác định rõ nguyên nhân sự cố. Cần đối chiếu hồ sơ thiết kế, nhật ký thi công, công tác giám sát, quản lý công trình. Ngoài việc khảo sát tại hiện trường bằng mắt nhưng phải có các dụng cụ đo đạc đưa ra các con số đánh giá bằng định lượng so sánh với tiêu chuẩn an toàn đập, không được phán chung chung theo cảm tính để trấn an dư luận. Ngoài các cơ quan thanh tra, thẩm định theo quy định, cần mời ngay tư vấn độc lập có uy tín, kinh nghiệm vào cuộc càng sớm càng tốt.

Đập chính cách thị trấn Trà My gần 8km

Thủy điện Sông Tranh 2 nằm trên hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (Quảng Nam). Tổng vốn đầu tư cho công trình này là 5.194 tỉ đồng, gồm hai tổ máy (tổng cộng 190MW) và đến cuối năm 2010 cả hai tổ máy này đều phát điện.

Riêng bờ đập chính của hồ chứa nước dài 640m, cao trình 180m, bên trong thân đập có ba đường hầm. Bờ đập này có 30 khe nhiệt. Đập chính này được xây dựng nằm sát tuyến tỉnh lộ 616, cách trung tâm thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My) gần 8km và cách TP Tam Kỳ 55km. Dung tích hồ chứa nước của thủy điện Sông Tranh 2 khoảng 730 triệu m3 nước, thuộc vào loại lớn nhất miền Trung.

Nước chảy qua thân đập

Hiện tại bên ngoài thân đập ở phần hạ lưu có bảy vết xuất hiện nước chảy, trong đó có hai khe nước chảy mạnh là khe số 16 và khe số 11 sát tràn đập.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án thủy điện 3, lượng nước chảy đo được là 30 lít/giây, nhưng khuyến cáo của Cục Kiểm định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) lượng nước trên là quá cao (15 lít/giây là hợp lý).

Các công nhân đang tìm cách khoan, thu gom nước và bắt ống nước để kéo nước này về các con khe bên dưới mặt đập. Trong khi đó, bên trong ba đường hầm thuộc thân đập nước chảy từ nhiều phía. Nước từ trần bêtông chảy thành cột đứng, nước dưới bê tông chui lên và nước trong tường xì ra thành vòi... Công nhân cũng đang sửa chữa thu gom nước bên trong đường hầm này.

TẤN VŨ thực hiện

TS Tô Văn Trường là thành viên Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước KC08/11-15 (liên quan đến khai thác tài nguyên, phòng tránh thiên tai và bảo vệ môi trường) của Bộ Khoa học - công nghệ.

_______________________

GS.TS Nguyễn Thế Hùng:

Kết luận đập vẫn “đảm bảo an toàn” là vội vàng

qvllviBG.jpgPhóng to

GS.TS Nguyễn Thế Hùng - Ảnh: Đ.Nam

GS.TS Nguyễn Thế Hùng nhận định đập thủy điện Sông Tranh 2 đang tiềm ẩn nhiều vấn đề bất an. Ông nói:

- Sự cố vừa xảy ra ở đập Sông Tranh 2, theo tôi, có vấn đề không bình thường. Bây giờ quan trọng nhất là Nhà nước phải nhanh chóng lập một hội đồng đa ngành gồm các chuyên gia cao cấp về quản lý, cũng như chuyên gia tất cả các lĩnh vực địa chất, kết cấu, thủy lực. Nhưng tôi xin nhấn mạnh rằng các chuyên gia này phải có kinh nghiệm, giỏi và am tường các lĩnh vực vừa nêu. Sau đó họ sẽ đi quan sát rồi dùng các thiết bị đo đạc để phát hiện đập nứt chỗ nào, ở mức độ nào. Từ thực tế đó, hội đồng sẽ đề ra biện pháp xử lý. Các công việc này phải làm ngay bây giờ, phải làm xong trước mùa khô mới hi vọng đảm bảo tính ổn định lâu dài cho công trình.

Công trình này là tài sản của quốc gia. Nếu chúng ta không xử lý hoặc xử lý chậm thì tuổi thọ sẽ giảm. Mà khi tuổi thọ công trình giảm thì vô cùng lãng phí tiền của. Công trình đang có vấn đề, nếu chúng ta không có biện pháp chống đỡ, gia cố, khắc phục mà để lâu dài khi vỡ đột ngột trong điều kiện tích nước mức cao thì thiệt hại về sinh mạng đối với vùng hạ lưu là khôn lường.

* Cục Kiểm định nhà nước (Bộ Xây dựng) đã vào cuộc và đưa ra kết luận ban đầu là đập vẫn “đảm bảo an toàn”. Giáo sư có ý kiến gì về kết luận đó?

- Kết luận như thế là quá vội vàng. Nguyên tắc đập bêtông đầm lăn thì vỏ đập có mác bêtông cao đến 250, còn ruột thì mác bêtông thấp chừng 150. Nhưng chúng ta thấy hình ảnh đập với nhiều nguồn nước bị rò rỉ khắp nơi, thậm chí có nơi chảy như suối. Với tình trạng như thế hiện tại nó không hư, nhưng không xử lý bây giờ thì tuổi thọ sẽ giảm. Nếu nói thấm thì nước chỉ chảy rỉ rỉ, còn ở đây nước chảy thành cột thì không thể bình thường được. Nguyên nhân có thể do thi công không đảm bảo chất lượng. Các vết nứt có thể do động đất rung khi trọng tải thân đập không bằng nhau, nó sẽ lắc qua lắc lại gây nứt đập. Ngoài ra áp lực nước trong hồ cũng sẽ tạo các vết nứt. Thủy điện Sông Tranh 2 không những nứt đập mà còn sợ nứt bên dưới nền. Tất cả các vấn đề này cần có hội đồng các chuyên gia đa ngành chẩn đoán và xử lý ngay.

* Hiện Ban quản lý dự án thủy điện 3 đang gia cố nhằm hạn chế sự rò rỉ nước, phương pháp mà họ đang làm theo giáo sư liệu có ổn?

- Với phương pháp gia cố như vậy là không ổn. Họ khoan đẩy keo và các chất phụ gia như thế thì không thể chấp nhận được. Để xử lý đảm bảo triệt để, theo tôi, cần phải quan trắc thân đập mới quan sát phía thượng lưu coi vết nứt như thế nào. Cần ép bêtông mác cao vào các vết nứt chống thấm. Nếu chúng ta xử lý chậm, dòng chảy trong các khe nứt ngày càng rộng làm cho bêtông bị thủy hóa sẽ nhanh chóng giảm chất lượng. Đối với công trình này, theo tôi, không được chủ quan như các xử lý đơn giản như vừa rồi chủ đầu tư đã làm.

* Cục Kiểm định nhà nước đã yêu cầu chủ đầu tư rằng “nếu không khắc phục xong trước mùa mưa thì không cho Sông Tranh 2 tích nước”, theo giáo sư, giải pháp đó đã thật sự quyết liệt chưa?

- Yêu cầu như thế là nghiêm ngặt nhưng theo tôi cũng gây ra thiệt hại lớn. Nếu hồ không tích nước thì nhà máy sẽ không phát điện. Vì vậy phải nhanh chóng khắc phục. Để đảm bảo kỹ thuật công trình lâu dài, theo tôi là phải nhanh chóng cử đoàn chuyên gia quan trắc, xử lý ngay trong mùa hè. Sau đó đảm bảo công trình đi vào hoạt động trong mùa mưa lũ, đưa tới hiệu quả kinh tế không chỉ cho doanh nghiệp mà cho đất nước.

GS.TS Nguyễn Thế Hùng là phó chủ tịch Hội Cơ học thủy khí VN, tổ trưởng bộ môn cơ sở kỹ thuật thủy lợi khoa xây dựng thủy lợi - thủy điện Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo:

Kiểm tra các tồn tại của thủy điện ở Phú Yên

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc kiểm tra, xử lý những tồn tại trong quá trình xây dựng và hoạt động của các thủy điện tại tỉnh Phú Yên. Phó thủ tướng giao Bộ Công thương làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, UBND tỉnh Phú Yên, Tập đoàn Điện lực VN và chủ đầu tư các dự án thủy điện trên địa bàn Phú Yên để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong những vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện các dự án thủy điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Theo ông Nguyễn Thái Học - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, qua đợt giám sát được triển khai cuối năm 2011 và đầu năm 2012, đoàn giám sát đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trung ương và UBND tỉnh Phú Yên, trong đó kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến việc đầu tư và hoạt động các thủy điện. Theo ông Học, ngoài kiến nghị chỉ đạo xử lý việc các chủ đầu tư thủy điện chậm trồng trả lại diện tích rừng đã mất, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên còn kiến nghị các nội dung: bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho nhân dân trong vùng dự án chưa bảo đảm lợi ích; việc làm, ổn định đời sống lâu dài của người dân chưa thực hiện tốt; chưa thành lập ban điều hành chung về công tác xả lũ và điều tiết nước vào mùa khô trên sông Ba; xuất hiện tình trạng “dòng sông chết” do thủy điện gây ra... Bên cạnh đó, các đơn vị cũng chưa báo cáo cụ thể về chất lượng của các công trình thủy điện và quản lý kỹ thuật, bảo vệ an toàn đập.

Tỉnh Phú Yên đang có ba thủy điện lớn là Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng đi vào hoạt động với tổng công suất 354MW. Hiện có ba nhà máy thủy điện nhỏ đang triển khai thi công là La Hiêng 2 (18MW), Khe Cách (6MW) và Đá Đen (9MW).

DUY THANH

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Nhiều vết nứt trên đập thủy điện Sông Tranh 2Đập Sông Tranh "có vấn đề"EVN làm việc vụ thủy điện Sông Tranh 2Yêu cầu khắc phục lỗi đập thủy điện Sông TranhĐập thủy điện Sông Tranh 2: Khâu nào cũng có lỗiKhắc phục chỉ ở mức an dân!Nước tuôn như suối trong lòng đập

ĐĂNG NAM - HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên