29/12/2016 11:12 GMT+7

Đúng phải bảo vệ, sai phải đấu tranh

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Người lính xuất thân từ gia đình nông dân ở Bình Định, anh Huỳnh Kim Linh, sĩ quan trẻ của nhà giàn DK1 là người duy nhất hai lần nhận danh hiệu “Chính trị viên nhà giàn xuất sắc nhất Quân chủng hải quân”.

Huỳnh Kim Linh (phải) và một đồng đội trong lần về đất liền công tác - Ảnh: MY LĂNG
Huỳnh Kim Linh (phải) và một đồng đội trong lần về đất liền công tác - Ảnh: MY LĂNG

“Ai cũng có khó khăn riêng. Một khi coi như anh em thân thiết thì sẽ cùng vượt qua tất cả. Quan trọng nhất là tập thể phải đoàn kết thật sự. Đoàn kết không có nghĩa là xuôi chiều. Đúng phải bảo vệ. Sai phải đấu tranh

Chính trị viên HUỲNH KIM LINH

Đây là lần đầu tiên trong gần 30 năm thành lập nhà giàn DK1 mới có một người đạt được điều này.

Từng “sốc” vì nhà giàn quá nhỏ

28 tuổi đã mang hàm đại úy, nhìn Huỳnh Kim Linh đúng chất của lính biển: rám nắng, rắn rỏi và rất chững chạc. Tháng 5-2016, Linh được thăng quân hàm trước niên hạn một năm, từ thượng úy lên đại úy.

“Lần đầu tiên trong lịch sử thành lập nhà giàn DK1 mới có một sĩ quan hai lần nhận danh hiệu chính trị viên nhà giàn xuất sắc nhất quân chủng trong hai năm liên tiếp: năm 2014 và năm 2015” - thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh (chính trị viên tiểu đoàn DK1 - Bộ tư lệnh Vùng 2 hải quân) cho biết.

Bốn năm liền là chiến sĩ thi đua, tốt nghiệp với số điểm cao thứ nhì khóa, Linh rời Học viện Chính trị với hàm trung úy (năm 2011).

Từng thi đậu hai trường, một trường dân sự ở gần nhà và một trường quân sự. Nhưng cuối cùng Linh chọn vào quân đội vì muốn nối tiếp con đường mà ông nội mình đã đi, cống hiến và hi sinh. Và nguyện vọng của anh được về quân chủng hải quân.

“Thời còn là học viên, tôi hay lên thư viện đọc các tài liệu, sách báo viết về nhà giàn. Tôi đã thấy những nhà giàn nhỏ xíu đời đầu, nhìn rất chông chênh nhưng lại muốn ra đó, đơn giản chỉ vì muốn cống hiến khi mình còn trẻ” - Linh nói.

Tháng 9-2011, trung úy Huỳnh Kim Linh nhận quyết định về tiểu đoàn DK1 công tác. Tháng 3-2012, chàng sĩ quan trẻ ra nhà giàn Quế Đường A (nhà giàn 1/8) làm nhiệm vụ với vai trò là chính trị viên. “Lần đầu tiên nhìn thấy nhà giàn, tôi sốc vì nhà giàn nhỏ quá so với tưởng tượng” - Linh thành thật bảo.

Dưới ánh trăng đêm đầu tiên ở nhà giàn, chàng sĩ quan trẻ không ngủ được. Thao thức đến 1-2g sáng, nhìn ra thấy chỉ huy trưởng nhà giàn ngồi lặng lẽ hút thuốc trông ra biển, Linh bảo đó là hình ảnh khiến anh rất xúc động và bắt đầu cảm nhận về trọng trách của người chỉ huy ở nơi đóng quân hoàn toàn tách biệt với đất liền này.

“Có thể nhiều thứ làm anh ấy lo lắng nhưng không thể hiện ra lúc ban ngày để anh em thấy, cứ thu lại trong lòng mình” - Linh nói.

Khi Linh ra nhà giàn đã có điện, tivi, sóng điện thoại. Nhưng nhà giàn 1/8 thuộc thế hệ nhà nhỏ, ít nước dự trữ. Nước phải chia từng can, kể cả mùa mưa. Khó khăn về sinh hoạt không phải là vấn đề với người chính trị viên nhỏ tuổi nhất ở nhà giàn DK1/8.

Mới ra trường, làm chỉ huy mà lại nhỏ tuổi nhất trong khi nhiều người đã ở nhà giàn hơn 10 năm, 20 năm là những áp lực Linh phải vượt qua trong những ngày tháng đầu tiên.

Nhớ lại lúc đầu tiếp nhận công việc, anh chia sẻ:

“Nhà giàn là môi trường đặc thù: độc lập, xa bờ. Môi trường công tác không giống đơn vị nào trong toàn quân là có dân, có đất liền, trừ những đảo chìm. Nhà giàn giữa biển, tách biệt hoàn toàn. Muốn hiểu anh em, người chính trị viên phải gần gũi và tham gia chung các hoạt động: câu cá, trồng rau...

Mình cũng phải là người gương mẫu trước. Khi huấn luyện có thể không phải tham gia nhưng trời nắng, tôi cũng dang nắng huấn luyện cùng anh em. Làm chính trị viên không dễ vì rất khó kiểm soát, nắm bắt được tư tưởng, suy nghĩ trong đầu người khác.

Cùng là chỉ huy nhưng người chỉ huy quân sự dùng mệnh lệnh thì dễ hơn. Còn chính trị viên phải thuyết phục chứ không ra lệnh. Trong khi tính tôi nóng lắm. Sau một thời gian làm chính trị viên, tính cách đã điềm tĩnh hơn”.

Nhiều điều muốn làm lắm

Trải qua năm nhà giàn khác nhau: Tư Chính, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, Ba Kè, Huỳnh Kim Linh từng chứng kiến biết bao tình huống bão lòng khi đồng đội đang ở nhà giàn.

Năm 2012, đang công tác ngoài nhà giàn thì chỉ huy trưởng - trung tá Trương Văn Thủy - hay tin cha mất. Đang làm nhiệm vụ ngoài biển, người sĩ quan ấy không thể về chịu tang.

Thương đồng đội, anh cùng anh em lặng lẽ chuẩn bị mọi thứ làm bàn thờ, cố gắng tươm tất nhất có thể trong điều kiện thiếu thốn ở ngoài biển, để trung tá Thủy thắp hương tạ lỗi với cha và cũng để anh em mỗi người thắp một nén nhang như cách chia sẻ nỗi mất mát với đồng đội.

“Hôm ấy lần đầu tiên tôi thấy chỉ huy trưởng nhà giàn khóc. Tôi hiểu được tâm trạng anh ấy khi đó. Chính trị viên phải đặt mình vào hoàn cảnh của đồng đội để hiểu, thông cảm và chia sẻ bằng cái tâm, cái tình” - Huỳnh Kim Linh nói.

Những cố gắng của người chính trị viên trẻ đã mang lại kết quả mà Linh bảo rất tự hào về tập thể, ở tất cả những nhà giàn mình công tác.

Tất cả đợt kiểm tra toàn diện từ cấp Bộ Quốc phòng đến Quân chủng hải quân và Bộ tư lệnh Vùng... ở năm nhà giàn mà Linh là chính trị viên đều đạt xuất sắc.

Linh chiêm nghiệm: “Một ngày trôi qua rất chậm nhưng một năm lại rất ngắn. Nhìn lại thấy một năm chưa làm được gì thì tết đến, xuân về. Mới ngày nào tôi mang balô xuống tàu ra nhà giàn, nhìn lại đã hơn bốn năm trôi qua. Tuổi thanh xuân trôi qua nhanh quá mà còn rất nhiều điều mình muốn làm, muốn cống hiến”.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên