24/11/2019 17:16 GMT+7

Đừng ôm và hôn bé khi bạn bị ốm

MINH HẢI
MINH HẢI

TTO - Trẻ em dưới sáu tháng tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương khi nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) lây truyền khi được một người đang có dấu hiệu cúm, sốt ôm ấp và thơm má.

Đừng ôm và hôn bé khi bạn bị ốm - Ảnh 1.

Đừng thơm má, môi trẻ sơ sinh khi bạn đang bị ốm - Ảnh:S.Parenting

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), ở hầu hết mọi người, virus RSV gây ra các triệu chứng nhẹ như cảm lạnh, sổ mũi, chán ăn, ho, hắt hơi, sốt và thở khò khè. Ở trẻ nhỏ, các triệu chứng có thể chỉ là khó chịu, khó thở và giảm hoạt động. Đối với hầu hết mọi người, tình trạng này sẽ hết sau một hoặc hai tuần.

Nhưng đối với trẻ em dưới một tuổi, RSV có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, có thể dẫn tới tử vong. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng viêm phổi, viêm tiểu phế quản ở nhóm tuổi này.

Bác sĩ nhi khoa Tiffany Hill tại Trung tâm UT Health East Texas (Mỹ) cho biết người cao tuổi cũng có nguy cơ lây nhiễm virus này nhưng ở trẻ dưới 1 tuổi thì tình trạng nghiêm trọng tới mức vào viện.

"RSV không chỉ gây viêm đường hô hấp mà còn khiến cơ thể bé suy yếu và tạo điều kiện cho một số loại virus khác tấn công. Một số trường hợp các bé không thể thở được, phải dùng ống thở, nhưng vẫn rất khó cứu chữa", Tiffany Hill nói.

Để giảm bớt tình trạng khó thở của bé, cha mẹ nên cho con uống nước, sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng và rửa mũi, họng bằng nước muối sinh lý 0,9%. Trong trường hợp bệnh nặng hơn nên đưa bé đến bệnh viện.

Một người nếu đang bị cúm và có sẵn virus RSV trong người có thể truyền bệnh bằng cách ho và hắt hơi, khiến các giọt nước rơi vào mắt, mũi hoặc miệng của người khác. Virus RSV lây truyền trực tiếp bằng cách hôn vào mặt, môi và sẽ lây từ người này sang người khác theo cách đó. Thậm chí, nếu tay bạn vô tình tiếp xúc với bề mặt có chứa virus RSV rồi chạm lên mặt, miệng mình thì cũng có khả năng lây nhiễm.

Các chuyên gia của CDC khuyên những người có triệu chứng giống cảm lạnh nên che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Không nên che miệng bằng tay vì sau đó sẽ vô tình chạm tay vào mặt người khác; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây; tránh tiếp xúc gần gũi như hôn, bắt tay, chia sẻ ly tách và dụng cụ ăn uống với người khác trong thời gian bị cảm cúm.

Các bậc cha mẹ có con nhỏ càng nên cẩn thận khi để người khác tiếp xúc gần gũi với con mình, cần đảm bảo những người bị bệnh hoặc cảm thấy không khỏe không tiếp xúc thân mật với bé.

Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: suckhoe@tuoitre.com.vn. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cảm ơn.

MINH HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên