11/02/2004 06:02 GMT+7

Đừng nản chí, nếu vấp ngã...

A.H. thực hiện
A.H. thực hiện

TT - Ngày 11-3 tới Hà Minh Duy (18 tuổi, học lớp 12 Trường trung học Ulysses S. Grant, bang Oregon, Mỹ) sẽ cùng 39 HS trung học khác trên toàn nước Mỹ tham gia vòng chung kết cuộc thi tìm kiếm tài năng khoa học Intel (giải “Nobel trẻ”).

nZAqSGnl.jpgPhóng to
Hà Minh Duy bên sơ đồ thuyết trình đề tài của mình - Ảnh tư liệu

Đề tài của Duy được ban tổ chức giới thiệu là một trong bốn đề tài đáng chú ý nhất và khả năng lọt vào top 10 tài năng khoa học của nước Mỹ rất cao. Duy đã dành cho Nhịp sống trẻ cuộc trò chuyện qua mạng.

* Chào Duy, bạn đang chuẩn bị ra sao cho vòng chung kết?

- Ô, mình đang tự tin mà. Được biết lúc đó hội đồng giám khảo không những hỏi về đề tài của mình mà còn hỏi nhiều câu về khoa học nói chung. Họ không cần biết mình có trả lời đúng câu hỏi hay không mà chỉ cần biết mình trả lời được bao nhiêu, nên mình tự tin với những kinh nghiệm nghiên cứu của mình mấy năm qua. Gần đây mình tập trung đọc nhiều sách về triết học do những nhà khoa học về y khoa viết, đây là những tư tưởng đường lối và đạo đức trong y khoa. Đọc những sách này sẽ có tư duy và cách nhìn rộng và sâu về ngành.

* Duy bắt tay vào nghiên cứu đề tài khoa học lúc nào và nguyên do dẫn Duy đến đề tài đang nghiên cứu?

- Hai năm trước mình thực tập tám tuần trong kỳ nghỉ hè tại Bệnh viện Oregon thì được bà tiến sĩ Jeri Janowsky (giảng dạy tại ĐH Khoa học và y khoa Oregon) giao nghiên cứu một phần đề tài của tiến sĩ đang làm. Sau vài tuần mình phát hiện một hướng mới trong đề tài về ảnh hưởng của liệu pháp thay thế estrogen (ERT) dài hạn trên vùng não xám và não trắng thông qua thiết bị chẩn đoán hình ảnh cộng hưởng từ tính (ERT) nên đi theo hướng này.

Gần hai năm mình chuyên nghiên cứu đề tài này. Một số kết quả nghiên cứu mới cho thấy nếu nhận thức đúng về chất estrogen sẽ tìm ra được các giải pháp giúp phụ nữ lớn tuổi nhớ dai hơn, tỉnh táo hơn, giảm tốc độ lão hóa. Cũng như giảm tối đa nguy cơ nhiễm các bệnh về tim và ung thư. Mình cũng đang nghĩ đến khả năng nghiên cứu tương tự đối với nam giới. Kết quả nghiên cứu đến nay cũng là tiền đề ứng dụng chống bệnh loãng xương.

* Tò mò tí nhé, hằng ngày lịch hoạt động của Duy thế nào? Lúc nào học, lúc nào nghiên cứu, lúc nào ngủ thế?

- Mùa hè có nhiều thời gian nên mình lao vào nghiên cứu từ 9g-16g. Còn khi vào học thì thức dậy khoảng 6g30, sau đó vào học tiết đầu từ 8g. Từ 15g mình đến phòng nghiên cứu của ĐH Khoa học và y khoa Oregon trên đỉnh núi để nghiên cứu đến 19-20g. Về nhà thì lo bài vở đến 23-24g.

* Duy sang Mỹ lâu chưa? Điều gì Duy tâm đắc và muốn chia sẻ với các bạn đồng lứa ở VN?

- Mình sang đây từ năm 4 tuổi (tuy nhiên Duy nói tiếng Việt rất sõi), nhà Duy lúc trước ở đường Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM. Còn điều tâm đắc, nếu vấp ngã, mình và các bạn hãy tập đứng dậy ngay và đừng nản chí, không có gì là khó khăn cả.

* Thời gian nghỉ Duy thường làm gì?

- Xem phim VN, đi hát trong dàn đồng ca acappella ở trường trung học. Nghe nhạc VN rồi hát nhạc VN, đi vòng vòng thành phố.

* Sắp đến lễ Valentine, bạn tính mua quà gì cho bạn gái thế?

- Ái chà, chưa nghĩ tới đâu ạ.

A.H. thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên