Hình ảnh Hội An hiện lên với chú thích Fuling, China trong phim Mỹ Madame Secretary - Ảnh: TRẦN THANH chụp lại màn hình
Hình ảnh Hội An được gán cho Phù Lăng (Fuling) xuất hiện trong tập 4 - mùa một của bộ phim Madame Secretary - loạt phim truyền hình do Đài CBS (Mỹ) sản xuất và chiếu từ 2014 đến 2019, được Nelflix mua bản quyền chiếu trực tuyến.
Trong phim, Phù Lăng được nhắc đến như là quê nhà của cô gái Trung Quốc đang ở Mỹ. Hình ảnh Hội An chỉ xuất hiện khoảng hai giây để giới thiệu bối cảnh. Địa danh Phù Lăng này có thể là hư cấu, còn ngoài đời Phù Lăng là một quận thuộc thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc.
Không chỉ vậy, phim khá cẩu thả khi để lọt bảng tên quán ăn tiếng Việt như "bánh vạc" vào cảnh này, nếu phóng to có thể thấy.
"Cảnh được đề cập nằm trong bộ phim Madam Secretary lên sóng từ năm 2014. Đây là sản phẩm dựa trên kịch bản hư cấu. Bộ phim này không có trên Netflix Việt Nam. Tất cả sự trùng hợp với tình huống hoặc địa điểm có thật đều không phải là chủ ý" - Netflix phản hồi với Tuổi Trẻ, thông qua công ty đại diện truyền thông tại Việt Nam.
Luồng ý kiến đồng tình dựa vào hai luận điểm "phim và cảnh phim đó là hư cấu" và "Madam Secretary không chiếu trên Netflix Việt Nam".
Trên fanpage của Alex Cao, khán giả lên tiếng về sự việc hồi tháng 5, tranh luận nổ ra. Hầu hết khán giả Mỹ và Canada không thể hiểu vì sao khán giả Việt Nam lại giận dữ đến vậy, khi việc dùng bối cảnh giả cho phim ảnh là rất phổ biến.
"Người ta quay Toronto và nói đó là New York, Los Angeles hay Vancouver. Lý do là kinh phí, chứ không phải hiện thực" - khán giả Patrick Escobar viết.
Chung quan điểm, có khán giả nêu ra thực tế rằng cảnh ở Thái Lan thường được dùng làm bối cảnh Việt Nam trong phim Mỹ. Gần nhất là Da 5 Bloods, phim sử dụng chợ nổi ở Thái Lan để quay cảnh cựu binh Mỹ du lịch miền Tây Việt Nam.
Nhưng từ quan điểm khác, chuyện không đơn giản như vậy. "Vấn đề là Hội An bị gán cho địa danh thuộc Trung Quốc, quốc gia có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Việt Nam" - một khán giả Việt phân tích.
"Khi Đài CBS, Netflix và nhà làm phim Mỹ không để tâm đến mối quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc, khán giả Việt lại càng phải lên tiếng mạnh mẽ để họ biết chúng ta không chấp nhận địa danh biểu tượng của nước mình bị gán cho Trung Quốc" - Hoàng Anh, một khán giả ở TP.HCM, nói với Tuổi Trẻ.
Một lần nữa, vấn đề Việt Nam "vô nhân dạng" trong mắt giới làm phim Hollywood phải được nêu ra. Khi làm phim có yếu tố Việt Nam như Da 5 Bloods, họ "lơ" chúng ta và trình ra một bức chân dung đất nước, con người Việt Nam xa lạ đến buồn cười.
Và rồi ở một bộ phim không liên quan Việt Nam như Madam Secretary, họ vẫn sử dụng bối cảnh Việt Nam nhưng gán cho Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao phải là Hội An - thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam, với hình ảnh phố cổ về đêm đặc trưng? Tại sao họ không sử dụng chính hình ảnh quận Phù Lăng của thành phố Trùng Khánh hoặc bất cứ nơi nào thuộc Trung Quốc?
Đây có phải là sự vô tình của nhà làm phim không, hay là sự chủ đích nào đó? Hội An quá nổi tiếng, lấy cảnh thật nhiều người biết để đưa vào một bộ phim "hư cấu" là không thể chấp nhận.
Lâu nay giới làm phim Mỹ vẫn nhìn các quốc gia châu Á như những xứ sở ngoại lai, dễ đánh đồng với nhau. Việc này buộc phải thay đổi. Họ không thể cứ mượn bối cảnh hoặc làm phim có yếu tố Việt Nam nhưng không quan tâm gì đến văn hóa, chính trị Việt Nam.
Sở Thông tin - truyền thông tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản kiến nghị Bộ TT-TT, Bộ VH-TT&DL yêu cầu đơn vị sản xuất phim truyền hình Madame Secretary cắt bỏ ngay những thông tin, hình ảnh sai lệch về chủ quyền Việt Nam. (T.B.D.)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận