10/01/2013 03:13 GMT+7

Đừng làm sứt mẻ niềm tin

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Ngày 9-1, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo toàn quốc năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở nhiều vấn đề về nhiệm vụ của ngành tuyên giáo trước yêu cầu mới.

LLDuavCU.jpgPhóng to
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TTXVN

"Trình độ của nhân dân ta đã khác xưa nhiều, phương tiện thông tin giờ nhiều lắm, nếu chúng ta không đổi mới, không vươn lên nhanh, không làm mạnh thì rõ ràng là bất cập"

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong đó, Tổng bí thư nhấn mạnh: “Công tác tuyên giáo phải thường xuyên nắm bắt thật chắc, thật đúng về tư tưởng của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ đảng viên, triển khai đồng bộ các hoạt động một cách bài bản có chất lượng, hiệu quả cao hơn với nhiều hình thức, phương thức mới phù hợp. Đồng thời phải luôn đổi mới, không thể sáo mòn, bằng nhiều kênh thông tin phong phú, đa dạng”.

Tổng bí thư nói chúng ta vừa đi qua năm 2012 với bề bộn công việc, nhiều hoạt động sôi nổi, đầy ắp sự kiện, mở đầu là việc triển khai thực hiện nghị quyết trung ương 4 của Đảng. Cùng với đó là tập trung thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XI của Đảng đề ra; xử lý một loạt vấn đề nổi cộm bức xúc như tình trạng sản xuất đình trệ, nợ xấu ngân hàng, thị trường vàng, ngoại tệ, vấn đề biển Đông, nhất là sau khi thông qua Luật biển Việt Nam...

Tổng bí thư cho rằng ngành tuyên giáo nói chung và các cơ quan thông tin đại chúng đã tuyên truyền kịp thời các hoạt động quan trọng của trung ương và địa phương, nhất là các kỳ họp của trung ương, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội... được dư luận hết sức quan tâm. Tổng bí thư khẳng định: “Về không khí dân chủ, tôi từng nói là toàn dân bàn việc nước. Dân cùng tham gia với trung ương, cùng tham gia với Bộ Chính trị, với Quốc hội, với Chính phủ, trao đổi bàn bạc ngay từ khi còn chuẩn bị các dự thảo cho đến khi ra đời và cả quá trình triển khai thực hiện, giám sát”. Tuy nhiên, theo Tổng bí thư thì đấu tranh tư tưởng vẫn là một khâu yếu, nhất là với những thông tin xấu, độc hại trên các mạng, các blog cá nhân.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2013 của ngành tuyên giáo, Tổng bí thư lưu ý đến việc cần nhận thức đầy đủ hơn nữa, sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò của công tác tuyên giáo nói chung, công tác xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng nói riêng trong tình hình hiện nay. “Tư tưởng có thông thì làm việc mới thoải mái. Nhận thức có thống nhất thì mới thành hành động đoàn kết nhất trí được, mới có sức mạnh” - Tổng bí thư nói.

Tổng bí thư cũng nhấn mạnh: “Phải kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc về mục tiêu lý tưởng. Nắm chắc đường lối cơ bản của Đảng, vận dụng sáng tạo để thực hiện. Phải vững vàng không dao động, giữ vững niềm tin. Bây giờ nghe thấy nhiều khó khăn, tiêu cực, hình như niềm tin không được như trước, thậm chí là nhiều đồng chí lo ngại. Trong khó khăn càng phải vững niềm tin. Tuyên giáo làm sao để tạo ra được niềm tin, giữ vững, củng cố và tăng cường niềm tin vào Đảng, vào chế độ, vào nhân dân, vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Tuyệt đối không được làm ngược lại, đừng làm ruỗng niềm tin, rã niềm tin, sứt mẻ niềm tin, rạn nứt sự đoàn kết”.

Tại hội nghị, đề cập công tác thông tin tuyên truyền, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng trong thời đại bùng nổ thông tin, hơn ai hết các phương tiện thông tin đại chúng của Đảng, Nhà nước phải được cung cấp thông tin, định hướng thông tin kịp thời hơn. Có những vụ việc như tập trung đông người hay các vụ việc nhạy cảm khác... báo chí trong nước không đề cập thì báo chí nước ngoài lại đưa rất nhanh, rất dồn dập. “Theo tôi, về sự kiện, chúng ta cần đưa để mọi người thấy chúng ta không né tránh, không giấu giếm thông tin. Về phương thức, ta cần đưa bình luận để bày tỏ quan điểm cái gì ủng hộ, cái gì cần phê phán, như thế sẽ tạo thế chủ động về thông tin cho báo chí chúng ta và cũng định hướng được cho dư luận xã hội” - ông Doãn nói.

Trước đó, ông Hồ Quang Lợi (trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội) đề cập một kinh nghiệm của Hà Nội là tổ chức “nhóm chuyên gia” đấu tranh trực diện trên mạng Internet, tham gia bút chiến trên Internet. Đến nay, đã xây dựng được nhiều trang tin điện tử, hàng trăm tài khoản trên mạng.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Đinh Thế Huynh (ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương) đề nghị toàn ngành tiếp tục đổi mới hơn nữa phương thức công tác tuyên giáo, bám sát thực tế, tăng cường tính chủ động, phân tích xử lý linh hoạt các vấn đề phát sinh..., hoàn thành có chất lượng hiệu quả công tác tuyên giáo năm 2013.

Sẽ có chế tài nếu không cung cấp thông tin

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị ngành tuyên giáo xung quanh việc cung cấp thông tin cho báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Đỗ Quý Doãn nói:

- Nếu như chúng ta chủ động cung cấp thông tin, ví dụ như một vụ giải tỏa đền bù đất đai, trước lúc triển khai thì cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí về nội dung, mục đích, ý nghĩa, cách làm và đề nghị cần tập trung để định hướng nhằm tạo ra sự nhất quán trong chỉ đạo giữa trung ương và địa phương, thì tôi nghĩ chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều.

Chẳng hạn vụ nổ pháo hoa ở Mỹ Đình năm 2010. Ngay lập tức nhiều người ở khu vực đó đã dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh và đưa lên mạng. Báo chí nước ngoài đưa tin ngay sau vài phút với nhận định có thể nhiều người bị thương vong. Lúc đó đã có nhiều người lo ngại nếu đưa lên báo chí chính thống trong nước thì mai kia đến lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội người dân sẽ hoang mang, lo lắng. Nhưng không phải vậy, khi chúng ta cung cấp thông tin kịp thời thì người dân vẫn bình tĩnh tham gia các hoạt động kỷ niệm.

* Trong thông tin thì có những thông tin được coi là phức tạp, nhạy cảm. Vậy “nhạy cảm” ở đây hiểu như thế nào?

- Ban Bí thư có quy chế về thông tin những vấn đề phức tạp, nhạy cảm đã xác định cụ thể vấn đề như thế nào là nhạy cảm. Cá nhân tôi nghĩ việc tiếp cận cái này là một quá trình, bản thân mỗi nhà báo xác định nhạy cảm ở mức khác, tổng biên tập ở mức khác, cao hơn nữa thì khác. Cho nên ở đây rõ ràng là sự tích lũy từ vốn sống thực tiễn. Đặc biệt trong lĩnh vực báo chí, có những vấn đề đôi khi anh cảm thấy thông tin đó không sai, nhưng bản thân mình đưa lên thấy phân vân, áy náy thì mình phải hết sức cân nhắc.

* Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, tuy nhiên trong thực tế có những cơ quan thực hiện không nghiêm, tới đây giải pháp nào để khắc phục?

- Sau năm năm thực hiện quy chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và truyền thông tổng hợp ý kiến tất cả các bộ ngành và địa phương để trình Thủ tướng ban hành quyết định mới thay thế quyết định này. Hiện nay đã hoàn chỉnh, trong đó có những chế tài quy định có tính chất bắt buộc, nếu anh không thực hiện trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin thì coi như anh vi phạm quy định của Chính phủ. Chắc chắn lúc đó tính nghiêm minh của quy định sẽ cao hơn nhiều.

V.V.THÀNH ghi

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên