28/04/2014 08:15 GMT+7

Đừng làm đờn ca tài tử biến chất

TẤN ĐỨC - CHÍ QUỐC
TẤN ĐỨC - CHÍ QUỐC

TT - Ngày 27-4, tại khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (TP Bạc Liêu), nhiều giáo sư, nghệ nhân, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc và các nhà quản lý văn hóa đã cùng nhau thảo luận, tìm giải pháp để bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT).

Hàng chục ngàn người dự khai mạc Festival Đờn ca tài tửĐờn ca tài tử đã bắt rễ sâu vào đời sống Nhiều hoạt động hút khách tại Festival đờn ca tài tử

V5tblrDp.jpgPhóng to
Người dân về dự Festival đờn ca tài tử viếng mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng 27-4 - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Hội thảo mang tên “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT Nam bộ” do Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc VN) phối hợp với Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Vĩnh Ái - thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - cho rằng việc bảo tồn, phát triển ĐCTT là trách nhiệm của cả nước, nhưng nòng cốt phải là 21 tỉnh, thành Nam bộ có di sản này.

Xoay quanh ý kiến kết hợp ĐCTT với du lịch, GS.TS Trần Văn Khê bày tỏ lo ngại: “Hiện nay nhiều công ty du lịch tạo ra những dàn nhạc tài tử để phục vụ du khách, phần lớn là người nước ngoài. Nhưng điều đáng nói là trong vòng 15 phút làm sao có thể biểu diễn ĐCTT cho ra hồn, cho xuất thần được. Khách đến nghe cũng không phải người đồng điệu, chỉ là một người xa lạ khám phá một lối nhạc mà họ chưa nghe bao giờ, nên việc tổ chức nhiều dàn nhạc như vậy chỉ nhằm vào số lượng, còn chất lượng kém đi rất nhiều”.

"Đừng biến ĐCTT thành một tiết mục biểu diễn trên sân khấu, một món hàng. Phải để ĐCTT phát triển tự nhiên, phải giữ cái chất của ĐCTT, cái chất của nghệ thuật không vụ lợi; cái tài tử vốn có trong tiếng đờn, lời ca cũng như tình người trong ĐCTT không vì bất cứ một cái gì mà mất đi. Mất nó sẽ không còn ĐCTT nữa..."

GS.TS Trần Văn Khê

“Nếu muốn đưa ĐCTT vào du lịch thì phải chuẩn bị thật kỹ, nghệ nhân phải có tâm huyết, có thời gian thể hiện hết cái hay, cái độc đáo của ĐCTT, “buộc” du khách phải nghe mình. Đó mới là cách để bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT” - GS.TS Trần Văn Khê nói.

Cùng suy nghĩ này, GS Đặng Hoành Loan - nguyên phó viện trưởng Viện Âm nhạc VN - đề xuất những yêu cầu cụ thể: Nếu muốn đưa ĐCTT vào tour du lịch thì trong nhóm tài tử phải có người có năng lực giới thiệu khái quát về ĐCTT cho du khách trước khi biểu diễn; có người biết tiếng Anh để giới thiệu (nếu phục vụ khách nước ngoài) và đặc biệt “phải dành thời gian biểu diễn ít nhất 45 phút để các nghệ nhân ĐCTT thể hiện phần nào cái hay cái đẹp của ĐCTT”.

Nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ (Long An) nêu ý kiến “đã bảo tồn thì cần phải biết bảo tồn cái gì”. Theo ông, Viện Âm nhạc cần tổ chức thu âm ngay 20 bài bản tổ với sự tham gia của các nghệ nhân gạo cội để đạt độ chuẩn cao nhất, rồi phổ biến cho nhiều người biết. Theo ông Kỳ, bài bản tổ là cái gốc cần phải làm cho chuẩn trước. Song song đó, cần có chính sách đãi ngộ các nghệ nhân nắm giữ những tuyệt kỹ của nghệ thuật ĐCTT, xem đó như những “báu vật sống”. Song song với bảo tồn, cần phát động các phong trào sáng tác, sáng tạo bài bản mới trên nền căn bản của nghệ thuật ĐCTT, “qua thời gian sẽ chắt lọc được tinh hoa” - ông Kỳ đề xuất. Đó cũng là suy nghĩ và đề xuất của lãnh đạo ngành văn hóa nhiều địa phương khi đối diện thực tế là số người chơi ĐCTT đông, nhưng người biết hết các bài tổ thì chỉ “đếm trên bàn tay”.

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm - phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM - nêu một góc nhìn khác: “Chúng ta luẩn quẩn trong 20 bài bản tổ mấy chục năm qua mà thiếu yếu tố sáng tạo để duy trì sự phát triển”. Theo bà Liêm, trên nền tảng khuôn mẫu cũ, cần khơi gợi nên những sáng tạo mới mang hơi thở thời đại. GS.TS Trần Văn Khê nói thêm: “Có thể phát động sáng tác mới để chúng ta không những bảo tồn, gìn giữ mà còn phát huy nghệ thuật ĐCTT. Nhưng sáng tác đó không được làm cho nghệ thuật ĐCTT biến chất, mất đi tính đặc thù”.

TẤN ĐỨC - CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên