23/11/2019 17:26 GMT+7

Dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Đã thanh toán hợp đồng, không tăng nợ công

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Sau khi dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đã có các giải pháp thay thế nguồn điện và thanh toán, quyết toán cho nhà thầu, đảm bảo không làm tăng nợ công.

Dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Đã thanh toán hợp đồng, không tăng nợ công - Ảnh 1.

Chính phủ khẳng định đã có giải pháp thay thế nguồn điện hạt nhân khi dừng hoạt động - Ảnh: TL

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận.

Theo đó, ngay sau khi có quyết định dừng chủ trương thực hiện dự án ĐHN Ninh Thuận vào tháng 11 - 2016, các cơ quan chính phủ Việt Nam đã làm việc với đối tác nước ngoài.

Cụ thể, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng, Bộ Công thương đã có thư chính thức thông báo cho Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga (ROSATOM) và Bộ Kinh tế - công nghiệp và thương mại Nhật Bản (METI) về chủ trương dừng đầu tư dự án. Bộ Ngoại giao có công hàm thông báo chính thức gửi Chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ Nhật Bản.

Sau đó, các bên đã tiến hành họp bàn, phía Nga mong muốn giải quyết ổn thỏa các vấn đề liên quan thông qua thương lượng. Đối tác Nhật Bản cũng khẳng định sẽ không có bất cứ yêu cầu gì đối với các chi phí đã tài trợ, giúp đỡ, và bày tỏ mong muốn bảo tồn địa điểm quy hoạch để tránh lãng phí, có thể sử dụng sau này khi Việt Nam khởi động lại chương trình điện hạt nhân.

Theo đó, Chính phủ khẳng định đến nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thanh toán và thanh lý các hợp đồng tư vấn với các đơn vị tư vấn của Liên bang Nga liên quan đến dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1. Đối với các chi phí, hợp đồng trong nước, EVN cũng đã hoàn tất việc thanh toán, quyết toán các hợp đồng.

Để thúc đẩy phát triển tỉnh Ninh Thuận sau khi dự án dừng hoạt động, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 115 ngày 31- 8 - 2018 về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023.

Trong đó tập trung cho địa phương này thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, tổ hợp điện khí, đồng bộ lưới truyền tải, xây dựng khu du lịch Ninh Chữ, cụm công nghiệp…

Để đảm bảo nguồn thay thế sau khi dừng chủ trương thực hiện dự án ĐHN Ninh Thuận, giai đoạn năm 2020 đến năm 2030 cần bổ sung khoảng 6.000 MW nhiệt điện than và LNG nhập khẩu đủ năng lực để thay thế 4.600MW dự án ĐHN về sản lượng điện cho hệ thống.

Việc đầu tư các dự án nhiệt điện, than, khí và LNG nhập khẩu có thể xã hội hóa việc huy động vốn đầu tư thông qua các hình thức thực hiện dự án BOO, BOT,... nên không làm tăng nợ công cho ngân sách.

Báo cáo Chính phủ cũng khẳng định: trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh phát triển các dự án nhiệt điện than đã được quy hoạch, phát triển các dự án nhiệt điện khí, LNG, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thực hiện chương trình tiết kiệm..

Kiến nghị tái khởi động dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận Kiến nghị tái khởi động dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận

TTO - Ninh Thuận muốn chuyển đổi sử dụng mặt bằng hai nhà máy điện hạt nhân, song các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) kiến nghị cần cân nhắc thận trọng và sớm tái khởi động dự án này.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên