Theo các chuyên gia, nên tính giá điện cao cho các DN như thép, ximăng và tránh để người dân phải bù lỗ cho các đối tượng này. Trong ảnh: chuẩn bị lắp điện kế để tính tiền điện bán cho người dân Tây Nguyên- Ảnh: Trung Hà
Dự án điện phân nhôm Đắk Nông của Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân được cho là nhận được ưu đãi khủng, chỉ riêng giá điện đã nhận được 1 tỉ USD trong 10 năm.
Trong cuộc phỏng vấn với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Dương Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, người từng được phân công trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đối với dự án trên - bác bỏ thông tin ưu đãi khủng đó.
Theo ông Quang, đúng là dự án nhận được ưu đãi giá điện chỉ 5 cent/kWh khi đi vào hoạt động (tức khoảng 1.100 đồng/kWh), tuy nhiên, các tính toán cho thấy phần hỗ trợ từ Nhà nước chỉ là 0,19 cent/kWh.
Như vậy, với mức chênh lệch do có ưu đãi trong 10 năm, theo ông Quang, là khoảng 229,76 triệu USD (khoảng 5.000 tỉ đồng - PV), tuy nhiên, số thu thuế Nhà nước có được từ dự án này sau khi trừ đi khoản ưu đãi vẫn là 190,24 triệu USD...
Nhiều chuyên gia cho rằng việc Nhà nước có ưu đãi, bán điện giá rẻ cho doanh nghiệp để phát triển ngành công nghiệp có thể hợp lý, nhưng cũng cần hạn chế khả năng EVN mất cân đối, buộc phải dồn gánh nặng sang người mua điện khác.
Dù Nhà nước có "lời" trong thu thuế với doanh nghiệp thì người tiêu dùng điện vẫn có thể chịu thiệt, vì phải bù cho các dự án được ưu đãi.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, giá điện vừa tăng 6,08% từ ngày 1-12-2017 chưa phải cao, theo lộ trình sẽ còn tăng tiếp, vì thế vấn đề quan trọng là phải công bằng trong đánh giá, tính toán giá điện cho từng hộ tiêu thụ điện.
Theo ông Ngãi, một số dự án đặc thù có thể hưởng trợ giá, tuy nhiên các dự án công nghệ lạc hậu, ngốn nhiều điện thì phải chịu giá cao. Điều này thúc đẩy họ phải đổi mới công nghệ, tiết kiệm điện năng.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng, nhấn mạnh Việt Nam từ nước xuất khẩu năng lượng đã chuyển sang nhập khẩu năng lượng, nên về lâu về dài không nên ưu đãi cho những ngành tiêu tốn năng lượng, vừa có nguy cơ cho môi trường.
Hơn nữa, ông Sơn đặt vấn đề ưu đãi sẽ tạo ra sự không bình đẳng giữa các doanh nghiệp vì "tại sao doanh nghiệp này được hưởng giá điện thấp như vậy mà doanh nghiệp khác lại không?"
Theo ông Sơn, việc lấy tiền thuế hay tiền đóng góp của dân để ưu đãi cho doanh nghiệp trong giá bán lẻ điện cho người dân nói chung hầu hết đều cao hơn giá bán lẻ điện bình quân là không phù hợp.
"Không nên dồn gánh nặng giá điện lên người dân để ưu đãi cho một nhóm doanh nghiệp như vậy, mà cần có cơ chế giá phù hợp, khuyến khích đúng đối tượng nhưng phải đảm bảo theo giá thị trường," ông Sơn nói.
Ông Trần Viết Ngãi (Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam):
Tiêu thụ nhiều điện phải trả giá cao
Ảnh: T.Hà
Người dân dùng điện sinh hoạt càng nhiều càng phải trả giá cao, nên những dự án tiêu thụ năng lượng nhiều thì giá điện cũng phải cao. Đó là nguyên tắc cơ bản trong quản lý và ban hành giá điện.
Thực tế có những ngành như sắt thép, ximăng, hóa chất… tiêu thụ điện rất lớn, nên cần tính toán áp dụng mức giá cao.
Bên cạnh đó, cần tính toán hộ nào tiêu thụ nhiều điện mà dùng công nghệ lạc hậu sẽ phải trả giá cao để họ lo thu xếp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, đổi mới công nghệ.
Thực tế những yêu cầu ràng buộc hiện nay chưa chặt chẽ, trong khi vẫn yêu cầu doanh nghiệp sản xuất phải đổi mới công nghệ tiết kiệm điện. Không thể tiêu hao điện nhiều mà lại được bán giá thấp và dưới giá thành, đó là vô lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận