18/12/2018 13:02 GMT+7

Đừng đơn độc… đi tìm hạnh phúc

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Trước một tình huống bế tắc, thầy cô đừng đơn độc tìm cách giải quyết mà có thể chia sẻ chân thành với học sinh: “Cô đang bị “vỡ trận” rồi đây, các em có cao kiến gì giúp cô không?”. Với cách đó, thầy cô sẽ kéo học sinh về phía mình…

Đừng đơn độc… đi tìm hạnh phúc - Ảnh 1.

PGS -TS Trần Thị Lệ Thu, trưởng Bộ môn Tâm lý ứng dụng, Khoa Tâm lý - Giáo dục, trường ĐH Sư phạm Hà Nội - Ảnh: Vĩnh Hà

PGS-TS Trần Thị Lệ Thu, trưởng Bộ môn Tâm lý ứng dụng, Khoa Tâm lý - Giáo dục, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người đã và đang cố vấn cho một số trường và thầy cô thay đổi để xây dựng "lớp học hạnh phúc", đã chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Giảm áp lực hay chấp nhận?

* Là người cố vấn cho chương trình "Thầy cô cùng thay đổi" trên VTV7, đồng hành với các giáo viên trong hành trình thay đổi bản thân, bà có nhận xét gì về những cản trở, khó khăn dễ khiến giáo viên rơi vào tình trạng đi chệch quy chuẩn nghề nghiệp, thậm chí mất kiểm soát dẫn đến những ứng xử sai lầm?

- Đa số giáo viên bây giờ phải "tải" một lớp học đông (trừ ở trường tư). Chương trình nặng, áp lực thi cử lớn, áp lực từ yêu cầu thành tích của trường lớp và kì vọng của cha mẹ học sinh. Việc quản lý giáo dục còn có những bất cập nhất định khiến một số giáo viên khó chuyên tâm cho việc dạy học, giáo dục vì phải lo nhiều công việc hành chính không cần thiết.

Trong khi đó, học sinh hiện nay cũng có nhiều thay đổi về nhận thức và tâm lý. Cụ thể là nhanh nhạy với các vấn đề đời sống, có đòi hỏi cao hơn với giáo viên; một số em cũng dễ bị tác động, bị tổn thương, dễ mất kiểm soát trong hành vi, ứng xử.

Học sinh chịu áp lực từ cha mẹ, từ thầy cô nhưng đồng thời cũng là một trong số những nguyên nhân tạo nên áp lực cho thầy, cô, trực tiếp đẩy cảm xúc tiêu cực ở một số giáo viên khiến các thầy, cô có hành vi sai lầm.

* Một loạt các tọa đàm trong tuần qua để trao đôi về việc "giảm áp lực" cho giáo viên, coi đây là giải pháp chủ yếu để giải quyết khủng hoảng, tránh những sự việc đáng tiếc. Bà có cho rằng việc "giảm áp lực" là việc chính cần làm không?

- Chúng ta khó có một giải pháp duy nhất đúng và tối ưu cho thực trạng nêu trên, cá nhân con người và xã hội là như vậy - đa dạng và phức tạp. Điều chúng ta cần làm trước khi có bất cứ giải pháp cụ thể gì đó là hiểu và chấp nhận con người và xã hội là đa dạng, phức tạp như thế. Xã hội không hoàn hảo, giáo viên và học sinh cũng không hoàn hảo.

Rồi tùy theo mỗi tình huống sẽ có những cách giải quyết khác nhau nhưng phải trên một nguyên tắc tìm hiểu thật thấu đáo những nhân tố gốc rễ tạo nên khủng hoảng, với sự tiếp cận hệ thống và xử lý nhân văn dựa vào hệ giá trị được thống nhất.

Đơn cử như giá trị yêu thương, thấu hiểu, tôn trọng, sự an toàn… Đặt vào bối cảnh cụ thể trong nhà trường, cần đảm bảo quyền công dân, an sinh của cá nhân học sinh, phụ huynh, giáo viên, tôn trọng hoàn cảnh, tính riêng tư của cá nhân học sinh, giáo viên và cuộc sống gia đình họ, xem xét đến nhu cầu riêng, nhu cầu đặc biệt của mỗi học sinh.

Cùng với giáo viên, cán bộ quản lý, các cơ quan giáo dục, cả truyền thông cũng nên là một tấm gương trong hỗ trợ và xử lý khủng hoảng, sự cố của giáo viên. Trên tinh thần nếu sai thì xin lỗi, khó thì tìm cách hợp lực học hỏi, thay đổi, điều chỉnh. Nên chủ động giải thích đúng với cộng đồng, tránh phát biểu và phân tích một chiều, cực đoan, gây tin đồn và dự luận không đúng, tiêu cực. Đây cũng là một cách giáo dục học sinh rất hiệu quả - giáo dục qua những tấm gương thực của người lớn (người trưởng thành) chúng ta.

Không có gì là hoàn hảo

* Đồng hành cùng một số nhà trường trong việc thực hiện "lớp học hạnh phúc" bà có nghĩ là có thể đạt được mục tiêu này trong bối cảnh giáo dục đang còn quá nhiều bất cập?

- Lớp học hạnh phúc không phải lớp học hoàn hảo mà nó là tiến trình thay đổi tích cực, liên quan tới nhiều thành tố là giáo viên, học sinh, thậm chí cả phụ huynh học sinh…

Tuy nhiên, ở môi trường lớp học, mỗi giáo viên có thể tìm một "kế sách" linh hoạt để làm mềm hóa không khí, quan hệ thầy trò, để học trò đứng về phía mình, cùng với mình tích cực giải quyết khủng hoảng, giải quyết áp lực

* Những tình huống thực tế mà bà đã trải qua hoặc chứng kiến trong quá trình tư vấn cho các nhà trường, thầy cô giáo xây dựng lớp học hạnh phúc như thế nào?

- Là người đi tư vấn cho các thầy cô giáo ở phổ thông nhưng chính tôi cũng có những gặp khó khăn. Tôi cũng nhiều khi phải nói với học sinh hoặc sinh viên của tôi "hãy hiến kế cho cô đi".

Khi làm việc với các thầy cô ở phổ thông, một số người hay nói với tôi là khó có thể có được trạng thái vui vẻ, hạnh phúc khi bước vào một lớp học sinh nghịch ngợm, nói dối, vô lễ, không chịu học hành, không làm bài tập… Phản ứng thông thường là muốn xả ra ngoài sự bực bội.

Nhưng nếu quát mắng học sinh, phạt học sinh bằng những hình phạt nghiêm khắc, cứng nhắc thì sẽ không có hiệu quả. Học sinh có thể nghe theo nhưng chỉ là đối phó. Áp lực không những không giải quyết được mà còn nặng nề hơn với cả thầy và trò.

Nhưng nếu giáo viên chia sẻ cảm xúc, lo lắng của mình với học sinh và nói: "Cô muốn tìm một cách nào đó phù hợp (hoặc cô chịu rồi đấy), em có cách nào để giúp cô hiểu và làm gì đó tốt hơn cho em không?" thì có thể giáo viên sẽ nhận được tín hiệu "chia sẻ, mở lòng hoăc giúp đỡ" của học sinh.

Tôi cũng có lần nói câu đó với một sinh viên. Em đã khóc và nói với tôi về hoàn cảnh của em. Những thông tin em nói làm tôi bất ngờ. Tôi không nghĩ trong hoàn cảnh khó khăn đó mà em vẫn cố gắng trụ được và học tập.

Cách giáo viên và học sinh hiểu nhau, tương tác với nhau cũng không quá khó nếu mình tin vào cách làm đúng là lắng nghe để thấu hiểu.

* Nhưng trong các nhà trường hiện nay điều giáo viên và học sinh muốn đôi khi lại mâu thuẫn với yêu cầu trong hệ thống giáo dục…

- Điều đó có thể xảy ra nhưng nếu giáo viên có kĩ năng tốt, và có ý thức để quan sát, điều chỉnh bản thân thì vẫn dung hòa được.

Tôi từng bắt gặp một cô giáo ôm tập bài kiểm tra của học sinh, gặp tôi trong hành lang mà nước mắt chảy dài. Cô nói cô rất thương học sinh, các em bị học hành quá tải, rồi bài kiểm tra nhiều… Nhưng thương cũng chẳng thể thay đổi được vì muốn thi đỗ các con cần học tập và ôn luyện như thế.

Chúng tôi có trao đổi với nhau xung quanh việc làm thế nào để "áp lực của học sinh chuyển sang động lực". Vì chỉ có khi là động lực thì học sinh mới dễ dàng "chịu tải".

Lần sau gặp lại cô, cô kể với tôi cô đã chia sẻ tâm tư và lo lắng này với học sinh. Nhìn thấy cô khóc, nhiều học sinh rất cảm động. Các em suy nghĩ và thấy cô đã thương mình thế thì mình phải cố để không phụ lòng cô. Các em chủ động đề ra kế hoạch ôn tập. Nhiều học sinh gửi cho cô danh sách những vấn đề vướng mắc cần cô giúp đỡ.

Cô trò cứ thế trao đổi, cùng làm việc với nhau và các em vượt qua áp lực thi cử nhẹ nhàng hơn…

Giáo viên cần trợ giúp

* Chuyện cô vừa chia sẻ là một kinh nghiệm tốt. Nhưng chứng tỏ để vượt qua được những tình huống khó, rõ ràng giáo viên cần có kĩ năng nghiệp vụ vững vàng, không chỉ nắm kiến thức, có phương pháp dạy môn học của mình mà giáo viên cũng phải biết phân tích tâm lý, có những hiểu biết để có thể chia sẻ, hỗ trợ học sinh. Quan điểm của bà về việc này?

- Có một số thầy cô có khả năng tự học, tự biết tích lũy, nuôi dưỡng để thay đổi bản thân mình, Nhưng tôi nghĩ một số thầy, cô giáo ở phổ thông hiện nay cẫn có sự hỗ trợ bằng các khóa tập huấn, bằng sinh hoạt chuyên môn, câu lạc bộ trải nghiệm… Trong đó ngoài chia sẻ kinh nghiệm của đồng nghiệp, cần trợ giúp của các chuyên gia tâm lý giáo dục.

Nhưng tôi không cho rằng những cái giáo viên đang thiếu, đang cần bổ sung là kiến thức gì đó cao xa mà đơn giản hơn là cách khám phá bản thân, thay đổi bản thân để thích ứng với môi trường công việc, và có "sức đề kháng" (có kỹ năng ứng phó) với những vấn đề tiêu cực tác động đến mình.

* Với cách giúp đỡ của chương trình "Thầy cô cùng thay đổi", các thầy, cô tham gia cũng ngỡ ngàng với sự làm mới bản thân, các chuyên gia cố vấn đã có bí quyết gì?

- Không có gì to tát, cách các chuyên gia hỗ trợ là lắng nghe, thấu cảm với những khó khăn, những bối rối, bế tắc của các thầy, cô trong không gian và bối cảnh an toàn, hết sức tồn trọng. Đôi khi vấn đề ở thầy cô không phải là quá lớn chỉ là những điều phiền muộn và bế tắc nho nhỏ, nhưng nếu để lâu sẽ thành lớn hơn.

Nhưng khi được giải tỏa, họ tự tin hơn, dám đối diện với khó khăn và quyết tâm hành động. Các thầy cô không được trang bị thêm kiến thức chuyên môn nâng cao gì mà chỉ là những kiến thức, kỹ năng tâm lý ứng dụng, khám phá và tìm cách nuôi dưỡng những giá trị sống - kỹ năng sống tích cực mình đã có thôi. Thay đổi của các thầy cô tạo niềm tin cho nhiều thầy, cô giáo khác về việc hoàn toàn có thể bước qua khủng hoảng, khó khăn.

Để học trò hạnh phúc: Bắt đầu từ những việc nhỏ Để học trò hạnh phúc: Bắt đầu từ những việc nhỏ

TTO - Sau hai tháng được giao xây dựng "tiết học hạnh phúc", ngày 15-12, thầy cô giáo Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội ngồi lại với nhau để chia sẻ về những bài toán khó mà TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch hội đồng giáo dục trường, đặt ra.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên