Mấy ngày qua, những nghệ nhân đã được một số tổ chức hội công nhận với hình thức ghi nhận, tôn vinh vì những đóng góp của họ trong việc bảo tồn, trao truyền văn hóa phi vật thể của cha ông cho thế hệ hôm nay tỏ ra rất phân vân trước văn bản của Bộ VH-TT&DL yêu cầu dừng việc vinh danh này (Tuổi Trẻ ngày 12, 14-3).
Điều đó có thể ngầm hiểu là những bằng công nhận của một số tổ chức hội trao cho họ trước đó chẳng hề có giá trị gì? Về vấn đề này chỉ có những cơ quan có thẩm quyền mới trả lời một cách rốt ráo và thỏa đáng.
Hơn chục năm qua, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã công nhận cho gần 500 nghệ nhân văn hóa dân gian.
Cũng chính từ sự khởi phát tôn vinh nghệ nhân này mà mãi tới gần đây Nhà nước mới đưa vào hành lang pháp lý để xem xét, công nhận danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.
Nghệ nhân - hay theo cách gọi của UNESCO là “báu vật nhân văn sống” - rất cần được xã hội ghi nhận cho dù dưới hình thức nào, miễn là tôn vinh đúng giá trị mà họ đang nắm giữ.
Còn nhớ rằng, từ cách đây sáu năm, Tuổi Trẻ đã có nhiều bài viết phản ánh về sự chậm trễ của các bộ, ngành liên quan trong việc xét tặng, phong tặng Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Nhiều nghệ nhân đã mỏi mòn chờ đợi sự vinh danh với những quyền lợi và nghĩa vụ đi kèm. Nhưng “sinh có hạn, tử bất kỳ”.
Không ít nghệ nhân ở tuổi xưa nay hiếm đã ra đi và mang theo biết bao vốn cổ của các bậc tiền nhân trao truyền lại mà không được ghi nhận bằng bất kỳ danh hiệu nào. Đó là sự chậm trễ rất đáng tiếc. Và sự ra đi của họ là sự mất mát không thể bù đắp trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Sau khi có nghị định của Chính phủ đến nay, Nhà nước mới công nhận được hơn 600 Nghệ nhân ưu tú, trong đó gần 20 nghệ nhân là truy tặng. Đến năm 2018 thì mới đến lần xét, phong tặng Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú lần thứ hai.
Ai cũng biết việc phong tặng nghệ nhân phải đúng quy trình, thủ tục nhưng thử hỏi có ai biết từ nay đến thời điểm công bố danh sách nghệ nhân được phong tặng (2018), liệu mấy ai chờ đợi được?
Vậy nên, theo thiển nghĩ của người viết, bên cạnh việc yêu cầu dừng công nhận nghệ nhân hay nghệ nhân văn hóa của một số tổ chức, hội thì Bộ VH-TT&DL cần xem xét, đề xuất với cấp có thẩm quyền đẩy nhanh “tiến độ” công nhận Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú chứ không nên để ba năm mới xét tặng một lần.
Bởi “những người trong cuộc” đang ở độ tuổi “gần đất xa trời”. Có như vậy, hình thức tôn vinh của Nhà nước mới thật sự tạo nên nhiều giá trị và ý nghĩa, đồng thời góp phần hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần cho các nghệ nhân.
7 năm, 2.700 cây di sản Cũng liên quan tới câu chuyện bộ “dẹp loạn” danh hiệu, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết từ năm 2010 đến nay hội đã công nhận danh hiệu “Cây di sản” cho gần 2.700 cây trong 50 tỉnh thành của cả nước. Một thành viên của hội này (xin không nêu tên) nhận xét: “Cái gì tinh mới quý, chứ danh hiệu gì mà công nhận nhiều quá thì loãng!”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận