04/05/2018 11:43 GMT+7

Đừng để Sài Gòn - TP.HCM có chân dung mờ nhạt

KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH - THÁI LỘC ghi
KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH - THÁI LỘC ghi

TTO - Làm gì đương nhiên cũng nghĩ tới tiền, song tại sao không nghĩ tới chuyện thành phố mất cái gì khi phá đi một công trình cổ kính? Người dân TP.HCM mất cái gì? Ký ức của thành phố mất những gì?

Đừng để Sài Gòn - TP.HCM có chân dung mờ nhạt - Ảnh 1.

Câu chuyện ứng xử theo hướng "đập bỏ" với công trình kiến trúc từng là dinh Thượng Thơ ở trung tâm TP.HCM đang được chú ý bởi hai ý kiến quan trọng.

Thứ nhất, một vị quản lý của TP.HCM nói rằng kiến trúc này không phải là di tích được công nhận cho nên có thể phá đi. Thứ hai, một nhà chuyên môn nhận xét rằng để giữ lại thì phải trùng tu rất tốn kém, cho nên ủng hộ thay thế bằng công trình mới.

Theo ý kiến của vị quản lý thì nhiều người, nhiều nơi sẽ không công nhận di tích làm gì, hoặc hạn chế công nhận để dễ bề đập bỏ công trình cũ, công trình cổ đi, thay bằng công trình mới. Bởi lẽ, việc lập hay không lập hồ sơ di tích cũng do chính các nhà quản lý địa phương quyết định cả.

Tôi cho rằng một khi TP.HCM chỉ bảo tồn những công trình đã được xếp hạng là di tích, liệu còn có phải là TP.HCM sở hữu một tài nguyên di sản đô thị nữa hay không? Hay chỉ là một thành phố mới, xen cài thêm một số di tích?

Cần nhớ di sản đô thị là khái niệm rộng, gồm có những kiến trúc được công nhận là di tích, thậm chí được xem là biểu tượng đô thị.

Đồng thời, có rất nhiều công trình khác nữa, dù chưa phải là di tích nhưng lại có giá trị khác nhau về các mặt, từ lịch sử, văn hóa, cảnh quan đô thị, và đặc biệt là việc nó được tiếp nối sử dụng...

Tất cả phải được gìn giữ như những tài nguyên văn hóa vật chất đô thị, là một phần quan trọng cấu thành diện mạo đô thị, một phần tâm hồn đô thị, chứ không chỉ giữ những công trình đơn chiếc, công trình tiêu biểu.

Với dinh Thượng Thơ, có thể sẽ không được đề nghị công nhận là di tích. Nhưng nó đã tồn tại rất lâu dài, có giá trị lịch sử, giá trị như là một thành phần hiếm hoi trong di sản của thành phố; nó có giá trị thẩm mỹ nhất định, đặc biệt góp phần tạo dựng nên diện mạo của Sài Gòn - TP.HCM có một quá trình tồn tại lâu dài và có sự tích lũy tài nguyên đô thị.

Vì vậy, với TP.HCM cũng như Hà Nội, điều cần làm là đánh giá những di sản đô thị của thành phố mình, ngoài di tích ra còn chú ý nhiều thứ có giá trị ở nhiều phương diện khác, thậm chí cả những cây xanh cổ thụ...

Tất cả tạo ra diện mạo của thành phố, tạo ra tâm hồn thành phố, tạo ra sức hút thành phố và tạo ra tính riêng biệt, không lặp lại của thành phố.

Đối với ý kiến của nhà chuyên môn nói chuyện tốn kém tiền nong, thử hỏi đã ai tính toán đưa ra giải pháp về bảo tồn, trùng tu chưa, và hết bao nhiêu tiền?

Làm gì đương nhiên cũng nghĩ tới tiền, song tại sao không nghĩ tới chuyện thành phố mất cái gì khi phá công trình cổ kính ấy đi? Tình cảm của người dân TP.HCM mất cái gì? Ký ức của thành phố mất những gì?

Nếu tính toán được như vậy, tôi e rằng sự mất đi sẽ lớn hơn rất nhiều so với đồng tiền có thể đếm được bỏ ra để trùng tu công trình ấy.

Trung tâm Sài Gòn của TP.HCM đã được xây dựng cách đây hơn 100 năm, đương nhiên không còn đáp ứng được về quy hoạch, về giao thông, về dân số tăng gấp bội, càng không đáp ứng thẩm mỹ của các nhà quản lý hôm nay.

Một mặt, chúng ta cần phải trân trọng, phải cải tạo, phải nâng cấp và làm cho thích ứng với cuộc sống hôm nay một phần. Phần chính nhất là không được làm nghèo đi tài nguyên đô thị đó.

Để trung tâm này tồn tại được trong lòng thành phố khổng lồ thì phải mở ra những trung tâm mới. Tương tự trường hợp Hà Nội, không phải tất cả đều chất tải lên hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ vậy.

Nhìn lại TP.HCM hôm nay, những gì chúng ta đã tạo lập nên cũng là một tài sản rất lớn, cũng có những cái đẹp, cái chưa đẹp. Nhưng cái gì do quá khứ để lại, về cơ bản đã đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra diện mạo đặc sắc, riêng biệt của TP.HCM.

Chúng ta đã mất quá nhiều công trình tạo nên diện mạo riêng biệt của đô thị, bởi cách ứng xử phần nhiều là những cái dĩ vãng thường bị tỉa, bị xóa.

Và đừng để mất thêm nữa.

Bởi nếu tiếp tục đánh mất như thế, Sài Gòn - TP.HCM sẽ trở thành thành phố có chân dung mờ nhạt.

KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH - THÁI LỘC ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên