10/10/2022 09:09 GMT+7

Đừng để 'du lịch không ngủ' chỉ là ăn uống, bia bọt

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Chương trình Dân hỏi - chính quyền trả lời tháng 10 (sáng 9-10), chủ đề Phát huy giá trị lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch tại TP.HCM, đã bàn việc tìm cách phát triển sản phẩm "du lịch không ngủ" gắn với kinh tế đêm ở TP.HCM.

Đừng để du lịch không ngủ chỉ là ăn uống, bia bọt - Ảnh 1.

À ố show - Ảnh: LUNE

Ông Trần Thế Dũng - giám đốc Công ty Fiditour - bày tỏ TP.HCM đang rất thiếu các sản phẩm phục vụ du lịch về đêm, đặc biệt là các sản phẩm quảng bá các giá trị văn hóa phi vật thể. Thiếu các chương trình biểu diễn quy mô, có tính chuyên nghiệp hằng đêm để các công ty du lịch có thể đưa vào chương trình phục vụ du khách.

Không có nhà hát cố định, khó tổ chức show

Là đơn vị thành công trong việc xây dựng các show diễn nghệ thuật phục vụ du lịch như À ố show, Teh dar, Sương sớm..., ông Võ Thành Trung - giám đốc Công ty Lune Production - trăn trở: "Đáng buồn thành phố ta không có nhà hát nào thực sự đạt chuẩn quốc tế về sân khấu, hậu trường, khán đài và kỹ thuật biểu diễn. 

Chúng ta cũng không có những điểm được quy hoạch ngoài trời cho những hoạt động nghệ thuật quy mô lớn, ví dụ như sân khấu thực cảnh. Để phát triển các chương trình nghệ thuật bền vững, lâu dài thì chúng tôi cần sự hợp tác với các đơn vị công lập, thế nhưng quá trình hợp tác đó vẫn còn rất nhiều những rào cản".

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trung cho biết thêm công ty ông và Nhà hát thành phố hợp tác gần 10 năm nay rất tốt, nhưng cơ chế hợp tác lâu dài theo giao kết pháp lý dài hơi thì rõ ràng chưa có, chỉ tính theo tháng nên người đầu tư sẽ trong tâm trạng lo lắng. 

"Mặc dù chúng tôi đã ngồi lại tính toán rất kỹ nhưng vẫn có những chương trình đột xuất nên mỗi năm có gần chục chương trình biểu diễn của chúng tôi phải hủy trong khi vé đã bán trước. Các đơn vị du lịch luôn muốn làm việc với mình theo hợp đồng dài hạn nhưng mình thì không thể khẳng định chắc với họ ngày diễn cố định", ông Trung nói.

Đồng cảm với ông Trung, ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng (trong khuôn viên Cung văn hóa Lao động TP.HCM) - cũng cho rằng không có địa điểm cố định rất khó quảng bá, tổ chức show du lịch. Nhà sản xuất và đơn vị cho thuê nhà hát cũng phải hết sức chia sẻ, nương nhau để giữ địa điểm biểu diễn du lịch dài hơi như Rồng Vàng đến nay đã 15 năm.

Sắp triển khai các trung tâm biểu diễn

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho biết trong chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định sản phẩm "du lịch không ngủ" gắn với kinh tế đêm là một trong những sản phẩm đặc trưng của thành phố. Sở VH&TT và Sở Du lịch đã có kế hoạch liên tịch xây dựng các sản phẩm nghệ thuật hướng tới phục vụ du khách như đờn ca tài tử, hát bội, cải lương, âm nhạc dân tộc...

Sở cũng phối hợp các đơn vị để xây dựng các sản phẩm về đêm đưa vào tour, chương trình, ví dụ đi bộ quanh thành phố tham quan các di sản, kiến trúc trung tâm thành phố kết hợp xem các chương trình nghệ thuật như À ố show, múa rối nước, các hoạt động tại Nhà hát Trần Hữu Trang... Tham mưu cơ chế xây dựng các điểm biểu diễn chuyên nghiệp đảm bảo các chương trình biểu diễn định kỳ để phục vụ xây dựng các chương trình tour về đêm, thúc đẩy quảng bá di sản văn hóa.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - phó giám đốc Sở VH&TT TP.HCM - cho biết thời gian tới rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ sẽ được triển khai xây dựng. Bên cạnh đó là dự án Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM, trung tâm biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại quận 11... 

Ngoài ra, còn cải tạo, sửa chữa những nhà hát để giải quyết trước mắt cơ sở phục vụ cho biểu diễn nghệ thuật gắn với du lịch. Một trong số đó là rạp Công Nhân (trụ sở của Nhà hát Kịch TP.HCM) đang được sửa chữa và sắp đưa vào hoạt động, kết nối với phố đi bộ Bùi Viện để trở thành nơi tổ chức biểu diễn phục vụ cho chương trình phát triển kinh tế đêm của thành phố.

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM, đến tháng 8-2022, TP.HCM có 185 di tích được xếp hạng nhưng chỉ khoảng 40 di tích được du khách trong nước và quốc tế quan tâm, có nhu cầu tham quan. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể còn bất cập, thiếu tính đồng bộ, dẫn đến các sản phẩm về du lịch di sản văn hóa chưa đa dạng, thiếu tính hấp dẫn. (H.PHƯƠNG)

TP.HCM: TP.HCM: 'Du lịch không ngủ' gắn với kinh tế đêm

TTO - Với chủ đề ‘Phát huy giá trị lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch tại TP.HCM’, chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời tháng 10 diễn ra sáng 9-10 đã nêu lên thực trạng và các giải pháp phát triển du lịch gắn liền di sản văn hóa.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên