02/11/2016 08:59 GMT+7

​Đừng để đồng bào dân tộc “rớt lại quá xa”

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Trong khi các TP lớn kêu khó khi bị cắt giảm ngân sách thì sáng 2-11, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc Cao Thị Xuân đã nêu trước Quốc hội “bức tranh” đáng lo ngại ở các vùng đồng bào dân tộc.

Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc Cao Thị Xuân cho rằng nếu các vùng đồng bào dân tộc không được đầu tư tương xứng thì đất nước không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh: Cổng TTQH
Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc Cao Thị Xuân cho rằng nếu các vùng đồng bào dân tộc không được đầu tư tương xứng thì đất nước không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh: Cổng TTQH

Quốc hội dành cả ngày hôm nay và ngày mai để các đại biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Đại biểu Cao Thị Xuân cho rằng trước nhiều khó khăn, diễn biến bất lợi, thậm chí có những thời điểm đứng trước “sóng gió”, thì những nỗ lực, quyết tâm trong điều hành của Chính phủ trong năm 2016 đã đem lại kết quả tích cực.

Trong đó đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có mặt ở những điểm nóng để xử lý công việc, lắng nghe ý kiến của người dân và cơ quan chức năng.

Đánh giá về nội dung các báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc Cao Thị Xuân cho rằng vẫn nặng về các chỉ tiêu kinh tế mà nhẹ đánh giá các vấn đề xã hội.  

Nghèo đói, thất học, tảo hôn…

Trước Quốc hội, đại biểu Xuân nêu lên “những con số biết nói”: Cả nước có hơn 3 triệu hộ với hơn 13 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó 90% sống ở nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc khoảng hơn 23% (cao gấp hơn 3 lần tỷ lệ chung của cả nước).

Với một số dân tộc rất ít người, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tuyệt đại đa số, như: La Hủ 84%, Mảng 80%, Chứt 75%, Ơ Đu 63%... Thu nhập bình quân/đầu người dân tộc chỉ khoảng gần 1,2 triệu đồng (bằng 40% bình quân cả nước).

Cho đến nay, vẫn hơn 15% số hộ đang ở nhà tạm, khoảng 28% sử dụng hố xí không hợp vệ sinh, hơn 25% chưa được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh…

Về giáo dục, có gần 21% số người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên không thể đọc, viết và hiểu được một câu đơn giản bằng chữ phổ thông (tiếng Việt), đặc biệt là ở các dân tộc như La Hủ (hơn 65%), Lự (hơn 57%), Mảng (hơn 56%), Mông (hơn 53%)…

Về văn hóa, khoảng 2.200 xã chưa có nhà văn hóa (chiếm hơn 50% số xã vùng đồng bào dân tộc); có tới gần 99% số xã có trạm y tế, nhưng chỉ hơn 45% đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, có tới gần 27% tảo hôn, trong đó đáng báo động khi có tới 6,5 phần nghìn là hôn nhân cận huyết.

Vị Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc (cũng là một người dân tộc Mường) nhấn mạnh: “cử tri đề nghị Quốc hội xem xét để có chính sách phù hợp, không để khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc, khoảng cách phát triển giữa các khu vực ngày càng giãn ra, những vấn đề xã hội, an ninh trật tự… ngày càng phức tạp, ngáng trở mục tiêu phát triển bền vững”.

Tổn thương khi phải trông chờ cứu trợ

"Khẳng định sự quan tâm đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, đã được thực hiện liên tục trong nhiều năm và mang lại kết quả thiết thực, đảm bảo mức cơ bản về an sinh xã hội tại những vùng khó khăn.

Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận không ít chính sách thực hiện thiếu hiệu quả, không đến nơi đến chốn, không đủ nguồn lực thực hiện nên xảy ra tình trạng nhà nước nợ chính sách với đồng bào” - đại biểu Xuân nói.

Bà cho biết theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc thì đến nay tổng vốn cấp để thực hiện các chính sách mới được hơn 7.550 tỷ đồng/ tổng nhu cầu là 14.600 tỷ, tức là chỉ đáp ứng hơn 50%.

Có những tập đoàn - doanh nghiệp nhận “đỡ đầu” các huyện nghèo nhưng đã “đánh trống bỏ dùi”… Để mỗi khi thiên tai hoặc biến động nào đó xảy ra, thì đồng bào lại tủi phận, lại cảm thấy bị tổn thương khi phải trông chờ vào hai chữ “cứu trợ”.

Bà cũng nêu lên một hiện thực mâu thuẫn là: đến nay cả nước còn khoảng 1.400 thôn, ấp, bản chưa có điện.

Hai tỉnh Sơn La, Điện Biên, nơi có hàng chục vạn đồng bào phải di dời nơi ở, hy sinh cho Thủy điện Sơn La - nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với công suất 2.400 MW, lại là những địa phương có nhiều thôn, bản chưa có điện (Sơn La còn hơn 220 thôn, Điện Biên còn khoảng 130 thôn).

Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc “tha thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung vào các kế hoạch đầu tư, tái cơ cấu kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các mục riêng về khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt là phải dành nguồn lực đầu tư xứng đáng để giải quyết căn bản những tồn tại về giáo dục, văn hóa, thể chất, năng lực sản xuất cho đồng bào dân tộc. Chỉ khi có một nền tảng văn hóa - xã hội tốt thì đồng bào mới cải thiện được đời sống, kinh tế”.

“Đất nước đang trong giai đoạn hội nhập sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta đừng để các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số rớt lại quá xa ở phía sau” - đại biểu Cao Thị Xuân nhấn mạnh.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên