Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu trong buổi làm việc với Bộ Công thương - Ảnh: NGỌC AN
Truyền đạt ý chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết như vậy tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Công thương về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sáng 22-9.
Đừng để doanh nghiệp "chạy vắt chân lên cổ"
Liên quan đến các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã chủ động cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, giảm 40 bộ thủ tục danh mục hàng hóa, giảm 420 mã HS/720 mã phải kiểm tra trước thông quan.
Ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh đây là động thái tích cực, là bộ đầu tiên cắt giảm thủ tục, đổi mới trong phương thức kiểm tra, đặc biệt trong điều kiện nhiều bộ ngành thực hiện nhiều hoạt động kiểm tra chuyên ngành, nhưng tỉ lệ sai phạm phát hiện chỉ ở mức rất thấp là 0,06%.
Tuy nhiên, dẫn ra một vài trường hợp của doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn do hoạt động kiểm tra chuyên ngành liên quan đến Bộ Công Thương, ông Mai Tiến Dũng yêu cầu bộ này cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.
Trực tiếp đọc kiến nghị của một doanh nghiệp gặp khó khăn về thủ tục nhập khẩu thiết bị viễn thông, phải xin cấp giấy phép nhập khẩu và giấy hợp chuẩn hợp quy, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết là doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để xin các thủ tục này.
Cụ thể, xin giấy phép tạm nhập mất 1 tuần, đưa thiết bị tới nơi kiểm định mất 10 ngày, xin giấy hợp chuẩn hợp quy mất 10 ngày, xin giấy phép nhập khẩu mất tới 10 ngày.
Trong khi đó cơ quan Hải quan chỉ cho phép thời gian nộp các thủ tục chỉ trong vòng 30 ngày, khiến doanh nghiệp phải "chạy vắt chân lên cổ", nếu chỉ sai hay thiếu một loại giấy tờ thì phải mất thêm vài ngày.
"Đây là vấn đề doanh nghiệp đã gửi văn bản kiến nghị và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã trả lời nhưng doanh nghiệp chưa hài lòng. Do đó, cần tạo điều kiện hơn, theo hướng tạo thuận lợi để tháo gỡ cho doanh nghiệp".
Bộ trưởng Dũng cho rằng năm 2016 doanh nghiệp khởi nghiệp mới thành lập là 110.000 doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp ốm, đóng cửa cũng rất lớn. Vì vậy, số doanh nghiệp thành lập ra sẽ không có nghĩa nhiều nếu "ốm đau nhiều".
"Đây là tâm tư nguyện vọng của Thủ tướng đã yêu cầu chỉ đạo và Bộ Công Thương cần thực hiện nghiêm túc", ông Dũng nói.
Cần tiếp tục rà soát, tạo thuận lợi doanh nghiệp
Theo đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh Bộ Công Thương cần chú ý là hiện nay có tình trạng một mặt hàng kiểm tra chuyên ngành nhưng lại bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản, nên việc sửa đổi tới đây là làm sao để một mặt hàng bị điều chỉnh ít văn bản nhất.
Bên cạnh đó là tình trạng một mặt hàng chịu kiểm tra chuyên ngành của nhiều bộ, hoặc thậm chí một bộ ngành nhưng có vài cơ quan kiểm tra, Bộ trưởng yêu cầu nếu Bộ Công Thương có tình trạng này thì cần phải rà soát hơn, theo hướng là một mặt hàng giao cho một bộ chủ trì.
Ông Dũng cũng nêu ra tình trạng kiểm tra chuyên ngành nhưng bộ chuyên ngành không công bố quy chuẩn kỹ thuật, mà chỉ kiểm tra bằng cảm quan, bằng mắt. Nhiều trường hợp doanh nghiệp phải mang mẫu hàng hóa về bộ chuyên ngành để kiểm tra mẫu, gây mất thời gian.
Do đó, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh là cần đổi mới phương thức kiểm tra trên cơ sở là nếu mặt hàng nào để doanh nghiệp hay địa phương công bố tiêu chuẩn, thì nên để doanh nghiệp và địa phương tự công bố.
"Tuy nhiên, việc cắt giảm và xóa bỏ điều kiện kinh doanh không còn phù hợp là sự tự giác, là quan điểm xuyên suốt của bộ, làm công khai minh bạch và cầu thị", Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc với Tổ Công tác - Ảnh: NGỌC AN
Thủ tướng khen Bộ Công thương 3 vấn đề
Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng chuyển lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi Bộ Công Thương, đứng đầu là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong 3 vấn đề.
Trước hết, đánh giá rất cao Bộ Công Thương trong việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy. Đây là một bộ tiên phong trong vấn đề đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn theo chỉ đạo của Thủ tướng. Vừa qua, Bộ đã giảm được 5 đầu mối, đây là nỗ lực rất lớn của Bộ, cần ghi nhận.
Thứ hai, Thủ tướng biểu dương vừa qua Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ kéo dài.
Thứ ba, với quyết tâm cao nhất, ngày 21-9, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định phê duyệt phương án cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tức là cắt giảm 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh.
Trước đó, ngày 8-9, Bộ Công Thương đã quyết định xóa bỏ 420 mặt hàng trong danh mục 720 mặt hàng cần phải kiểm tra hàng hóa trước khi thông quan.
Cùng với đó, Bộ có nhiều đổi mới sáng tạo, thay đổi phương thức kiểm tra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, áp dụng quản lý rủi ro.
Theo chinhphu.vn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận