02/12/2015 08:07 GMT+7

Doanh nghiệp gặp khó từ cán bộ nhũng nhiễu

C.V.KÌNH - QUỲNH TRUNG
C.V.KÌNH - QUỲNH TRUNG

TT - Nhiều ý kiến cho thấy doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, từ chuyện cán bộ nhũng nhiễu, phần mềm lỗi, mã vạch in ra không quét được, đến thanh tra, kiểm tra quá nhiều...

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh (giữa) tại diễn đàn - Ảnh: Việt Dũng
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh (giữa) tại diễn đàn - Ảnh: Việt Dũng

Tại Diễn đàn doanh nghiệp VN (VBF) năm 2015 ngày 1-12, nhiều ý kiến cho thấy doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, từ chuyện cán bộ nhũng nhiễu, phần mềm lỗi, mã vạch in ra không quét được, đến thanh tra, kiểm tra quá nhiều...

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có báo cáo riêng về tình hình cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, trong đó khẳng định dù đã có cải cách nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn ở hai ngành này.

Vẫn kêu thuế, hải quan

Cụ thể, VCCI cho rằng chính sách về hải quan thay đổi nhanh đến mức doanh nghiệp chưa kịp cập nhật, nắm vững thông tư cũ thì thông tư mới đã được ban hành. Đặc biệt, một số cán bộ hải quan còn nhũng nhiễu doanh nghiệp. Có cán bộ hải quan hay hướng dẫn miệng, khi được yêu cầu ký vào phiếu nghiệp vụ thì từ chối để tránh trách nhiệm.

“Có cán bộ hải quan chưa văn minh, thờ ơ, vô cảm với khó khăn, tổn thất của doanh nghiệp” - VCCI khẳng định. Ngoài ra, theo VCCI, nhiều cơ quan hải quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp xuất trình giấy tờ ngoài quy định.

Cũng theo VCCI, phần mềm của ngành hải quan vẫn có vấn đề như thông báo sai tình trạng nợ tờ khai, nợ thuế, lệ phí...

“Khi doanh nghiệp báo gặp lỗi, hải quan yêu cầu hỏi... công ty cung cấp phần mềm - Công ty Thái Sơn. Tuy nhiên, khi hỏi Thái Sơn, doanh nghiệp này trả lời là họ chỉ cung cấp phần mềm đầu cuối, không cung cấp phần mềm hệ thống quản lý hải quan. Tình trạng này đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp” - VCCI cho biết.

Ông Shimon Tokuyama, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, cũng phản ảnh rằng từ tháng 4-2014, khi hệ thống thông quan tự động được áp dụng, một số cán bộ hải quan tại địa phương vẫn yêu cầu doanh nghiệp trả phí không chính thức. Tháng 1-2015, hiệp hội này đã ngồi thảo luận với tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về vấn đề này, nhưng theo ông Tokuyama, đến nay các doanh nghiệp Nhật vẫn phải có... “cách xử lý riêng lẻ”.

Ngay phần mềm kê khai thuế, VCCI cho biết cũng bị lỗi. Cụ thể, mã vạch khi nộp tờ khai thuế thường xuyên không quét được, phần mềm lại không cập nhật các biểu mẫu theo hướng dẫn trong thông tư của Bộ Tài chính.

Điều này dẫn đến tình trạng kê khai sai, doanh nghiệp lại phải... kê bản giấy mà sửa lại thì dễ bị chậm. Mặc dù không có lỗi nhưng nhiều doanh nghiệp phản ảnh đã bị phạt vì tình huống này.

Ông Fred Burke, đại diện nhóm công tác đầu tư và thương mại của VBF, nêu thực tế có cơ quan thuế địa phương đã thẳng thừng... bác bỏ ưu đãi trên giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp, đưa ý kiến khác hẳn văn bản hướng dẫn của Chính phủ dù đề nghị tôn trọng ưu đãi đầu tư đã được ghi rõ và đầy đủ trong giấy chứng nhận đầu tư.

Bà Sherry Boger, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, đề nghị Chính phủ Việt Nam chia sẻ về quan ngại “tham nhũng ngày càng lan rộng, gây tác động mang tính chất phá hủy, nguy hại đến cả nền kinh tế và xã hội”...

Bà Sherry Boger khuyến nghị đã đến lúc áp dụng hệ thống giảm khả năng chi trả cho tham nhũng bằng các bộ luật tương tự Luật phòng chống tham nhũng quốc tế Mỹ hay Luật chống hối lộ của Anh...

Doanh nghiệp lớn bị kiểm tra nhiều

Cũng tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch VCCI - cho biết rất hoan nghênh những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính ở Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính... nhưng cũng bày tỏ lo ngại rằng có tình trạng doanh nghiệp tư nhân càng lớn, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều.

Theo ông Lộc, đây là một trong những lực cản khiến các doanh nghiệp không lớn lên được, thậm chí quy mô bình quân của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhỏ dần. “Chúng tôi đề nghị có biện pháp khắc phục việc này” - ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, kết quả khảo sát của VCCI cho thấy kiểm tra thuế vẫn là “gánh nặng” với doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp phản ảnh trước đây trung bình hai năm mới bị kiểm tra một lần, nay mỗi năm bị kiểm tra một lần. Trong khi đó, “hiện có quá nhiều cơ quan có quyền thanh tra các vấn đề về thuế”.

Ông Lộc cho rằng môi trường kinh doanh lành mạnh phải là một môi trường kinh doanh an toàn. Trong khi đó, sự chậm trễ, hiện tượng oan sai trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế... đang phát đi những tín hiệu không tốt. “Cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới” - ông Lộc đề nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành tiếp thu và chủ động, khẩn trương giải quyết những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp. Khẳng định rằng các doanh nghiệp sẽ phải vào bối cảnh “thử thách khắc nghiệt” khi Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, rồi tiếp theo sẽ là các hiệp định quan trọng khác như TPP, ông Ninh yêu cầu các bộ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội theo hướng tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho người dân, doanh nghiệp.

* Ông Shimon Tokuyama (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam):

Cẩn thận với bẫy hội nhập

Chính phủ Việt Nam đã và đang rất tích cực triển khai ký kết hiệp định tự do, như TPP... Tuy nhiên, theo ông Tokuyama, khi thuế giảm sẽ có nhiều vấn đề phát sinh có thể khiến Việt Nam rơi vào tình thế phải cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia khác.

Ông đề nghị Chính phủ Việt Nam cần làm rõ các chính sách công nghiệp của mình. “Nếu không, Việt Nam sẽ chỉ có thể hấp dẫn doanh nghiệp với tư cách là một thị trường tiềm năng - nơi bán được nhiều sản phẩm” - ông cảnh báo bởi khi chỉ là nơi tiêu thụ thì sẽ rất khó có thể đảm bảo được việc làm cho thế hệ trẻ đang tăng lên và cải thiện mức sống của người dân.

Trước ý kiến băn khoăn về việc nhiều doanh nghiệp FDI trước đây chỉ phải xin duy nhất giấy chứng nhận đầu tư, nay phải xin thêm giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhiều giấy tờ trùng lặp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định “ghi nhận và đã hiểu”, đồng thời thông báo ngay: tới ngày 27-12-2015 tình hình sẽ thay đổi.

Cụ thể, nghị định hướng dẫn Luật đầu tư đã yêu cầu sở kế hoạch - đầu tư thiết lập cơ chế một cửa liên thông để đăng ký thành lập doanh nghiệp và đầu tư. Như vậy, doanh nghiệp có quyền nộp hồ sơ ở chỗ đăng ký đầu tư, rồi hồ sơ này sẽ được liên thông sang bên đăng ký doanh nghiệp. “Doanh nghiệp chỉ phải nộp hồ sơ một lần, giảm hồ sơ trùng lặp” - ông Vinh cam kết.

C.V.KÌNH - QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên