12/10/2018 12:00 GMT+7

Đừng để có dịch mới chống

T.DƯƠNG - L.ANH  - T.LŨY - A LỘC - B.ĐẤU
T.DƯƠNG - L.ANH - T.LŨY - A LỘC - B.ĐẤU

TTO - Chiều 11-10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM).

Đừng để có dịch mới chống - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ Y tế hỏi thăm người thân các bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) chiều 11-10 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tại buổi làm việc với lãnh đạo các đơn vị liên quan, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo đừng để có dịch mới đi chống dịch mà phòng dịch là phải làm thường xuyên, kiên trì... Phó thủ tướng chia sẻ mấy hôm nay ông đọc báo thấy có nhiều cháu nhỏ mắc bệnh tay chân miệng đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM điều trị. 

Cũng qua báo, ông biết các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện điều trị cho các bệnh nhi rất vất vả nên ông đã sắp xếp đến thăm bệnh viện, cảm ơn và chia sẻ với những vất vả của đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện.

Cách ly trẻ bệnh ở địa phương chưa tốt

"Chính quyền TP.HCM phải vào cuộc để làm sao cách ly được những trẻ mắc bệnh tay chân miệng, làm sao để cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng nghỉ hẳn không đến trường trong những ngày bị bệnh, vệ sinh trường học, vệ sinh nhà cửa, các bà mẹ quan tâm hơn đến các cháu" - ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nói tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Báo cáo với phó thủ tướng, ông Phu cho biết Cục Y tế dự phòng đã dự báo bệnh tay chân miệng tăng từ tháng 9 đến tháng 11 vì năm nào cũng thế. So sánh về tổng số ca mắc, năm nay số ca tay chân miệng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. 

Năm 2011 có 170 ca tay chân miệng tử vong, năm 2012 có 37 ca tử vong, những năm sau đó đã khống chế số ca tử vong mỗi năm còn 1-2 ca. 

Riêng năm nay, số ca tay chân miệng tăng cao ở một số tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có đặc thù giao lưu đi lại như TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Bệnh tay chân miệng lây theo đường phân - miệng nên rất liên quan đến vấn đề giao lưu đi lại và vấn đề vệ sinh. 

Vừa qua, Cục Y tế dự phòng cũng đến Biên Hòa và thấy rất căng thẳng về việc quản lý các nhà trọ, sự cách ly của những trẻ mắc tay chân miệng chưa tốt vì con mắc bệnh nhưng cha mẹ vẫn đi làm... Năm nay, số ca tử vong của bệnh tay chân miệng cũng cao hơn một vài ca so với những năm trước đó.

Ông Phu cũng lưu ý việc cách ly và phân loại bệnh tay chân miệng ở các tuyến dưới cũng rất quan trọng, vì nếu không bệnh tay chân miệng lại lây sang những bệnh nhân khác và bệnh nhân khác lại lây sang bệnh tay chân miệng.

Người truyền bệnh chính là người trong gia đình

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM Phan Trọng Lân cho biết so sánh số mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết tháng 9-2018 với tháng 9-2017 ở khu vực phía Nam hiện tương đồng, nhưng tháng 9 năm nay số mắc có tăng ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ. 

Ông Lân cũng cho rằng sốt xuất huyết, tay chân miệng và cả dịch sởi sẽ tập trung ở khu vực này.

Trong tình hình này, ông Lân cho rằng việc phòng bệnh cần chú trọng theo các thông điệp chính, cụ thể với dịch tay chân miệng thì yếu tố tiên quyết có hiệu quả để phòng bệnh là người chăm sóc trẻ, cha mẹ, ông bà, anh chị em cần rửa tay sạch khi chơi với trẻ, khi cho trẻ ăn, sau khi cho trẻ đi vệ sinh nhằm phòng bệnh.

Rửa tay phòng dịch

Ngày 13 và 14-10 tại TP.HCM và Hà Nội sẽ phát động chiến dịch truyền thông rửa tay phòng chống bệnh tay chân miệng, diệt muỗi, lăng quăng phòng sốt xuất huyết và tiêm văcxin phòng sởi.

Dồn lực dập dịch ngay từ đầu

Ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng so với cùng kỳ năm ngoái, ngoại trừ bệnh sởi tăng thì số mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng toàn quốc đều giảm, nhưng Đông Nam Bộ, Hà Nội và một số khu vực lại gia tăng.

Mùa dịch tay chân miệng thông thường còn kéo dài đến tháng 11, dịch sởi được coi là dịch bệnh mùa đông xuân, vẫn còn nguy cơ gia tăng số mắc và bùng phát thành dịch lớn nếu các hoạt động phòng chống không thật.

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong 4 tuần qua (từ tuần thứ 37 đến tuần 40) tổng số ca tay chân miệng tăng gấp 2 lần so với 4 tuần trước đó.

Tất cả 24 quận huyện đều có số ca bệnh tăng so với trung bình của 4 tuần trước đó... Nhiều bác sĩ lo lắng khi số bệnh nhi nhập viện dồn dập.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 7.000 ca tay chân miệng, hơn 4.000 ca sốt xuất huyết và trên 200 ca bệnh sởi.

Đặc biệt, từ tháng 8 đến nay, cả 3 loại dịch bệnh trên đều liên tục tăng mạnh. Trong đó, các khu vực tập trung nhiều nhà trọ công nhân lao động là những điểm nóng về dịch bệnh.

Một số tỉnh chưa có lưu ý về tăng dịch tay chân miệng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hay các tỉnh miền Trung trong 4 tuần qua cũng đang tăng bệnh dồn dập.

Ghi nhận tại khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, từ khoảng 1 tháng nay đông nghẹt bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng. Nhiều ngày có đến 280-300 bệnh nhi, chủ yếu là bệnh tay chân miệng.

Tại An Giang, bác sĩ Đinh Mộng Hùng - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh - cũng cho biết các loại dịch bệnh như tay chân miệng và sốt xuất huyết đang gia tăng so với các tuần trước đó.

Theo ông Phu, tình hình thực tế các bệnh viện nhiều nơi đang quá tải bệnh nhi do dịch bệnh, không thể lơ là.

Cần phải rút kinh nghiệm những đợt dịch trước của một số loại bệnh như đợt năm 2017 Hà Nội phải căng mình chống chọi với một vụ dịch sốt xuất huyết "chưa từng có", số mắc tăng 20-30 lần chứ không phải 2-3 lần so với năm trước, nhiều gia đình cả nhà mắc bệnh, khốn khổ, điêu đứng.

Nhưng điều đáng nói là các dấu hiệu của vụ dịch lớn đã được cảnh báo từ tháng 7, tháng 8, nhưng hoạt động chống dịch chỉ thực sự bắt đầu từ tháng 9, khi đó dịch đã ở mức nặng nề và Hà Nội đã phải huy động hàng trăm ngàn người vào các tổ xung kích diệt lăng quăng để dập dịch.

Hàng chục tỉ đồng đã phải chi nhưng dịch vẫn kéo dài đến gần hết năm 2017 mới khống chế được.

Dịch sởi lớn năm 2014 cũng ở trong tình huống tương tự. Những ca tử vong và ca mắc đầu tiên đã được báo cáo từ Tết Nguyên đán 2014, nhưng hoạt động phòng chống hiệu quả thì tháng 4-2014 mới được triển khai.

Hậu quả là có trên 140 trẻ em tử vong vì bệnh sởi trong năm 2014.

Để tránh một vụ dịch lớn như đã xảy ra năm 2011 (dịch tay chân miệng), 2014 (dịch sởi) và 2016, 2017 (dịch sốt xuất huyết) do chậm trễ chống dịch thì nên tập trung, tâm huyết dồn lực dập dịch ngay từ đầu.

Vì sao dịch tập trung ở Đông Nam Bộ? Vì sao dịch tập trung ở Đông Nam Bộ?

TTO - PGS.TS Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng việc giao lưu đi lại nhiều như hiện nay, miễn dịch trong cộng đồng thấp đã ảnh hưởng đến việc lây lan bệnh sởi.

T.DƯƠNG - L.ANH - T.LŨY - A LỘC - B.ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên