Thời gian có thể giúp con người trở nên hoàn thiện hơn, nhưng cũng nên biết rằng có những trải nghiệm đẹp một khi chúng ta đã mất đi sẽ khó lấy lại được – Ảnh: TED
Bài chia sẻ của anh H.V, qua lời vợ anh, chị T.C.
Khi đến trường với tâm thế "chiến binh"
Năm 1997. Tôi còn nhớ gương mặt mình từng ngẩng rất cao ngày bước vào cổng ngôi trường trung học chuyên L. danh giá hàng đầu thành phố. Là một trong những học sinh hiếm hoi ở "trường làng" đậu vào đây, tôi cho mình quyền được kiêu hãnh.
Dù lớp của tôi toàn những "quái kiệt", thường chịu áp lực cạnh tranh cao nhưng vẫn có những bạn rất hòa đồng, thường giảng bài cho bạn khác khi cần thiết. Tôi không làm được như vậy.
Tôi có thể mới choàng vai, cười nói giờ ra chơi với một người bạn trong lớp nhưng sau đó sẵn sàng lén cầm bài kiểm tra của bạn lên "soi" từng chi tiết nhỏ, mách thầy khi thấy bạn cao điểm hơn.
Mỗi kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi, tôi học ngày đêm để tên mình được lọt vào danh sách đầu, và trở nên hằn học nếu bị loại. Rồi khi đoạt được giải thưởng, tôi lại cho mình cái quyền thuộc về "đẳng cấp" khác, bắt đầu lập nhóm chơi riêng.
Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu mỗi khi có đứa bạn nào đạt điểm thi cao hơn, xếp hạng trên mình hay đơn giản là khi bạn được thầy cô khen ở môn tôi đứng đầu lớp. Những hồn nhiên, rung động đầu đời dần được thay bằng sự đố kị, mệt mỏi. Thật ra tôi không phải cá biệt, nhiều bạn trong trường cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Có lẽ bạn đang thắc mắc đó là kiêu ngạo, sao lại dùng từ kiêu hãnh? Xin đừng hỏi những đứa trẻ 15 tuổi đầy non nớt, không có thời gian học kỹ năng sống về sự khác nhau của hai từ này, khi phụ huynh cũng chỉ thường tự hào, quan tâm những thành tích con mình đạt được hơn là chịu khó ngồi thật sự lắng nghe, giảng giải...
Và cũng vì "thương hiệu" chuyên và đứng đầu, mà ngày chọn trường đại học tôi chỉ được điền những cái tên danh giá nhất.
Tôi chọn ngoại thương, bưu chính viễn thông thay cho mĩ thuật công nghiệp. Và suốt bốn năm đại học, tôi vẫn giữ tinh thần "chiến binh" để sau đó trầy trật mãi mới kiếm được một việc làm tốt do có vấn đề về tinh thần làm việc nhóm…
Luôn ước được quay lại thời gian
Tôi hiện làm trong lĩnh vực tài chính, nhưng sâu thẳng trong tim vẫn đau đáu ước mong được theo đuổi mĩ thuật. Lập gia đình, guồng quay mưu sinh hiện chưa cho tôi thời gian, sự can đảm quay trở lại những nét vẽ. Với tôi, hiện mỗi ngày đi làm đều tưởng chừng dài vô tận. Một số đồng nghiệp cho rằng tôi đã có thể tiến xa hơn nếu tôi yêu nghề hơn. Tôi chỉ cười chua chát. Hơn bao giờ hết, tôi hiện hiểu rất rõ sự khác nhau giữa phát triển và phát triển bền vững.
Tôi nhận ra nhiều người bạn ngày xưa học thua mình nhưng nhờ có thời gian trau dồi kỹ năng mềm, được học ngành bản thân yêu thích… nên hiện sống thành công, hạnh phúc hơn hẳn tôi.
Dĩ nhiên tôi không đổ lỗi hoàn toàn cho trường chuyên, vì chính môi trường đó giúp tôi biết xung quanh vẫn còn rất nhiều người giỏi để buộc mình nỗ lực không ngừng. Biết đâu học ở trường thường, tôi lại càng trở nên ngạo mạn, kiêu căng hơn vì càng "không đối thủ"…
Nhưng việc từ nhỏ phải rèn mình ở các môi trường giáo dục khắc nghiệt, không nhận được sự cảm thông, cố vấn tinh thần từ phụ huynh và thầy cô… thì hệ lụy là điều khó tránh khỏi. Giá như ngày đó có người thầy nào đó nói tôi về sự đúng sai trong cách hành xử thay vì luôn nói về thành tích phải đạt được để không ai thất vọng… thì có thể cuộc sống của tôi đã khác.
Sau này, những lần trò chuyện với con, tôi vẫn thường nói: "Cha rất ít khi thất bại trong chuyên môn, học hành nhưng cha đã thất bại khi ra trường mà chẳng có nổi một người bạn thân (tôi giấu con việc tôi thậm chí còn chẳng được mời họp lớp). Nên việc của con không phải là học giỏi nhất mà hãy học sao cho vui, đáng nhớ nhất là được". Tôi mong con không đi vào vết xe đổ.
Có thể hơi mâu thuẫn, nhưng với tôi, thất bại lớn nhất của mình là đã từng không cho phép mình thất bại…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận