18/06/2022 12:32 GMT+7

'Đừng chơi graffiti hời hợt'

HUỲNH VY
HUỲNH VY

TTO - 'Nếu thích, hãy tìm hiểu thật kỹ văn hóa graffiti để biết mình nên và không nên làm gì. Đừng chơi graffiti một cách hời hợt, nó nhạy cảm lắm!'.

Đừng chơi graffiti hời hợt - Ảnh 1.

CRESK bên một tác phẩm graffiti - Ảnh: NVCC

Hơn 10 năm trước, khi còn là một cậu nhóc cuối cấp II, Lực đã bị "hớp hồn" bởi những hình vẽ ấn tượng trên một mảng tường ở quê nhà Vũng Tàu. 10 năm sau, với biệt danh CRESK, Lực không chỉ có được những tác phẩm lớn của riêng mình, mà còn sống được với niềm đam mê graffiti.

Đó chính là điều tự hào nhất của CRESK (tên thật là Nguyễn Tấn Lực, sinh năm 1997) khi chia sẻ về hành trình của mình. Bởi "sống được với đam mê" luôn là thử thách lớn với các nghệ sĩ độc lập.

Từ cậu nhóc thích vẽ vời...

Từ bé, Cresk đã mê vẽ và thích vẽ font chữ theo các tựa bìa truyện tranh. Cấp II, Cresk tham gia các nhóm chơi hiphop tại Vũng Tàu. 

"Một lần, hai bạn trong nhóm chỉ cho mình một bức tường do các anh ở Sài Gòn về vẽ và bảo đó là graffiti, mình choáng ngợp! Thì ra, đây chính là thứ mình đã luôn tìm kiếm". Nỗi "ám ảnh" với những bức vẽ đó đã mở ra cho Cresk cả thế giới rộng lớn và đầy tự do của graffiti.

Thời gian đầu chưa có chi phí, Cresk chủ yếu vẽ trên giấy. Khi phong cách cứng cáp hơn, Cresk bắt đầu thử sức với những chai sơn đầu tiên. "Với graffiti, kiểm soát được chai sơn là khó nhất. Mình phải mất đến 4 năm để thành thạo, vì chất lượng sơn xịt ngày xưa dở quá. Các bạn trẻ bây giờ thì có điều kiện tiếp cận nhanh hơn".

Nhọc nhằn, tốn kém, lại không được gia đình ủng hộ, nhưng Cresk không bỏ cuộc vì đã trót "mê" graffiti. Lên cấp III, Cresk dần được cộng đồng graffiti biết đến nhiều hơn vì ở Vũng Tàu hiếm ai chơi bộ môn này. Những lần được mời đi vẽ cho các quán cà phê, trà sữa ở quê, Cresk rất vui vì tác phẩm của mình có người yêu thích.

"Graffiti tự do, phóng khoáng, hoang dã, không quá khuôn khổ, rất hợp với cá tính của mình nên mình được thỏa sức sáng tạo. Lúc vẽ, mình đắm chìm vào tác phẩm và quên hết mọi thứ xung quanh. Tất nhiên để vẽ đẹp, kiến thức rất quan trọng. Đó là lý do mình chọn học đại học chuyên ngành thiết kế đồ họa", Cresk tâm sự về quyết định theo đuổi đam mê một cách chuyên nghiệp.

2 năm ở ĐH Văn Lang rồi 4 năm ở ĐH Mỹ thuật TP.HCM, vừa học vừa làm, Cresk vẫn tiếp tục gắn bó với những chai sơn và kết thêm nhiều bạn bè cùng đam mê trong giới. Năm 2017, nhóm Wallovers ra đời. 

Với hàng chục dự án cộng đồng ý nghĩa, nổi bật nhất là "Vietnam on the wall" - vẽ graffiti những thắng cảnh từ Bắc chí Nam với tổng diện tích 220m2 trên cung đường Nguyễn Hữu Cảnh trong suốt 2 tháng, Wallovers gây được tiếng vang lớn và từ đó cái tên Cresk cũng dần được biết đến rộng rãi.

Góp phần giúp graffiti được nhìn nhận tích cực hơn thông qua các tác phẩm đầu tư chỉn chu, đó cũng là mục tiêu mà Cresk và các thành viên của Wallovers mong muốn hướng tới.

Đừng chơi graffiti hời hợt - Ảnh 2.

CRESK bên một tác phẩm graffiti - Ảnh: NVCC

...Đến nghệ sĩ độc lập với những dự án ý nghĩa

Từ thành công với Wallovers, Cresk bắt đầu có thêm thu nhập thông qua những lời mời cộng tác với các nhãn hàng, tham gia các dự án, rồi ra mắt một Ẹc Art Shop nho nhỏ để bán các bản in tác phẩm cho những bạn bè yêu thích, và dần "sống được với graffiti".

Tự nhận mình "thích đủ thứ", Cresk mang vào graffiti cả âm nhạc, thể thao, nhiếp ảnh, biểu diễn, kiến thức hội họa và thiết kế học ở trường... Tất cả tạo nên một nghệ sĩ độc lập có căn bản tốt và thích thử nghiệm, vẽ được nhiều phong cách khác nhau.

Năm 2021, Cresk là một trong các nghệ sĩ được mời tham gia trình diễn và trưng bày tác phẩm tại Dinh Tổng lãnh sự Pháp trong sự kiện Jam - Vietnam Urban Art 2021 - chương trình nghệ thuật đường phố đánh dấu sự giao tiếp rộng rãi giữa graffiti và cộng đồng. 

Đầu năm 2022, Cresk tiếp tục góp mặt trong triển lãm "Spraying Board Việt Nam", thể hiện sự giao thoa giữa graffiti và ván trượt cùng các nghệ sĩ đến từ Pháp.

Mới đây nhất, Cresk vừa hợp tác cùng nữ nghệ sĩ đường phố Enni Vương đến từ Berlin thực hiện tác phẩm Hoa lớn chuyển tải 2 thông điệp "Tài nguyên, môi trường trên đất liền" và "Giáo dục có chất lượng" trên tòa chung cư số 1A - 1B Đinh Tiên Hoàng, quận 1 (TP.HCM). 

Đây là tác phẩm "lớn nhất" của CRESK, cũng là tác phẩm "liều lĩnh" nhất vì phải vẽ ở độ cao lên đến 40m. Vốn sợ độ cao, vậy mà Cresk dám cột thêm một cái thang chữ A trên cần cẩu để với đến độ cao nhất. 

"Giờ nghĩ lại thấy ghê, nhưng lúc đó mình chỉ khao khát chinh phục cho bằng được. Có lẽ vì chơi graffiti, ai cũng mơ có ngày sẽ được vẽ trên một tòa nhà hoành tráng như vậy. Mình rất tự hào".

Hiện tại ở Việt Nam, mọi người đang nhìn nhận graffti tích cực hơn. Việc xin tường để vẽ cũng dễ hơn nên đa phần các bạn sẽ xin phép để có thời gian đầu tư cho tác phẩm, hạn chế bombing (vẽ "đánh bom" trái phép). Nhờ đó, chất lượng tác phẩm tốt hơn, ít bị xóa và giữ được lâu hơn. Các bạn mới cũng có cơ hội tiếp cận graffiti dễ dàng hơn.

"Mình không phản đối bombing vì đó là khởi nguồn tạo nên graffiti, cũng có những bức bombing rất đẹp. Nhưng không thiếu người chơi hời hợt, bạ đâu vẽ đấy, không hiểu những quy tắc riêng của graffiti, gây ảnh hưởng đến các bạn chơi nghiêm túc và đầu tư cho tác phẩm", Cresk trăn trở. "Nếu thích, hãy tìm hiểu thật kỹ văn hóa graffiti để biết mình nên và không nên làm gì. Đừng chơi graffiti một cách hời hợt, nó nhạy cảm lắm!".

Những gam màu tươi sáng

Tác phẩm của Cresk dễ chinh phục người xem bởi những gam màu tươi sáng, đường nét cong tròn mềm mại và hình tượng "cô bé ẸC" lý lắc, dễ thương trong các sinh hoạt đời thường. Qua đó, Cresk chia sẻ góc nhìn về những định kiến mà phụ nữ Việt phải đối mặt trong đời sống hiện đại.

"Trước đây, phong cách của mình rất phức tạp, u tối và nặng nề. Hình tượng nhân vật ban đầu là Lady DONG, một phụ nữ trưởng thành với nhiều ẩn ức khó biểu đạt thành lời. Nhưng càng vẽ mình càng đơn giản, cô đọng và súc tích hơn. Nhân vật cũng thu bé lại thành bé ẸC đậm chất hoạt hình".

Thay vì tiêu cực bi quan, Cresk chọn tập trung vào những điều tươi sáng. Góc nhìn này cũng phù hợp với sự phát triển của graffiti.

Vẽ tranh graffiti trên thế giới: phá hoại hay nghệ thuật? Vẽ tranh graffiti trên thế giới: phá hoại hay nghệ thuật?

TTO - Tranh vẽ đường phố graffiti có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu, từ góc phố cho đến xe lửa, metro ở khắp thế giới. Song ranh giới giữa phá hoại và nghệ thuật khá mong manh.

HUỲNH VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: graffiti CRESK