TTO - Bài viết và hình ảnh về thực tế Thi vào lớp 1 như thi đại học! đang nhận được nhiều ý kiến từ bạn đọc. Hầu hết ý kiến cho rằng không nên để con trẻ sớm chịu áp lực thi cử.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng lý giải vì sao nhiều ông bố bà mẹ vắt hết sức mình lẫn sức con để có thể tìm được một suất học trong những trường tiểu học danh tiếng.
Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến.
Phóng to |
Hàng dài phụ huynh sốt ruột đợi con kín cổng trường ngay sau ngày thi đầu tiên vào lớp 1 tại Trường tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội - Ảnh: TIỂU MÃ |
Hi sinh đời bố, củng cố đời con!
Tôi là một bà mẹ và cũng đang cho con theo học những lớp ôn như vậy để có một suất vào tiểu học. Thực ra, chẳng có ông bố, bà mẹ nào muốn tạo áp lực cho con và cũng tự làm khổ mình như vậy. Tất cả chỉ là "cực chẳng đã" mà thôi.
Vì sao chọn trường dân lập? Vì sao phải mất nhiều tiền để các cháu được vào trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Lê Quý Đôn...? Tại sao chúng tôi ráng chi trả mức chi phí học hành mỗi tháng 5-7 triệu đồng cho con - trong khi số tiền ấy là sự cố gắng tối đa của vợ chồng công chức? Chẳng phải giàu có, nhưng chúng tôi buộc phải lựa chọn như vậy. Học một trường tiểu học ở gần nhà, con trẻ đỡ vất vả ư? Ai chẳng muốn. Nhưng cứ thử tìm xem, 100% các trường tiểu học bây giờ đều đang vận dụng mô hình "chạy theo thành tích".
Đứa con lớn của tôi đã từng theo học một trường tốt của thành phố, sĩ số lúc nào cũng trên 50. Học ngày, học đêm, lúc nào cũng áp lực về điểm. Và nực cười nhất là đến kỳ thi môn văn, cô giáo sẽ giúp làm dàn bài, rồi cô cũng giúp gần như hoàn thành bài và về nhà, các cháu chỉ việc học thuộc lòng, từng dấu chấm, dấu phẩy... để có một điểm giỏi cho kỳ thi. Học xong, thi xong thì các cháu quên hết.
Đọc sách giáo khoa của cháu, tôi thấy có bài dạy về "cách nấu cơm", tôi thử hỏi cháu, vậy nấu cơm phải làm thế nào? Cháu bảo rằng cô giáo không dạy vì cái đó quá đơn giản, tự học là chính. Hỡi ơi, nền giáo dục chỉ chú trọng đến những cái cao siêu theo kiểu đọc chép và học thuộc lòng. Rõ ràng, các trường công lập đang đào tạo những con gà công nghiệp, những công dân trong máy lạnh. Các cháu quá thiếu kiến thức thực tế, còn những cái cao siêu thì "học nhiều, quên nhiều".
Sao mới lớp 1 đã căng đến thế? Tôi không hiểu Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đang làm gì? Thi tuyển vào lớp 1 có lẽ chỉ xảy ra ở nước ta. Thế thì làm sao thực hiện được khẩu hiệu "Toàn dân đưa trẻ đến trường"? Quyền được học là quyền của mỗi con người. Vậy mà mới vào lớp 1 đã căng đến thế. Nguyễn Hoàng |
Trong khi đó, các trường ngoài công lập lại rất chú trọng đến "kỹ năng mềm", giúp các cháu tự tin trong cuộc sống, chủ động đối phó với những khó khăn, giúp các cháu yêu thương và chia sẻ với những người xung quanh, với cha mẹ, với cô giúp việc... Những việc tưởng như hết sức giản đơn đó nhưng lại vô cùng cần thiết. Và một điều đặc biệt nữa, chúng tôi không muốn con em mình 5 năm liền phải chịu sức ép học tập, học ở trường, học nhà cô, học ở trung tâm... Thôi thì đành cắn răng lo cho con có một môi trường tốt để chúng phát triển toàn diện. Thôi thì hi sinh đời bố để củng cố đời con vậy!
Nhưng tôi vẫn luôn băn khoăn rằng tại sao các trường dân lập chuyển đổi mô hình giáo dục đào tạo nhanh nhạy như vậy trong khi các trường công lập cứ chậm rãi, trì trệ. Và còn đau lòng hơn khi con gái tôi (năm ngoái học lớp 5) kể rằng lớp con hầu hết phải đi học thêm nhà cô giáo chủ nhiệm. Cô phân loại, nhóm học tốt phải bồi dưỡng để đi thi. Nhóm giữa thì phải phấn đấu để có thể đạt học sinh giỏi ở cấp 2. Nhóm cuối thì phải học tăng tốc (1 tuần 3 tối) để đuổi kịp các bạn. Và nhìn vào mức học phí, con tôi nhẩm tính, mỗi tháng, chỉ riêng dạy thêm, cô đã thu nhập hơn 40 triệu mẹ ạ.
Ôi, thương quá những đứa trẻ. Kỳ thi tuyển vào lớp 1 đang đến gần. Trường dân lập mở cửa, tha hồ chọn các cháu giỏi, lại đàng hoàng thu tiền với mức học phí cao. Họ hoàn toàn ngẩng cao đầu vì bố mẹ các cháu tự nguyện. Mà đã theo dân lập cấp 1 thì đương nhiên phải theo cả cấp 2 và cấp 3. Thế là bố mẹ các cháu cứ nai lưng ra mà kiếm tiền cho con ăn học. Nghịch lý này, chỉ có ngành giáo dục mới trả lời thấu đáo.
Bùi Hương Giang
Chưa từng đi học thì thi cái gì?
Tại sao phải tổ chức thi tuyển học sinh lớp 1? Thi tuyển thì thi cái gì vì các cháu mới ở độ tuổi đi học lần đầu tiên? Chính vì các trường đề ra việc thi tuyển nên phụ huynh mới phải chạy chọt cho con luyện thi, sao không cương quyết trường ở khu vực nào thì chỉ nhận học sinh khu vực đó?
Tôi nghĩ các cháu thiếu nhi khi đến tuổi đi học thì đương nhiên tất cả sẽ được nhận vào lớp mà không phải cầu cạnh như thế này. Ngành giáo dục Việt Nam đã loay hoay nhiều năm nhưng vẫn chưa dẹp bỏ được vấn nạn chạy trường chạy lớp, nhồi nhét kiến thức cho các cháu thiếu nhi, chẳng trách sao giáo dục nước ta mãi thua sút các nước khác trên thế giới.
Quỳnh Trang
Đừng để trẻ bị hệ lụy từ bố mẹ
Là bố mẹ ai mà không mong muốn con mình được những điều tốt nhất, tuy nhiên có nên vì ánh hào quang giàu có của mình mà bắt buộc con em phải có đẳng cấp nổi bật theo? Chẳng khác nào mình dạy cho con em sự tự ái giàu nghèo, sự phân cấp xã hội ngay từ nhỏ.
Sách thì cũng là sách thôi, sách đâu có phân biệt người đọc là giỏi hay kém, giàu hay nghèo? Trẻ em vẫn cứ là trẻ em, đừng để các em bị hệ lụy từ bố mẹ.
Nguyễn Trinh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận