08/07/2021 07:03 GMT+7

Đức chuyển vắc xin AstraZeneca cho nước nghèo, không mua thêm

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Chính phủ Đức đã quyết định chuyển tất cả số vắc xin AstraZeneca tồn kho cho các nước nghèo và đang phát triển trong tháng 8 tới. Ít nhất 500.000 liều sẽ được phân phối thông qua cơ chế COVAX.

Đức chuyển vắc xin AstraZeneca cho nước nghèo, không mua thêm - Ảnh 1.

Vắc xin AstraZeneca được phân phối cho Ghana thông qua cơ chế COVAX - Ảnh: REUTERS

Trong một thông cáo ngày 7-7, Chính phủ Đức cho biết dịch COVID-19 vẫn phức tạp ở nhiều nước trong bối cảnh nguồn cung vắc xin tại Đức đã bắt đầu ổn định.

Do đó, Berlin sẽ chia sẻ vắc xin với các nước kém phát triển hơn thông qua cơ chế COVAX và song phương. Số vắc xin này bao gồm toàn bộ vắc xin AstraZeneca có trong các kho dự trữ của Đức.

Theo Hãng tin Reuters, ít nhất 500.000 liều AstraZeneca sẽ được chia sẻ thông qua cơ chế COVAX, một phần nhỏ sẽ được chuyển cho các nước thuộc khu vực tây Balkan, các nước như Georgia, Moldova, Ukraine và Namibia.

Hiện chưa có cụ thể số lượng vắc xin AstraZeneca có trong kho dự trữ của Đức. Theo kế hoạch, 80% lượng vắc xin sẽ được quyên góp cho cơ chế COVAX và 20% còn lại là viện trợ song phương.

Chính quyền Berlin trước đó thông báo sẽ viện trợ ít nhất 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca và Johnson&Johnson, trở thành một trong những nước chia sẻ vắc xin nhiều nhất trong nhóm nước giàu G7.

Nhiều ý kiến chỉ trích các nước giàu đang tước đi cơ hội thoát khỏi đại dịch của những nước nghèo bằng cách tích trữ vắc xin, theo Reuters.

Việc Đức quyết định chia sẻ vắc xin AstraZeneca diễn ra trong bối cảnh sự quan tâm của người dân đối với loại vắc xin này liên tục giảm. Chính phủ Đức không có kế hoạch mua thêm vắc xin AstraZeneca cho năm tới.

Theo Reuters, mặc dù chính quyền đã cấp phép khẩn cấp AstraZeneca, do lo ngại tác dụng phụ nên nhiều người Đức đã chọn tiêm Pfizer/BioNTech hoặc Moderna. Tình trạng này còn xảy ra ở một số nước châu Âu khác đã chọn AstraZeneca cho giai đoạn đầu chiến dịch tiêm chủng.

Hồi tuần trước, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thông báo những người đã tiêm liều 1 là vắc xin AstraZeneca sẽ được tiêm liều 2 là vắc xin Pfizer/BioNTech hoặc Moderna. Sự kết hợp này được tin là sẽ giúp bảo vệ người được tiêm tốt hơn trước các biến thể nguy hiểm như Delta.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiên phong cho việc tiêm 2 loại vắc xin khác nhau khi vẫn còn nhiều nghi ngờ về việc kết hợp vắc xin sẽ khiến cơ thể gặp phản ứng phụ mạnh hơn.

Chính quyền Đức đã nâng tỉ lệ tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng từ 80% dân số lên 85%. Nhiều chính trị gia đã kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin nếu muốn mọi thứ sớm trở lại bình thường sau tháng 8 tới.

Hiện Trung Quốc đang là nước viện trợ vắc xin hàng đầu cho khu vực tây Balkan, làm dấy lên những chỉ trích các nước lãnh đạo Liên minh châu Âu (bao gồm Đức) đang để cho đối thủ mở rộng ảnh hưởng ngay tại "địa bàn" của mình.

Châu Âu không cấp phép cho phiên bản vắc xin AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất Châu Âu không cấp phép cho phiên bản vắc xin AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất

TTO - Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu ngày 30-6 thông báo không cấp phép cho Covishield (phiên bản vắc xin AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất), do có khả năng “khác biệt” với phiên bản gốc.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên